Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 12 năm 2021 | 10:39

Nóng tình trạng buôn lậu dịp giáp Tết Nguyên đán

Càng vào thời gian cận Tết tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả ngày một “nóng”, khi chỉ trong thời gian ngắn, các lực lượng chức năng đã phá thành công nhiều vụ quy mô lớn. Hiện, các giải pháp đã được triển khai để ngăn chăn, bảo vệ người tiêu dùng

Bắt nhiều vụ hàng lậu

Cuối năm là dịp cao điểm của các hoạt động mua sắm các mặt hàng gia dụng, thực phẩm, thời trang. Đây cũng là dịp hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái tăng trở lại. Do vậy, chỉ trong một thời gian ngắn lực lượng chức năng liên tục bắt nhiều vụ buôn lậu, hàng giả.

Chiều 25/12, Tổng cục QLTT cho biết, hơn 2.600 chai rượu ngoại vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, ngay khi tiếp nhận tin báo, Đội quản lý thị trường số 5, (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận) phối hợp với đội Cảnh sát Giao thông số 2 (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh) đón lõng xe ô tô tải mang BKS 51D-333.02 đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận, hướng vào thành phố Hồ Chí Minh.

 

 Hơn 2.610 sản phẩm rượu các loại do nước ngoài sản xuất bị lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận bắt giữ.

 

Kiểm tra nhanh trong thùng xe, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng hơn 2.610 sản phẩm rượu các loại do nước ngoài sản xuất như: black label, Blue label, chivas 18, macallan 12…. Tại thời điểm kiểm tra tất cả số rượu này đều không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không dán tem rượu nhập khẩu trên sản phẩm và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế xe khai nhận chở số hàng trên từ Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Trước đó, ngày 18/12, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Phước đã lập biên bản, bàn giao đối tượng Hà Đức Hiệp (38 tuổi, ngụ huyện Đạt Tẻ, tỉnh Lâm Đồng) cùng tang vật là xe tải và 10.000 bao thuốc lá lậu cho công an huyện Bù Đăng để điều tra, làm rõ hành vi vận chuyển thuốc lá lậu trái phép.

Theo đó, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, tại khu vực thôn Bình Trung, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng,  Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp phát hiện xe tải loại 2,4 tấn đang lưu thông trên đường ĐT.759, hướng từ huyện Bù Đăng đi tỉnh Lâm Đồng có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành dừng xe kiểm tra.

 

 Lực lượng công an và quản lý thị trường kiểm đếm hàng lậu thu giữ (ảnh: TTXVN).

 

Khi kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên xe có nhiều loại bao tải màu xanh, vàng, bên trong chứa 10.000 bao thuốc lá hiệu SCOT (1 ngàn cây). Toàn bộ số hàng trên đều không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc. Bước đầu, tài xế khai nhận chở thuê toàn bộ số hàng trên từ địa bàn thị xã Phước Long về tỉnh Lâm Đồng.

Tại Lào Cai, thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lực lượng Công an tỉnh này đã phát hiện, thu giữ nhiều lô hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, ngày 22/12, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh bắt quả tang Lê Thạch Nghiêm (sinh năm 1980, hộ khẩu thường trú tại tổ 8, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) khi đang vận chuyển trái phép 1.500 bao thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực đường Ngô Gia Tự, thuộc tổ 3, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tổ công tác Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp cùng Đội quản lý thị trường số 5 phát hiện một lô hàng có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu kiểm tra hành chính.

Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 30 bao tải chứa Trà sơn mật trọng lượng 1.500 kg, 5 bao chứa hoa tam thất trọng lượng 200 kg và 20 hộp quả la hán trọng lượng 100 kg. Tổng là 1.800 kg dược phẩm các loại. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là anh Phạm Văn Nam, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai không xuất trình được giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc xuất sứ lô hàng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản thu giữ toàn bộ lô hàng và ra quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với chủ lô hàng.

Liên quan tới hàng hoá không có nguồn gốc xuất xứ, mới đây tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã bắt xe tải vận chuyển 16 tấn đường cát trắng xuất xứ Myanmar. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc số hàng hoá.

 

 Càng vào những ngày gần Tết Nguyên đán tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, buôn lậu có tình trạng gia tăng.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 24/11/2021, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 13.092 vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.553 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 12.652 vụ, thu ngân sách nhà nước 276,98 tỷ đồng; khởi tố 28 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 155 vụ.

Tăng cương kiểm soát chặt từ tuyến biên giới

Vào những dịp Tết Nguyên đán mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên thực trạng hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, hàng giả khi nhập lậu vào nội địa, qua nhiều phương thức khác nhau, có thể dưới dạng nguyên liệu được các cơ sở chế biến, đóng gói đưa ra thị trường; hay nhập hàng chưa có nhãn về sang chiết và đóng gói dán nhãn xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ...

Không dừng lại ở đó, các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố hình sự như: chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, ứng dụng internet... gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Về vấn đề này, Tổng cục Quản lý thị trường nhận định, cuối năm là dịp cao điểm của các hoạt động mua sắm các mặt hàng gia dụng, thực phẩm, thời trang. Đây cũng là dịp hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái tăng trở lại. Do đó, lực lượng chức năng cả nước sẽ tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm kịp thời phát ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hiện, tổng cục đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Dần-2022. Theo đó, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm soát thị trường các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết cùng các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh; nhất quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Hiện lực lượng QLTT đã đưa ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

 

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Phước bàn giao đối tượng Hà Đức Hiệp ở huyện Đạt Tẻ, tỉnh Lâm Đồng cùng tang vật là xe tải và 10.000 bao thuốc lá lậu (ảnh: TTXVN).

 

Để chủ động phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để trấn áp loại tội phạm này. Cụ thể, Đồn Biên phòng Tân Thanh đã lập 20 lán, trại dã chiến, bố trí cán bộ, chiến sĩ thường trực để thực hiện nhiệm vụ chốt chặn tại các đường mòn, lối mở 24/24 giờ. Đồng thời lập các tổ cơ động sẵn sàng tiếp sức cho các lán trên biên giới để phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn người, hàng hóa xuất, nhập cảnh trái phép và xuất lậu qua biên giới.

Còn theo ông Nguyễn Đức Lợi, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả, chúng ta phải xây dựng phương án tổ chức, đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện và duy trì kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa. Trong đó, cần tập trung vào các nhóm hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Ban chỉ đạo 389 các địa phương cần chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá. Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền. Phải tuyên truyền chính sách, pháp luật, kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, vận động nhân dân không tham gia, không tiếp tay cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Lợi cho biết.

Hi vọng với sự vào cuộc quyết liệu từ các cơ quan chức năng, các vụ vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng nhái thời gian tới sẽ được đẩy lùi, giữ ổn định giá hàng hoá dịp Tết, tăng nguồn thu cho Nhà nước, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top