Mô hình nuôi dê đang được nhân rộng, tạo cơ hội thoát nghèo cho nhiều nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau).
Ông Miên rất tâm đắc với mô hình nuôi dê.
Mô hình giảm nghèo
Anh Danh Tài (ấp 7, xã Tân Lộc) là người đầu tiên ở địa phương nuôi dê. Trước đây, do không có đất sản xuất nên cuộc sống gia đình anh chỉ dựa vào những đồng tiền làm thuê. Chính vì thế, dù lao động cật lực nhiều năm liền, vợ chồng anh cũng không sao thoát được cái nghèo.
Một lần về thăm nhà tại Bạc Liêu, anh Tài được anh em trong xóm hướng dẫn nuôi dê, nhận thấy mô hình đem lại hiệu quả kinh tế nên anh làm theo. Tuy nhiên, ban đầu do vốn ít, anh chỉ mua được 1 con dê đực và 2 con dê cái về nuôi thử.
Thật bất ngờ, đàn dê phát triển khá tốt. Chỉ cần chăm sóc, cung cấp cỏ đầy đủ, sau hơn 4 tháng nuôi, đàn dê đã cho anh Tài những lứa dê giống đầu tiên. Thấy mô hình mang lại hiệu quả, anh quyết tâm nhân rộng. Đến nay anh Tài có 12 con dê, trong đó có 10 con dê cái, hiện có 6 con đang mang thai chuẩn bị cho những lứa dê tiếp theo.
Anh chia sẻ: “Dê dễ nuôi, ít bệnh và phù hợp với điều kiện thời tiết như hiện nay, có hôm thời tiết 37-38 độ mà dê vẫn ăn khoẻ. Do ở đây bà con chủ yếu nuôi tôm nên các loại cỏ dại, đặc biệt là cây lức mọc trên bờ bao vuông tôm khá nhiều, từ đó, tạo nguồn thức ăn phong phú cho dê. Ngoài ra, dê cũng sinh sản khá nhanh, chỉ cần sau 4 tháng nuôi là dê bắt đầu cho sinh sản, giá cả cũng khá ổn định. Hiện dê giống có giá 4,5-5 triệu đồng/con, dê thịt 100.000-120.000 đồng/kg. Nhờ nuôi dê mà kinh tế gia đình tôi được cải thiện đáng kể”.
Ông Đặng Văn Miên (ấp 6, xã Tân Lộc Đông) cũng là một trong những hộ nuôi dê thành công. Sau nhiều năm độc canh con tôm mà kinh tế gia đình không mấy phát triển, ông trăn trở tìm cách thực hiện mô hình đa cây, đa con trên cùng một diện tích. Rồi một lần tình cờ xem ti vi, ông Miên bắt gặp mô hình nuôi dê ở một số địa phương khác cho hiệu quả kinh tế cao nên quyết định làm theo.
Ban đầu, ông mua 1 con dê đực và 4 con dê cái. Nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật qua sách, báo, đài và những kinh nghiệm từ thực tiễn nên đàn dê của ông Miên phát triển khá tốt. Sau gần 4 tháng nuôi, đàn dê đã cho những lứa đầu tiên.
Ông Miên chia sẻ: “Muốn cho dê đẻ đúng lứa, trước hết phải đảm bảo cho dê có sức khoẻ thật tốt. Vào mùa hạn, ít cỏ, cần bổ sung nước cám cho dê uống, nhờ thực hiện cách này mà đàn dê nhà tôi đẻ rất sai. Chỉ chưa đầy một năm nuôi, số lượng đã tăng gấp đôi”.
Nhiều lợi ích thiết thực
Không chỉ có anh Tài, ông Miên, mà hiện nay có hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Thới Bình đang thực hiện mô hình nuôi dê với quy mô lớn. Ngoài việc bán dê giống, dê thịt, nhiều hộ chăn nuôi còn tận dụng phân dê để bán cho người dân trong xóm làm phân bón cho cây, nhiều người còn xử lý phân dê để gây tảo cho vuông tôm, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Ông Miên cho biết: “Nhà tôi chỉ nuôi tôm là chủ yếu, xung quanh nhà cũng chẳng trồng được cây gì do bị nhiễm mặn. Do gia đình nằm trong đường lộ tẻ nên rất khó bán phân dê cho các nhà vườn, một thời gian dài phân dê tôi chỉ biết bỏ đi. Rồi một lần tình cờ tôi để ý khu vực hố đào để bỏ phân dê có màu nước xanh khá đẹp, nghĩ rằng phân dê có thể gây tảo cho vuông tôm nên tôi làm thử, ai ngờ thành công ngoài mong đợi”.
Ông Phan Chí Công, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thới Bình, đánh giá: “Mô hình nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm tham mưu cho huyện nhân rộng mô hình, đồng thời phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, để bà con mạnh dạn nuôi dê, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
Lưu Lâm Chiêu
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.