Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 11 năm 2021 | 10:31

Nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP mang lại hiệu quả cao

Hiện, một số vùng nuôi thủy sản trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng trị bệnh, dẫn đến kháng thuốc, tồn dư thuốc trong sản phẩm thủy sản, gây suy giảm môi trường nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Để giảm tình trạng này, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh ở thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức) - một trong những hộ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP - cho hay: Năng suất thủy sản bình quân của địa phương mới chỉ đạt 8-10 tấn/ha/vụ, lãi trung bình 40-50 triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, môi trường nước càng ngày càng ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, cá nuôi xuất hiện bệnh khó kiểm soát, thậm chí gây chết hàng loạt, giá cả bấp bênh nên các hộ nuôi bị thiệt hại về kinh tế. Vì vậy, người dân luôn trăn trở tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu tác hại đến môi trường, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Trong đó, nuôi theo VietGAP là một cách hay được nhiều người áp dụng...

Tương tự, tham gia mô hình, hộ gia đình bà Trần Thị Hường ở xã Phú Châu (Ba Vì) sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường và ủ men tỏi cho cá ăn định kỳ suốt thời gian nuôi nên cá lớn nhanh, đều con, ăn khỏe, tốn ít thức ăn so với phương pháp cũ, không dùng kháng sinh phòng, trị bệnh; ao nuôi ít xuất hiện tảo lam, cá không có hiện tượng nổi đầu dù thời tiết thay đổi.

“Trước đây, tôi cứ nghĩ áp dụng tiêu chí VietGAP gây tốn kém, cá chậm lớn nhưng nay gia đình thay đổi hoàn toàn quy trình nuôi thả theo hướng dẫn và đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, cá không xảy ra dịch bệnh nên giảm tiền mua thuốc, chất lượng cũng tốt hơn”, bà  Hường nói.

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, áp dụng nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP, ngoài những ưu điểm trên còn nâng cao ý thức người nuôi trong việc ghi chép quá trình sản xuất, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hình thành vùng nuôi bền vững và xây dựng thương hiệu. Mô hình nuôi thủy sản theo  quy trình VietGAP tại các địa phương thời gian qua đều đạt kết quả khả quan. Hiệu quả rõ nhất là cá sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 81,5%, năng suất trên 12,4 tấn/ha; lãi trên 90 triệu đồng/ha, cao hơn 10% so với phương pháp truyền thống. Đã có nhiều hộ tham gia mô hình được cấp giấy chứng nhận VietGAP, được lãnh đạo các cấp, ngành và người dân đánh giá cao...

 

1.jpg
Mô hình nuôi  thủy sản theo quy trình VietGAP tại xã Trung Tú (Ứng Hòa).

 

Tiếp nối thành công, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình này tại 5 huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Trì và quận Long Biên, quy mô 10ha. Trung tâm đã tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình trước khi thả giống, cấp cá giống, hỗ trợ 50% thức ăn cho cá...

Hiện, cá nuôi tại mô hình đều phát triển tốt, trung bình đạt 0,8-0,9kg/con, không xảy ra dịch bệnh. Dự kiến tháng 12 tới sẽ cho thu hoạch, năng suất ước đạt 12 tấn/ha.

Có thể thấy, mô hình nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP đạt hiệu quả lớn về kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức trong nuôi trồng thủy sản, từng bước tiến tới sản xuất bền vững, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hà Nội hiện có diện tích nuôi thủy sản lớn (hơn 23.000ha), do vậy, người dân và các địa phương mong muốn Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nói riêng, ngành Nông nghiệp Thủ đô nói chung tiếp tục hỗ trợ, xây dựng thêm mô hình hay để nông dân được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.

 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, thành phố  hiện có 23.400ha  nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2021 đến nay, sản lượng thủy sản toàn thành phố ước đạt 73.800 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ 2020; sản xuất được duy trì, các chuỗi liên kết phát huy giá trị, bảo đảm nguồn cung cho Thủ đô, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
BẠCH THANH
Ý kiến bạn đọc
Top