Là DN đóng trên địa bàn xã Ngọc Đồng (Yên Lập - Phú Thọ) với hoạt động chính là SX, chế biến chè, nhưng, trên thực tế, tại một khu vực nằm trong phần đất thuộc sự quản lý của chính Cty đã được “biến” thành công trường khai thác, vận chuyển đất trái phép.
Khai thác, vận chuyển đất trái phép
Người dân sinh sống tại địa phận khu 6, xã Ngọc Đồng (huyện Yên Lập) phản ánh về việc xuất hiện nhiều xe ô tô tải năm chân (trọng tải khoảng 40-50 tấn) ngày đêm vận chuyển đất ra khỏi Công ty TNHH Chè Ngọc Đồng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đường dân sinh, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông… Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không hề có cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Được biết, theo đăng ký kinh doanh, Công ty TNHH Chè Ngọc Đồng có các hoạt động chính như sản xuất, chế biến chè. Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Chè Ngọc Đồng đã tự ý “biến” một phần diện tích đất của mình thành một công trường rộng hàng hecta để khai thác và vận chuyển đất trái phép diễn ra rầm rộ, công khai.
Tại đây, việc khai thác được thực hiện một cách có tổ chức và chặt chẽ. Phần đất có màu sáng trắng và tơi xốp – rất giống đất sét phong hóa, được múc rồi đổ lên 5-6 ô tô tải đang xếp hàng dài chờ sẵn. Xe ô tô ra vào công trường này sẽ đi theo một đường được quy định riêng, số lượng xe và thành phẩm đã khai thác được kiểm đếm cụ thể khi ra khỏi điểm khai thác. Luôn có 5-6 người đàn ông túc trực để chỉ đạo, quán xuyến và giám sát công việc khai thác.
Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, các hoạt động khai thác nói trên tại Công ty Chè Ngọc Đồng diễn ra từ quý I/2020. Thế nhưng, những hoạt động khai thác trái phép này vẫn không bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.
Hoạt động khai thác chỉ tạm dừng khi có sự xuất hiện của một số cán bộ địa phương đến kiểm tra, và sau đó mọi thứ lại diễn ra bình thường, những chiếc xe tải chở đất khai thác tại đồi chè của Công ty Chè Ngọc Đồng vẫn nườm nượp ra vào khu vực công trường suốt ngày đêm, bất chấp sự bức xúc của người dân.
Được biết, toàn bộ số lượng đất Công ty Chè Ngọc Đồng khai thác trái phép được vận chuyển đến Công ty cổ phần Takao Việt Nam (tại Lô B Khu công nghiệp Trung Hà, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) để làm nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này.
Điều đáng nói, các xe ô tô chở khoáng sản này đều là các xe tải 5 chân, có biển kiểm soát đầu số 88 hoặc 14 (xe của tỉnh Vĩnh Phúc hay tỉnh Quảng Ninh) và trên xe đều có đặt biển ghi chữ “LV-PT”. Những chiếc xe này dù có dấu hiệu quá khổ, quá tải vì thùng xe được cơi nới hàn thêm để gia tăng khối lượng, thế nhưng vẫn ngang nhiên đi qua các chốt CSGT trên địa bàn mà không hề bị kiểm tra, xử lý.
Người dân địa phương cho rằng, theo ước lượng thì những chiếc xe chở khoáng sản nói trên có trọng lượng không dưới 40 tấn/ xe; và dựa vào những biển ghi dòng chữ “LV-PT”, rất có thể những chiếc xe này nằm trong hệ thống thuộc quản lý của một đơn vị vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép vốn thuộc dạng rất có “máu mặt” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mang tên “Long Vương – Phú Thọ”!?
Chưa khắc phục nguyên trạng
Theo đại diện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Yên Lập, ngày 05/02/2021, UBND huyện Yên Lập có văn bản số 175/UBND-TN&MT do Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Kim Ngọc ký, chấp thuận cho Công ty TNHH Chè Ngọc Đồng được vận chuyển đất dư thừa khi thi công san gạt, cải tạo mặt bằng hạ cốt nền đối với đất trồng cây lâu năm được giao để thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè công nghệ cao tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập.
Theo văn bản này thì Công ty TNHH Chè Ngọc Đồng được hạ độ cao từ cốt +50,6m xuống cốt thiết kế +47m (hạ 3,6m) trên diện tích 5.148,3m2 với khối lượng 8815,8m3, trong thời gian 60 ngày (kể từ ngày ký văn bản). Đất ở đây chỉ sử dụng để thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè công nghệ cao.
Tuy nhiên, nội dung văn bản này lại không nêu căn cứ đất trồng cây lâu năm được Nhà nước giao để thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè công nghệ cao tại xã Ngọc Đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Thanh Phương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Yên Lập thừa nhận có việc khai thác, vận chuyển đất trái phép tại Công ty Chè Ngọc Đồng. Sau khi phát hiện sự việc, huyện đã vào cuộc kiểm tra, xử lý, yêu cầu Công ty dừng toàn bộ việc khai thác. “Từ ngày 29/5/2021, UBND huyện đã giao Công an huyện cùng các cơ quan chuyên môn thành lập chốt tại khu vực này để giám sát, ngăn chặn và xử lý vi phạm”, ông Phương nói.
Được biết, ngày 11/6/2021, UBND huyện Yên Lập có Văn bản 824/UBND-TNMT gửi Phòng TN&MT, Công an huyện, UBND xã Ngọc Đồng và Công ty Chè Ngọc Đồng, yêu cầu Công ty Chè Ngọc Đồng dừng việc san gạt, hạ cốt nền và vận chuyển đất trái phép. Với những vị trí đã đào thành hố sâu, Công ty phải thực hiện ngay việc hoàn nguyên, trả lại mặt bằng để đảm bảo an toàn, tránh nguy hiểm cho người dân và vật nuôi, thời gian hoàn thành trước 16/6/2021. Huyện giao Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp Công an huyện, UBND xã kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và giám sát việc khắc phục sai phạm, báo cáo kết quả với huyện trước ngày 18/6.
Yêu cầu của UBND huyện là vậy, nhưng theo ghi nhận của PV, dù đã quá thời hạn nhưng tại một số vị trí khai thác đất, việc hoàn nguyên của Công ty Chè Ngọc Đồng vẫn chưa được thực hiện; Phòng TN&MT cũng chưa xử lý và báo cáo kết quả với UBND huyện.
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cơ quan chức năng huyện Yên Lập và tỉnh Phú Thọ cần vào cuộc điều tra làm rõ có hay không việc Công ty Chè Ngọc Đồng khai thác trộm tài nguyên thiên nhiên. Trong trường hợp khu vực khai thác mà Công ty tiến hành xúc đất rồi vận chuyển bán cho một đơn vị khác là một mỏ đất sét mà nằm trong danh mục khoáng sản được quy định thì ở đây có những dấu hiệu hình sự cần làm rõ. Theo Luật sư Cường thì, Điều 227, Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên: 1. Người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; b) Khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; c) Có tổ chức; d) Gây sự cố môi trường; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 04 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; e) Làm chết người. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng. 4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.