Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 9 năm 2015 | 8:5

Ô nhiễm từ nuôi tôm trên cát, biển... chết!

Báo Kinh tế nông thôn từng có bài phản ánh tình trạng ô nhiễm tại vùng nuôi tôm trên cát tại hai thôn Bắc Hòa, Phú Hòa thuộc xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh). Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

>> Hà Tĩnh: Nuôi tôm trên cát, biển thành bãi rác!

>> Tiếp bài "Hà Tĩnh nuôi tôm trên cát, biển thành bãi rác!": Chính quyền “hứa” đến bao giờ?

Chủ hộ được mùa, biển được rác

Hiện thôn Phú Hòa có tổng cộng 23 lô nuôi tôm, trong đó có 9 lô thuộc dự án của tỉnh Hà Tĩnh, còn lại đều nằm ngoài dự án, do dân tự bỏ vốn đầu tư, khai thác. Nuôi tôm đang được đánh giá là nghề mang lại siêu lợi nhuận. Như ông Bình, một chủ hồ nuôi tôm ở đây, chia sẻ: “Gia đình tôi có tất cả 4 hồ nuôi, mỗi vụ thu về khoảng 17 tấn. Vụ tôm năm nay không chỉ được mùa mà giá còn lên khá cao, tới 198.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình có thể thu được khoảng 2 tỷ đồng”.

Nước thải chảy tràn ra ngoài ống dẫn.

Vì lợi nhuận mang lại quá lớn nên người dân càng đổ xô nuôi tôm. Đầu tư càng mạnh, càng ồ ạt thì ắt hẳn khâu vệ sinh môi trường càng dễ bị bỏ qua. Chính điều này là tác nhân khiến tình hình ô nhiễm tại các khu vực xả thải của hồ nuôi càng trở nên trầm trọng. Hệ thống nước thải từ hồ nuôi theo các đường ống chảy thẳng ra biển; trong khi đó, hệ thống bể lắng, bể lọc được chủ hồ nuôi làm theo kiểu đối phó, hầu hết các hồ lắng đều không được trải bạt, khâu xử lý kém. Các mối nối đường ống dẫn thải được lắp lại với nhau một cách sơ sài. “Bất kể ai đặt chân đến khu vực xả thải của vùng nuôi đều phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi thối. Những dòng nước xanh, đen kèm theo váng vàng, sủi bọt đặc quánh từ các kẽ hở của mối nối chảy ra tràn ngập lút cả ống dẫn”, một người được thuê canh giữ hồ nuôi tôm tại đây chia sẻ.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Hiện cấp độ ô nhiễm của vùng nuôi đã lên đến mức báo động. Thế nhưng, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Xuyên, vẫn không xác định được vùng nào là vùng xả thải của các hồ nuôi tôm tại thôn Phú Hòa. Ông Toàn cho rằng, nguồn nước thải ở đây chỉ “hơi đục và không được xanh lắm”.

Nước thải bốc mùi hôi thôi, khiến người dân địa phương sống gần khu vực vô cùng bức xúc.

Cũng theo ông Toàn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Xuyên đã có văn bản hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường gửi xã, trong đó có ghi rõ các biện pháp xử lý chất thải, nước thải từ ao nuôi… Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, không có hộ nào làm đúng quy trình, bỏ qua hầu hết các khâu; không hề có ao lắng sơ cấp, ao tùy nghi, tảo thực vật, các loại cá ăn mùn bã hữu cơ, sinh vật đáy… mà chỉ có duy nhất một ao thải cho nước thải từ hồ nuôi xả vào rồi chảy thẳng ra biển. 

“Nước lấy vào cũng từ biển, nước xả ra cũng từ biển. Nếu làm vì môi trường thì người được lợi đầu tiên chính là những hộ nuôi tôm, nếu đảm bảo tốt thì sẽ tránh được tối đa dịch bệnh, tức là tránh được tối đa nguồn lây nhiễm từ nguồn nước. Không dịch bệnh thì tôm phát triển tốt, năng suất cao, đồng nghĩa với lợi nhuận lớn; còn một khi tôm bị bệnh thì mức độ thiệt hại không hề nhỏ. Hiện đã có một hộ nuôi bị xử phạt hành chính vì làm sai quy trình, xả thải bừa bãi với mức 5 triệu đồng/hộ”, ông Toàn nói.

Đọng lại tạo thành "túi nước thải".

Thiết nghĩ, với doanh thu tiền tỷ mà mức phạt chỉ dừng lại ở 5 triệu đồng/hộ thì liệu đã đủ sức răn đe (?!). Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở mức độ xử lý vi phạm nặng hay nhẹ mà là ý thức của người nuôi, là trách nhiệm của các ngành chức năng thiếu chỉ đạo sát sao khiến vùng biển thơ mộng, xinh đẹp đã biến thành một bãi rác khổng lồ.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

                                                                                      Nhóm PV điều tra

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top