Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 12 năm 2021 | 11:50

Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị triệu tập nhiều lãnh đạo thành phố

Sáng 10/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 đồng phạm trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C của Cộng hòa Liên bang Đức.

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập tất cả những người liên quan, có mặt trong buổi làm việc tại bờ hồ Hoàn Kiếm vào chiều 31/7/2016.
 
ttxvn_nguyen_duc_chung.jpg
Bị cáo Nguyễn Đức Chung - cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
 
Trong số đó có ông Nguyễn Thế Hùng (khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) và một số cán bộ văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Công ty Thoát nước Hà Nội.
 
Bị cáo Chung cũng đề nghị triệu tập những người liên quan đến việc đề xuất, đàm phán mua chế phẩm Redoxy-3C.
 
Bị cáo Chung còn đề nghị luật sư thay mặt mình cung cấp cho tòa các bản dịch từ băng ghi âm mà bị cáo cùng các lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp Tổng Giám đốc Công ty Watch Water (Đức) vào chiều 25/6/2016 tại tại trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; văn bản bị cáo Nguyễn Đức Chung thay mặt Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố ký gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội báo cáo kết quả thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C do Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện; văn bản đồng ý của Thường trực Thành ủy ngày 8/12/2016; Nghị quyết số 31 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội về công tác xử lý ô nhiễm môi trường…
 
Luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập thêm đại diện Ủy ban Nhân dân phường Trúc Bạch và Ủy ban Nhân dân phường Thành Công, đại diện Văn phòng Thành ủy Hà Nội. Luật sư cho rằng hai phường này liên quan đến đánh giá hiệu quả làm sạch nước hồ trên địa bàn.

Bào chữa cho bị cáo Võ Tiến Hùng, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị tòa triệu tập bổ sung ông Nguyễn Lê, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội; ông Phạm Công Bình, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội; ông Nguyễn Doãn Toản, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đại diện Cục Hóa chất Bộ Công Thương...

Luật sư Phúc còn đề nghị Hội đồng xét xử thu thập công văn của Cơ quan điều tra gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đề nghị xử lý kỷ luật một số lãnh đạo, cán bộ của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước.

Ngoài ra, luật sư Trần Hồng Phúc còn xuất trình tại phiên tòa 2 tài liệu mới là công văn của Công ty Thoát nước Hà Nội về nội dung liên quan đến an toàn sức khỏe của người lao động và công văn xác định những đóng góp của bị cáo Võ Tiến Hùng với công ty.

Hội đồng xét xử đã ghi nhận những ý kiến này của bị cáo và các luật sư bào chữa. Quá trình diễn ra phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ triệu tập thêm nếu xét thấy cần thiết.

Hai đồng phạm với bị cáo Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967) gồm: Nguyễn Trường Giang (sinh năm 1984, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic) và Võ Tiến Hùng (sinh năm 1967, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội).

Cả ba bị cáo cùng bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa, có 11 luật sư tham gia bào chữa cho 3 bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Chung có 5 luật sư bào chữa, 2 bị cáo còn lại mỗi bị cáo có 3 luật sư bào chữa.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội có mặt tại phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự. Ngoài ra, còn có mặt một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm: đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Arktic, ông Bùi Ngọc Uyên (Giám đốc Xí nghiệp Quản lý các nhà máy xử lý nước thải trực thuộc Công ty Thoát nước Hà Nội), ông Trần Trọng Văn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội)...

Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung) xin vắng mặt.

 

 

PV
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top