Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 10 tháng 4 năm 2017 | 10:7

Ông trùm nạo vét cát thao túng quan chức Bộ GTVT như thế nào?

Càng đi sâu vào vụ cát tặc đe dọa Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, nhóm PVĐT của Báo Lao Động đã không khỏi ngạc nhiên khi các trùm cát tặc đã “lobby” ngay từ việc ban hành chính sách của Bộ GTVT.

Ông trùm nạo vét cát Ngô Thành Sơn. (Nguồn Vietsonicd)

Giấy phép “bật đèn xanh”… cho cát tặc

Ngay khi phát hiện ông trùm Ngô Thành Sơn (SN 1980) nắm trong tay một nhóm Cty thực hiện hàng loạt dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm (dự án nạo vét DTL) của Cục Đường thủy nội địa VN (Cục ĐTNĐ), PV Báo Lao Động nhiều lần liên lạc với ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ phụ trách dự án nạo vét DTL để làm rõ việc này. Tuy nhiên, ông Thọ liên tục viện lý do bận công việc và cử chuyên viên ra tiếp.

Sáng 5.4.2017 tại trụ sở Cục ĐTNĐ, nhóm PV Báo Lao Động tiếp cận được hồ sơ thực hiện dự án nạo vét DTL do nhóm Cty của trùm nạo vét cát Ngô Thành Sơn thực hiện.

Ông trùm nạo vét cát Ngô Thành Sơn khoe sản phẩm cát trên trang web công ty. (Nguồn Vietsonicd)

Ông trùm nạo vét cát Ngô Thành Sơn khoe sản phẩm cát trên trang web công ty. (Nguồn Vietsonicd)

“Tại sao các dự án do các Cty của ông Ngô Thành Sơn thực hiện đều do Cty tự đề xuất?”, PV tiếp tục đặt câu hỏi. Vị chuyên viên của ông Thọ cho biết: “DN người ta hoạt động kinh doanh nên đề xuất những dự án hiệu quả”. PV Báo Lao Động phản biện: “Mục đích của các dự án nạo vét DTL là luồng khơi thông cho tàu bè chứ không phải mục đích là sản phẩm cát”. Lúc này vị chuyên viên cười trừ.Điều đặc biệt là trong tập “Tài liệu hồ sơ pháp lý” của nhóm Cty Ngô Thành Sơn phần lớn đều thiếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Điều này cũng dễ hiểu bởi nếu có giấy chứng nhận ĐKKD kèm theo thì người đọc dễ dàng nhận thấy nhóm các DN: Cty CP trục vớt luồng hạ lưu, Cty CP đầu tư Việt và Sơn và Cty CP đầu tư và thương mại Việt Sơn… đều có một ông chủ duy nhất. Khi PV đặt câu hỏi: Việc lập danh mục các dự án nạo vét DTL do Cục ĐTNĐ lập hay do các DN lập? Vị chuyên viên (do ông Thọ cử ra tiếp) cho biết: “Theo Thông tư 69/2015/TT-BGTVT ngày 9.11.2015, các dự án vừa do cục lập danh mục vừa do các DN đề xuất”.

Theo Thông tư 69 của Bộ GTVT, các DN tham gia dự án nạo vét DTL được là “nhà đầu tư” và “được đề xuất thực hiện dự án ngoài danh mục dự án do Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh phê duyệt và công bố”. Rõ ràng đây là kẽ hở “khó hiểu” mà những người xây dựng thông tư đã tạo ra. Bất cứ “nhà đầu tư” có thế lực nào cũng có thể vẽ ra các dự án, chọn lấy một khúc sông “ngon nhất” để múc cát. Kiểm tra các tập “Tài liệu hồ sơ pháp lý” dự án nạo vét DTL do các Cty của ông trùm Ngô Thành Sơn cũng thấy rõ ông trùm đã triệt để tận dụng kẽ hở này để múc cát trên sông Cầu, sông Đuống, sông Hồng, sông Kinh Thầy…

Kịch bản hoàn hảo…

Trở lại với thời điểm tháng 4.2016 khi UBND tỉnh Bắc Ninh gửi công văn đến Cục ĐTNĐ yêu cầu dừng dự án nạo vét DTL của Cty CP trục vớt luồng hạ lưu trên sông Cầu vì hành vi cát tặc của Cty này phá hoại bờ kè đê điều. Sau đó, Cục ĐTNĐ và Bộ GTVT đã có hàng loạt hành động gây sức ép với UBND tỉnh Bắc Ninh để DN của ông trùm Ngô Thành Sơn có thể hoạt động. Điều tra của PV Báo Lao Động cho thấy, đứng sau những hành động này của các quan chức Bộ GTVT diễn ra với một “kịch bản hoàn hảo” nhưng lộ bóng dáng của ông trùm nạo vét cát Ngô Thành Sơn.

Ông trùm nạo vét cát thao túng quan chức Bộ GTVT như thế nào? ảnh 1

Biên bản cuộc khảo sát tàu mắc cạn ngày 9.1.2017, đại diện sở ngành Bắc Ninh đã bỏ về không ký. Ảnh: P.V

Hành động “phản công” đầu tiên chính là cuộc khảo sát “tàu mắc cạn” ngày 9.1.2017 trên sông Cầu (đoạn huyện Quế Võ) do Cục ĐTNT tổ chức, có mời các sở ban ngành của tỉnh Bắc Ninh. Phóng sự nóng về cuộc khảo sát “tàu mắc cạn” này do một đài truyền hình kỹ thuật số thực hiện vẫn được lưu giữ trên Youtube cho thấy, một sà lan vận tải bị mắc cạn… do chở quá tải, sau đó các tàu cát tặc được điều đến cứu hộ và mắc thành một đám. Trên bờ đê, một dãy xe con sang trọng đứng chứng kiến. Trong đoạn trả lời phỏng vấn truyền hình, ông Hoàng Văn Vỹ (em vợ của ông trùm cát Ngô Thành Sơn) được giới thiệu Giám đốc Cty CP trục vớt luồng hạ lưu lớn tiếng đổ trách nhiệm cho tỉnh Bắc Ninh.

Khi PV Báo Lao Động đặt câu hỏi với vị chuyên viên của ông Trần Văn Thọ - Cục phó Cục ĐTNĐ: “Cuộc khảo sát “tàu mắc cạn” này do ông Ngô Thành Sơn tổ chức hay do Cục ĐTNĐ tổ chức?”. Vị chuyên viên khẳng định: “Cuộc khảo sát do Cục ĐTNĐ tổ chức” và cho biết cũng tham gia cuộc khảo sát này. “Vậy tại sao ông trùm cát Ngô Thành Sơn lại có mặt trong đoàn khảo sát đoạn dự án của Cty CP trục vớt luồng hạ lưu, phải chăng được Cục ĐTNĐ mời?”, PV tiếp tục đặt câu hỏi. Lúc này vị chuyên viên lại cười trừ.

Hình ảnh của trùm nạo vét cát Ngô Thành Sơn lọt vào ống kính camera cho thấy, ông trùm này luôn kè kè bên ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ chứng tỏ hai vị này không lạ gì nhau! Trước sự “đạo diễn” lộ liễu của ông trùm, đại diện các sở ngành của tỉnh Bắc Ninh đã bỏ về, bất chấp như vậy nhưng biên bản khảo sát vẫn được đưa ra với phần bỏ trống của đại diện sở ngành tỉnh Bắc Ninh. Kết quả khảo sát ngày 9.1.2017 được Cục ĐTNĐ công bố như sau: “Cục ĐTNĐ phối hợp với cơ quan chức năng của UBND tỉnh Bắc Ninh, cùng đơn vị tư vấn độc lập tiến hành đo xác suất 4/11 vị trí đoạn cạn thuộc dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Kết quả có 3/4 vị trí được kiểm tra xác suất chưa đạt chuẩn tắc luồng theo thiết kế”.

Tiếp đó ngày 22.2.2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký CV số 1689/BGTVT-KCHT và ngày 1.3.2017 Cục ĐTNĐ VN tiếp tục có CV số 266/CĐTNĐ-KHĐT gửi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị tỉnh này để Cty của trùm cát Ngô Thành Sơn tiếp tục thực hiện dự án. Đồng thời, nhiều tin nhắn đe dọa được gửi vào máy di động của hàng chục cán bộ sở, ngành và cả Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.Trước các động thái này của Bộ GTVT, Cục ĐTNĐ và ông trùm cát Ngô Thành Sơn, ngày 9.3.2017 UBND tỉnh Bắc Ninh đã buộc phải ra CV số 55/UBND-NN.TN gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại CV này, UBND tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Chỉ đạo Bộ CA vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ trung ương đến địa phương đứng sau bảo kê, đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh”.

Theo Đỗ Vân/Báo Lao động

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top