Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 11 năm 2015 | 12:0

Phá rừng ở Di Linh: Cả làng lấn chiếm!

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp, trước đây là Lâm trường Tam Hiệp (Di Linh - Lâm Đồng) cho biết, vấn đề nổi cộm nhất ở đây là tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân và lâm trường.

GĐ Cty Tam Hiệp chỉ trên bản đồ những khu vực đã bị người dân chiếm dụng trái phép.

Lâm trường Tam Hiệp mất 3.120ha đất

Hiện, diện tích quản lý của Lâm trường Tam Hiệp là 26.624ha, trong đó rừng phòng hộ 855ha, 22.632ha là rừng tự nhiên sản xuất, còn lại là các loại đất lâm nghiệp khác. Theo ông Tuấn, cho dù đến nay, đã giao khoán bảo vệ 10.000ha cho các hộ dân, thế nhưng tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra.

Cường độ phá rừng ngày càng nhiều, nhưng chưa xác định được thủ phạm. Họ dùng xe công nông cải tiến và xe máy tự chế để vận chuyển gỗ. “Khi kiểm tra phát hiện, họ “bỏ của chạy lấy người”, lực lượng kiểm tra chỉ bắt giữ được gỗ. Tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép chủ yếu ở các tiểu khu 678, 677 thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp về xã Ninh Loan. Ở khu vực giáp ranh này có tới 4 xưởng cưa, là nơi tiếp tay tiêu thụ gỗ trái phép thế nhưng, vì họ ở ngoài địa bàn của Lâm trường nên chúng tôi không thể ngăn chặn được”, ông Tuấn chia sẻ.

Trên địa bàn xã Tam Bố có 27.690ha rừng, trong đó 25.000ha thuộc Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp quản lý. Ông K Brel, Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn 4, xã Tam Bố cho biết, cả xã có 150 hộ nhận khoán bảo vệ rừng từ lâm trường, với diện tích khoảng 3.000ha. Tiền công bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha/năm, bình quân mỗi hộ 20ha, tiền công một năm chỉ khoảng 4 triệu đồng. Tiền công bảo vệ rừng quá thấp, rừng lại ở xa nên rất khó bảo vệ. Ông nói: “Nhà mình nhận khoán bảo vệ 30ha rừng, được trả mỗi năm 5-6 triệu đồng Mỗi tháng chỉ đi lên xem 3 lần thôi, mỗi lần đã mất 50.000 đồng tiền xăng rồi. Mà cũng không thể đi hết được, chỉ đến đầu bìa rừng nơi mình nhận khoán bảo vệ rồi về thôi. Người ta chặt cây trong rừng của mình nhiều lắm, làm sao biết hết được. Khi phát hiện có người chặt cây thì mình chỉ nói thôi, chứ không có quyền bắt người ta, nên người ta cũng không nghe, vẫn cứ chặt”.

Ông Đào Văn Vị, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Bố dẫn chúng tôi vào trong rừng, chỉ cho thấy những quả đồi đỏ quạch nằm giữa những đồi rừng thông xanh ngắt cho hay, những quả đối đó hồi đầu năm vẫn là rừng thông xanh tốt, giờ đã bị tàn phá trơ trụi. Cả xã có 1.700 hộ, dân số gần 7.000 khẩu, trong đó dân tộc K’ho chiếm 42%. Do các hộ gia đình đều đông con cái nên thiếu đất sản xuất, nhiều hộ đã lấn chiếm đất rừng để làm rẫy. chủ yếu là trồng cà phê. Họ không chỉ lấy đất để tự sản xuất, mà còn mua đi bán lại trái phép cho người ở nơi khác. “Họ chỉ đến làm rẫy xong thì về.  Khi họ phát cây và trồng cà phê thì chính quyền xã  không biết, khi mình đến kiểm tra phát hiện, thì không thấy người, thấy cây họ trồng rồi, không nỡ nhổ đi”, ông Vị bày tỏ - “Nay tỉnh chỉ đạo phương hướng xử lý là, những diện tích đã trồng cà phê từ hơn 3 năm trở lên thì sẽ cho chuyển đổi từ đất rừng thành đất nông nghiệp và cho người dân tiếp tục trồng. Những diện tích nào do phá rừng lấn chiếm trái phép chưa được 3 năm thì sẽ kiên quyết cưỡng chế thu hồi”.

Rừng Di Linh đang bị lấn chiếm.

Bà Ka Đẻo ở thôn số 4, xã Tam Bố cho hay, nhà có 14 khẩu. Do nhiều con đã lập gia đình, sinh cháu nhưng tất thảy phải sống dựa vào 1 mẫu đất canh tác được xã giao cho đã 30 năm. Bà có lấn chiếm 5 sào đất rừng để trồng cà phê từ 2 năm nay.  “Xung quanh thấy người ta lấn chiếm, cả làng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy thì mình cũng làm theo mọi người thôi. Nhà mình nghèo, nên không bị phạt chi hết. Biết đó là đất lâm nghiệp, nếu trồng cà phê là vi phạm, nhưng không thể nào khác”, bà Ka Đẻo bày tỏ.

Xử lý phải mạnh tay

Ông Tuấn cho biết: “Tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất của lâm trường biến thành đất nông nghiệp một cách trái phép đang rất nóng. Từ năm 2014 đến nay đã xử phạt 145 hộ lấn chiếm đất, giải tỏa, thu hồi cưỡng chế 60ha để tổ chức trồng rừng. Thế nhưng tính đến tháng 8/2015, hiện có 3.120ha đang bị tranh chấp, đó là đất rừng bị người dân chiếm dụng để trồng cà phê. Vì diện tích này bị chiếm dụng đã nhiều năm, đến nay không thể thu hồi được”.

Theo ông Tuấn, mâu thuẫn giữa sinh kế của người dân đia phương với nhiệm vụ bảo vệ rừng là bài toán không dễ giải. Công ty đã soạn thảo xong phương án sắp xếp đổi mới, đã trình lên cấp trên. Trong đó, đề ra phương hướng sẽ quy hoạch lại diện tích đất. Với 3.120ha đất lâm nghiệp mà người dân đã trồng cà phê nhiều năm thì không thể thu hồi được, nên sẽ giao về cho địa phương quản lý và buộc phải chuyển từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp. 

Theo Văn bản Kết luận của Thanh tra UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 12/3/2015 về việc thanh tra Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp theo Quyết định số 55/QĐ-TTr, trong 2 năm 2013 - 2014, công ty này hạch toán trên báo cáo tài chính chưa đúng quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tình trạng rừng bị phá, bị mất đất rất nghiêm trọng. Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND huyện Di Linh có các biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, UBND các xã Tam Bố, Gia Hiệp mạnh tay kiểm tra, truy quét, phát hiện và ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm tài nguyên rừng xảy ra trên địa bàn huyện. Kiến nghị Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp phải chủ động bố trí lực lượng, huy động các tổ nhận khoán QLBVR tăng cường tuần tra, truy quét trên diện tích rừng các hộ đang nhận khoán, các vùng trọng điểm,vùng giáp ranh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Phối hợp với UBND xã Gia Hiệp, Tam Bố giải tỏa diện tích đất rừng bị lấn chiếm, có phương án trồng lại rừng. Rà soát để chấm dứt hợp đồng đối với những hộ nhận khoán QLBVR không có nhân lực hoặc không còn khả năng nhận khoán để chuyển sang các hộ khác nhằm phát huy hiệu quả công tác QLBVR.

Chu Khôi

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top