Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 7 năm 2018 | 11:45

Phát hiện 14 tấn sầu riêng nghi ngâm hóa chất cấm

Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, cơ quan này đang tiến hành lấy mẫu, lấy lời khai những người liên quan để làm rõ vụ việc phát hiện hơn 14 tấn sầu riêng nghi ngâm tẩm hóa chất cấm để bán ra thị trường.

Trước đó, Công an huyện Xuân Lộc đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường Đồng Nai bất ngờ kiểm tra cơ sở sơ chế, thu mua trái cây Hùng Thuận ở ấp Bảo Định, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc, do ông Nguyễn Thành Tâm (34 tuổi) làm chủ.

Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang nhân công đang quét một loại bột ướt, có màu vàng vào cuống trái sầu riêng rồi đem nhúng vào thùng chứa nước nghi pha hóa chất; những quả sầu riêng này sau đó được đưa lên kệ để quạt khô, đem dán tem và đóng thùng. Kiểm tra toàn bộ cơ sở, đoàn liên ngành phát hiện tổng cộng hơn 800 thùng sầu riêng với tổng trọng lượng khoảng 14 tấn đã bôi, nhúng.

3.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều dụng cụ bôi, nhúng sầu riêng như xô chứa dung dịch nước màu vàng; gần 20 chai hóa chất; khoảng 30 kg tem có in nhiều loại chữ nước ngoài; hàng chục bịch bột màu không nhãn hiệu và bịch chất kích thích sinh trưởng hiệu Lunar 150WP dùng để phun trên lá sầu riêng.

Toàn bộ hàng, tang vật đã bị tạm giữ. Bước đầu, đoàn kiểm tra cho biết số sản phẩm nghi đã sử dụng ngâm tẩm hóa chất cấm trong chế biến bảo quản trái cây.

 

Vượt Thái Lan, Việt Nam trúng thầu 60.000 tấn gạo xuất sang Hàn Quốc

Vượt qua các doanh nghiệp tên tuổi, là đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc, Thái Lan, Úc, một doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu, xuất 60.000 tấn gạo lứt Japonica (loại gạo có giống từ Nhật Bản) sang thị trường khó tính Hàn Quốc. 

Thông tin từ thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Long là đơn vị duy nhất của Việt Nam trúng thầu số lượng gạo trên. Cùng với loại gạo chất lượng cao Japonica, Tập đoàn Tân Long cũng trúng thêm 2.800 tấn gạo trắng hạt dài trong đợt đấu thầu vừa qua.

Đáng chú ý, đây là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam “đánh bật” các doanh nghiệp quốc tế đến từ Trung Quốc, Thái Lan và Úc để trúng “trọn gói” 60.000 tấn gạo Japonica cung cấp cho Hàn Quốc dưới dạng đấu thầu Chính phủ.

5.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 Giá gà ta tăng mạnh, người chăn nuôi có lãi

Cùng với đà tăng của mặt hàng thịt lợn, người chăn nuôi gà ta thả vườn đang rất phấn khởi vì đến thời điểm này, giá gà ta tăng cao, bà con nông dân có thu nhập khá.

Hiện gà ta bán buôn cho các thương lái tại các trang trại có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg, tăng từ 30 -40% so với hai, ba tháng trước.

Gia đình anh Cấn Văn Mai, xã Cấn Hữu (Quốc Oai – Hà Nội) đang nuôi 1.000 con gà thả vườn. Anh đang khẩn trương chăm sóc, chú ý tới vấn đề kỹ thuật, tận dụng các nguồn thức ăn để đàn gà đạt trọng lượng 1,5- 2kg/con xuất chuồng trong thời gian tới.

Khảo sát của phóng viên tại một số chợ dân sinh và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Thành Công, Chợ Cầu Giấy, chợ Phùng Khoang, chợ Dịch Vọng…, giá gà ta chưa mổ cũng tăng so với các tháng trước. Hiện gà cả lông loại ngon dao động từ 140.000 – 160.000 đồng/kg.

Các tiểu thương và người chăn nuôi cùng chung nhận định, giá gà ta vẫn sẽ còn tăng do thị trường tiêu thụ mạnh kết hợp nguồn cung khan hiếm, nên giá gà ta có khả năng tăng cao từ nay cho tới cuối năm. 

6.jpg
Giá gà ta tăng do thị trường tăng mạnh. (Ảnh: Internet)

 

Nông dân Lý Sơn đứng ngồi không yên vì hành chết rũ hàng loạt

Nhiều diện tích hành vụ xuân hè tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang bị chết rũ, khiến nông dân khó khăn chồng chất.

Hiện tượng cây hành chết héo rũ xảy ra trên nhiều cánh đồng ở các xã An Vĩnh, An Bình. Mấy năm trước, hành chết lác đác vài đám nhưng năm nay diện tích bị chết lan rộng.

Vụ hành xuân hè năm nay, nông dân huyện Lý Sơn trồng gần 200ha hành tím. Giống hành lấy chủ yếu từ Phan Rang, Phan Thiết, Ninh Hiển, tỉnh Ninh Thuận.

Ông Đặng Tấn Thành, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng Nông thôn, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngoài yếu tố thời tiết và dịch bệnh, năm nay, cây hành chết nhiều do nguồn giống chất lượng kém.

7.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 Xúc tiến tiêu thụ nhãn Hưng Yên, Sơn La

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với 2 tỉnh Hưng Yên và Sơn La tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn.

Cụ thể, tại Hà Nội, sẽ có Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nhãn và tuần lễ nhãn (3-10/8). Tại Hưng Yên sẽ nhiều hoạt động như Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hưng Yên; Hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và các sản phẩm nông sản Hưng Yên; Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên 2018... Tại Sơn La cũng có sự kiện Ngày hội nhãn Sông Mã; Hội nghị xúc tiến xuất khẩu và Hôi chợ Nông sản an toàn và xuất khẩu tỉnh Sơn La.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, niên vụ nhãn 2018 của các tỉnh miền Bắc sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9/2018. Do thời tiết thuận lợi cho cây nhãn, tỷ lệ đậu quả đạt 95%, dự báo sản lượng nhãn sẽ được mùa.

Hai tỉnh trồng nhãn lớn nhất miền Bắc là Sơn La với 7.826 ha cho thu hoạch trên tổng số 12.257 ha trồng nhãn; Hưng Yên với 4.200 ha cho thu hoạch trên tổng số 4.340 ha trồng nhãn.

8.jpg
Dự báo năm nay nhãn được mùa. (Ảnh: Internet)

Ngành điều lại "khổ" với thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc khó khăn hơn dù về chính thức thì nước này vừa giảm thuế nhập khẩu điều từ Việt Nam xuống còn 0%.

Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đang đối mặt nhiều khó khăn khi nước này thực hiện chính sách tăng chất lượng nông sản nhập khẩu và chính quy hóa các thủ tục nhập khẩu.

9.jpg
Chế biến điều phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)



"Thứ nhất, về thuế nhập khẩu, theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, phần lớn nông sản (trong đó có hạt điều) xuất khẩu sang Trung Quốc được hưởng thuế ưu đãi 0%. Nhưng thực tế là hạt điều Việt Nam không được hưởng lợi khi nước này tăng thuế GTGT đánh vào các nhà nhập khẩu lên 17% nên thực chất là thuế tăng chứ không giảm. Do đó, nhà nhập khẩu điều Trung Quốc buộc phải tính toán lại giá mua điều từ Việt Nam để cân đối lợi nhuận.

Thứ hai, trước đây Việt Nam xuất khẩu được nhiều điều phẩm cấp thấp sang Trung Quốc và xem đây là một lợi thế do bán được nhiều chủng loại nhưng vài tháng gần đây Trung Quốc từ chối nhập khẩu dòng hàng này. Như vậy, dòng sản phẩm phẩm cấp thấp mất thị trường quan trọng.

Thứ ba, Trung Quốc vừa đưa ra lộ trình về việc kiểm soát nguồn gốc tất cả nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Với ngành điều, nếu sử dụng nguyên liệu từ châu Phi (đang chiếm tỉ lệ cao) sẽ không còn hưởng ưu đãi bởi quy định 70% hàm lượng giá trị gia tăng phải được thực hiện tại Việt Nam. Đây là 3 đòn chí mạng mà ngành điều đang gặp phải tại thị trường Trung Quốc", ông Thanh nhận định.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top