Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 5 năm 2018 | 16:31

Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh lúa giống giả: Nông dân gánh đủ

Kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh lúa giống tại Đồng Tháp, Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện nhiều sai phạm. Nhiều hộ nông dân gánh đủ vì mua phải giống lúa kém chất lượng.

Kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh lúa giống tại Đồng Tháp, Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục An ninh kinh tế nông lâm ngư nghiệp (A86 – Bộ Công an), Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp cùng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện nhiều sai phạm.

Kiểm tra hoạt động của một số đơn vị cấp lúa giống tại huyện Cao Lãnh, Đoàn liên ngành đã phát hiện một số đơn vị có dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh giống và sản phẩm giống cây trồng.

Cụ thể, ngày 23/5, đoàn điểm tra trực tiếp 3 đơn vị (Đại lý vật tư nông nghiệp Văn Tấn, Đại lý vật tư nông nghiệp Thật Hiền ở ấp 1, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tại đây đoàn phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của hai cơ sở này như vi phạm về nhãn mác, đóng gói…,

Thực tế kiểm tra cho thấy trên vỏ bao lúa xuất hiện những chữ viết tay: hạn sử dụng, mã số lô mà thông thường các công ty giống phải in số. Trong khi cả một kho hàng khoảng 40 tấn lúa giống, trên vỏ bao đều xuất hiện những ký hiệu như vậy. Theo hai đơn vị này, họ đã mua và tự trồng lúa giống rồi sau đó đem sấy và đóng bao để bán cho bà con nông dân, hạt giống lúa không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ,…trong khi trên bao bì lại ghi giống xác nhận cấp 1.

b-lua.jpg
Đoàn liên ngành kiểm tra tại một đại lý kinh doanh lúa giống. (Ảnh: Internet)

 

Tiếp tục kiểm tra tại DNTN Tâm Thoa ở ấp 4 Mỹ Đông II, xã Mỹ Quý, huyện Cao Lãnh, đoàn đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, như: giả bao bì của một số đơn vị khác, hạt giống lúa không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ,… với số lượng đã đóng bao lên đến gần 30 tấn. Đoàn đã lập biên bản những dấu hiệu vi phạm và lấy mẫu về kiểm tra.

Với diện tích đất lúa hơn 1,6 triệu hecta, sản xuất 3 vụ/năm nên nhu cầu lúa giống ở ĐBSCL là rất lớn. Theo thống kê, lượng lúa giống do các doanh nghiệp, đơn vị làm ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, còn lại nông dân tự để giống, trao đổi, mua bán trôi nổi rất khó kiểm soát.

Đơn cử như tại Đồng Tháp, bình quân mỗi năm cần 70.000 tấn giống/3 vụ, riêng vụ Đông Xuân cần hơn 20.000 tấn giống để gieo sạ. Trong khi đó các DN trong tỉnh chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trên 50% nhu cầu giống xác nhận cho cánh đồng lớn được kiểm soát. Số lượng giống còn lại nông dân tự làm hoặc mua nguồn giống trôi nổi kém chất lượng nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào. Nhiều nông dân đã lãnh đủ khi mua phải lúa giống kém chất lượng.

Trước hiện tượng trên, Phòng NNPTNT huyện Cao Lãnh đã cử cán bộ xuống ghi nhận hiện trạng và yêu cầu công ty sản xuất lúa giống cũng như đại lý bồi thường. Tuy nhiên, với mức đền bù là 50.000 đồng/tấn lúa thu hoạch, bà con nông dân vẫn chưa thấy thỏa đáng.

Lúa hè thu sớm lãi 13 - 15 triệu đồng/ha

Hiện, thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng khoảng 5.700 đồng/kg lúa IR 50404; 5.900 – 6.000 đồng/kg lúa OM 4.900; 5.700 đồng/kg...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp đang bước vào giai đoạn đầu thu hoạch lúa hè thu sớm, năng suất bình quân đạt 5,85 tấn/ha cao hơn 2 - 3% so với vụ hè thu năm rồi.

Những diện tích thu hoạch nhiều tập trung chủ yếu ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Tân Hồng.... Hiện thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng khoảng 5.700 đồng/kg lúa IR 50404; 5.900 – 6.000 đồng/kg lúa OM 4.900; 5.700 đồng/kg lúa OM 5451; 6.300 đồng/kg lúa Nàng hoa 9... Bà con trừ hết các khoản chi phí còn lãi từ 13 - 15 triệu đồng/vụ.

Lâm nghiệp vươn lên đứng đầu xuất khẩu trong nông nghiệp

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, ước tính giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản tháng 5/2018 ước đạt 663 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu các sản phẩm lâm sản chính trong 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,43 tỷ USD - tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.


Trước đây thủy sản luôn là ngành đứng vị trí đầu tiên mang lại giá trị xuất khẩu cao trong mảng nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước trong 4 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 2,4 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng xác nhận, đến thời điểm này, giá trị xuất khẩu lâm sản đã chiếm tới 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Do giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, giá trị nhập siêu thấp nên giá trị xuất siêu mang về của mặt hàng lâm sản cũng đứng đầu các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

b-go.jpg
Chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

 
“Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018”, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ.

Để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm lâm nghiệp, hiện nay, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh chương trình trồng rừng và bảo vệ rừng, ngăn chặn các vụ vi phạm. Trong tháng 5/2018, cơ quan kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương đã phát hiện hơn 1.200 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, so với tháng 5/2017, số vụ đã giảm tới 31% do hiện nay Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 13-CT/TW quy định trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra mất rừng.

Vì vậy, các địa phương đang tổ chức cắm chốt bảo vệ rừng tại các điểm nóng về phá rừng, chế biến, mua bán vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Trong tháng 5, tình trạng phá rừng chủ yếu xảy ra tại tỉnh Điện Biên, tỉnh Lai Châu và Tây Nguyên

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), doanh nghiệp ngành gỗ đã chủ động “đi tắt đón đầu”, nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

“Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện những FTA phạm vi hẹp. Hiệp định CPTPP có phạm vi rộng hơn với rất nhiều điểm mới. Bởi vậy, ngoài hiểu được những nội dung cơ bản của Hiệp định CPTPP, các doanh nghiệp còn phải tìm hiểu cả những chính sách thương mại quốc tế đang thay đổi từng ngày từng giờ”, ông Quyền phân tích.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho biết, hiện nay, vấn đề quan ngại rất lớn đối với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng là trình độ ngoại ngữ. Tất cả các văn bản liên quan tới các FTA chủ yếu bằng tiếng Anh, ít dịch ra tiếng Việt. Cụ thể, hiện nay Hiệp định CPTPP vẫn đang ở dạng tiếng Anh.

Ông Quyền đề xuất: “Cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành với doanh nghiệp, trước mắt là nhanh chóng biên tập những tài liệu về Hiệp định CPTPP bằng tiếng Việt ngắn gọn, dưới dạng hỏi đáp dễ hiểu để hỗ trợ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của pháp luật Việt Nam về thực thi Hiệp định CPTPP”.

Hạt điều Bình Phước chính thức được bảo hộ

UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Bộ KH-CN vừa tổ chức Lễ đón nhận Văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, kết hợp Hội thảo giải pháp phát triển ngành hàng điều gắn với quản lý chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ điều” của Việt Nam. Sản phẩm đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hạt điều nguyên liệu Bình Phước chắc, mẩy, cuống hạt phình to, bề mặt vỏ cứng sáng, mịn, bóng, lắc hạt ít kêu hoặc không kêu. Đồng thời có vị ngọt, thơm, béo ngậy khác biệt nhờ vào hàm lượng chất béo và hàm lượng carbohydrat cao. Hạt điều Bình Phước nổi tiếng nhờ chất lượng cao, đặc trưng so với hạt điều vùng khác. Chất lượng này có được là nhờ địa lý, khí hậu đặc trưng của địa phương này.

b-h.jpg
 Các đơn vị tham quan triển lãm các sản phẩm chế biến từ hạt điều. 

 

Xác định hạt điều là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chính sách, định hướng nhằm phát triển cây điều, trong đó việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hạt điều, một trong những bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, mở rộng xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển ngành điều bền vững.

Hạt điều Bình Phước được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 673 ngày 13/3/2018. Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” là dấu hiệu để chỉ sản phẩm hạt điều có nguồn gốc xuất xứ từ một số khu vực địa lý trong tỉnh có chất lượng vượt trội, đặc thù riêng do điều kiện tự nhiên và bí quyết sản xuất của người dân quyết định. Theo đó, 91 xã, phường trực thuộc 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tương ứng với chỉ dẫn địa lý đã được chứng nhận. Sản phẩm điều nguyên liệu, điều nhân rắn và điều rang muối là những sản phẩm được nhà nước bảo hộ theo Quyết định nêu trên.

Giá lợn hơi tăng vọt sẽ tác động đến CPI tháng 5

Theo Bộ Công thương, những ngày qua, giá lợn hơn tiếp tục xu hướng tăng ở nhiều địa phương trong cả nước, nhiều vùng chạm và vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg. Tại miền Bắc giá tăng 1.000 - 2.000 đồng ở một vài nơi. Giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc và Tuyên Quang tăng nhiều nhất 2.000 đồng/kg lên 49.000 đồng/kg. Tại Lào Cai, Ninh Bình giá tăng 1.000 đồng lên 50.000 đồng/kg; Hải Dương, Thái Bình cũng tăng tương tự lên 49.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá tăng 4.000 đồng/kg. Bình Thuận là địa phương tăng 4.000 đồng/kg lên 47.000 đồng/kg. Tại Quảng Ngãi cũng tăng mạnh 2.000 đồng lên 46.000 đồng. Các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận đồng loạt tăng 1.000 đồng lên 45.000 - 47.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá lợn hơi hôm nay tại khu vực thu mua trong khoảng 44.000 - 50.000 đ/kg.

b-lon.jpg

Tại miền Nam giá tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Đồng Tháp tăng nhiều nhất, 2.000 đồng lên 46.000 đồng/kg; các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ tăng 1.000 đồng. Trong đó, giá lợn hơi tại Bà Rịa Vũng Tàu lên 49.000 đồng/kg; Tiền Giang, Bến Tre đồng loạt đạt 48.000 đồng; Cần Thơ lên 46.000 đồng. Thủ phủ nuôi lợn Đồng Nai cũng tiếp tục tăng nhẹ lên 48.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận từ thị trường, lượng lợn đổ về chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh trong ngày hôm qua đạt 5.400 con nhưng tình hình buôn bán của thương lái không thuận lợi.
Theo khảo sát trên thị trường, so với thời điểm năm 2017, hiện giá lợn hơi đã tăng hơn gấp đôi. So với cuối tháng 4/2018, giá thịt lợn tháng 5 tiếp tục tăng thêm gần 10%. Nguyên nhân giá do nguồn cung giảm rất mạnh vì trước đó người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng chăn nuôi. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tiểu ngạch cũng tác động ít nhiều khi Campuchia đang gia tăng tiêu thụ thịt lợn Việt Nam.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), diễn biến mới này có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình lạm phát trong tháng 5. Mặt hàng thịt lợn chiếm tỷ trọng khoảng 7% trong rổ hàng hóa CPI, vì thế nếu giá thịt lợn tăng khoảng 10% sẽ ảnh hưởng khá lớn tới chỉ số CPI chung trong tháng 5 (khoảng 0,7%).

Đây là thông tin vĩ mô có thể sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán theo chiều hướng tiêu cực trong ngắn hạn.

Tại phiên giao dịch ngày 23/5, Vn-Index trải qua phiên giao dịch đầy biến động khi áp lực bán vẫn duy trì trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch trước khi chỉ số Vn-Index cho tín hiệu hồi phục rõ nét hơn trong nửa cuối phiên chiều.

Hai mã cổ phiếu VIC và VHM là bộ đôi cổ phiếu tác động tiêu cực nhiều nhất tới chỉ số chung trong phiên này nhưng bù lại, một số cổ phiếu trụ cột khác như GAS, VNM, BVH… lại nhận được lực cầu khá tích cực, giúp khích lệ tâm lý nhà đầu tư mua vào.

Nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội

Chiều ngày 21/5, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Trồng trọt.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Trồng trọt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là hết sức cần thiết.

Mục đích xây dựng và ban hành Luật Trồng trọt nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hoá, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

b-4.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình Quốc hội dự thảo Luật Trồng trọt. (Ảnh: Quochoi.vn)

 

Theo trình bày của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự thảo Luật Trồng trọt có một số điểm mới đáng lưu ý:

Thứ nhất, Dự thảo Luật bổ sung các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt đảm bảo phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng.

Thứ hai, bổ sung và luật hoá công tác xây dựng chiến lược phát triển trong lĩnh vực trồng trọt gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thứ ba, bổ sung và luật hoá các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư. Hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới. Cụ thể, chính sách bảo vệ chất lượng đất trồng trọt. Phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, công nghệ thông tin trong trồng trọt. Nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu. Bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm. Xây dựng ngân hàng gen cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Thứ tư, điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý. Giảm bớt thời gian thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh. Từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc cấp phép sang hậu kiểm đối với các hoạt động có thể hậu kiểm thuận lợi.

Xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm, chứng nhận phù hợp với các Luật hiện hành, cụ thể, trường hợp một với các giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính: chủ sở hữu giống không cần thực hiện khảo nghiệm mà chỉ cần gửi bản công bố lưu hành giống cây trồng tới cơ quan quản lý cấp Sở, kèm theo tiêu chuẩn về giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống do chủ sở hữu xác định và phải tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn đã công bố, tuân thủ nghiêm các quy định về thông tin và quảng cáo giống cây trồng.

Trường hợp hai với giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính: Rút ngắn quy trình và thời gian khảo nghiệm. Theo đó, khảo nghiệm qua một giai đoạn, bỏ giai đoạn sản xuất thử nghiệm. Thu hẹp vùng khảo nghiệm công nhận giống từ 7 vùng theo vùng sinh thái xuống còn 3 vùng phân theo điều kiện nhiệt độ, thời tiết có ảnh hưởng trực tiếp đến giống cây trồng.

Bổ sung hình thức quản lý vật liệu nhân giống cây trồng (hạt giống, cành giống, cây giống, hom giống...) bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Bổ sung các quy định về trình tự thực hiện khảo nghiệm để có thể sử dụng kết quả khảo nghiệm cho cả hai mục đích công nhận và bảo hộ giống. Quy định một giống cây trồng đã được công nhận giống lưu hành thì được thừa nhận quyền sở hữu đối với giống cây trồng đó.

Bổ sung quy định quản lý chặt chẽ mấu giống chuẩn phục vụ đối chứng, kiểm định, kiểm nghiệm, hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm, luật hóa các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm).

Thứ sáu, luật hóa quy định về hoạt động canh tác nhằm từng bước điều chỉnh hoạt động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất theo hướng thay đổi quan hệ sản xuất, thiết lập mối liên kết sản xuất bền vững theo hình thức sản xuất có hợp đồng, tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất hàng hóa, có giám sát và cấp chứng nhận sản phẩm.

Thứ bảy, bổ sung các quy định bảo quản, sơ chế, chế biến, thương mại, quản lý chất lượng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong chuỗi sản xuất, sản phẩm trồng trọt.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Dự thảo Luật cần chuẩn hóa một số khái niệm như: “trồng trọt”, “canh tác”, “mẫu giống chuẩn”…

Bên cạnh đó, cần rà soát để bảo đảm tính khả thi như hành vi ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, xuất khẩu giống cây trồng trước khi được cấp phép; cấm trồng cây phục vụ cho các mục đích trục lợi như phục vụ đền bù, giải phóng mặt bằng./.

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top