Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 9 năm 2017 | 10:41

Cả nước có hơn 4.700 sản phẩm nông nghiệp lợi thế

Giải pháp nâng cao chất lượng, quảng bá và mở rộng thị trường được bàn thảo Hội thảo Giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.

Ngày 2/9, tại TP Hạ Long, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chương trình quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP).

Đây là lần đầu tiên, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức lồng ghép Hội chợ và Hội thảo OCOP quy mô toàn quốc, với sự tham dự của 59 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có nhiều lãnh đạo, cán bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã trong cả nước đến tham quan và học hỏi kinh nghiệm trực tiếp của tỉnh Quảng Ninh trong công tác tổ chức phát triển sản phẩm, đánh giá chất lượng và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP.

moi xa mot san pham nhung van it nguoi biet den hinh 1
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng các lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Vân Đồn.

Để xây dựng Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, Bộ NN&PTNT đã tiến hành khảo sát trên cả nước. Hiện cả nước có hơn 4.700 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 6 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm này vẫn chủ yếu là nội tỉnh, khâu thương mại vẫn còn yếu kém. Phần lớn sản phẩm tồn đọng là do quy trình sản xuất nhỏ lẻ, thủ công, tổ chức bộ máy quản trị, trình độ lao động còn yếu, thị trường tiêu thụ không ổn định, chưa hoàn thiện về mẫu mã, bao bì, tiêu chuẩn, chất lượng.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá thực trạng về sản phẩm nông nghiệp lợi thế và các sản phẩm đặc sản của từng địa phương, để từ đó có các bước chiến lược, định hướng cho Chương trình quốc gia OCOP của Việt Nam. Trong đó nội dung giải pháp xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP là khâu quan trọng; trao đổi một số khó khăn vướng mắc về cơ chế, phương pháp  trong triển khai chương trình tại các địa phương...

Đại biểu của nhiều tỉnh, thành phố cũng đánh giá Hội thảo lần này bàn về các giải pháp xúc tiến thương mại sản phẩm Chương trình quốc gia OCOP  là bước đầu để các địa phương nghiên cứu, học tập trong xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, khâu yếu nhất của OCOP chính là việc tổ chức và kiểm soát theo chuỗi. Trong đó, chế biến và xúc tiến thương mại cũng là 2 khâu yếu. Chính vì thế, nhân hội chợ OCOP, đại diện các tỉnh thảo luận các nhóm giải pháp xúc tiến thương mại.

“Một khi có sản phẩm tốt nhưng không biết xúc tiến thương mại sẽ không kết nối được giữa người bán và người mua. Nếu không mở rộng thị trường, thế giới không thể biết được hàng hóa, sản phẩm chất lượng của Việt Nam. Chính vì thế, cần phải tập trung các nhóm giải pháp xúc tiến thương mại, là 1 trong những nhóm giải pháp căn cốt trong lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 11.000 xã, phường với rất nhiều sản phẩm đặc trưng là lợi thế thúc đẩy OCOP, chưa kể hàng trăm nghìn làng nghề nổi tiếng. Nếu làm tốt khâu thương mại, OCOP chắc chắn sẽ là giải pháp ổn định thị trường và là đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp./.

Phạm Phong/VOV

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top