Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 9 năm 2021 | 8:34

Phát hiện nhiều hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại

Khởi tố người Trung Quốc vì buôn bán hàng giả; Long An, Cà Mau lực lượng chức năng bắt nhiều trang thiết bị y tế không nguồn gốc xuất xứ hay Cục Điều tra chống buôn lậu bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid-19.

Khởi tố người Trung Quốc về tội buôn bán hàng giả

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Chen JinMing (quốc tịch Trung Quốc) để làm rõ tội “buôn bán hàng giả”, quy định tại điểm c, khoản 3, điều 192 bộ luật Hình sự.

 

 Kho hàng giả của người quốc tịch Trung Quốc tại khu An Giải, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh Tổng cục QLTT.

 

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất kho hàng có địa chỉ tại khu An Giải, phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh do ông Chen JinMing quốc tịch Trung Quốc là chủ kho hàng.

Trong quá trình kiểm, lực lượng chức năng đã tạm giữ số hàng hóa hơn 4 triệu sản phẩm có nhãn hiệu Gillette, Croma, Bic, Thiên Long, Plog, trị giá kho hàng ước tính gần 10 tỷ đồng. Dựa trên mức độ hành vi vi phạm của Chen JinMing Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh để giải quyết theo thẩm quyền.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Chen JinMing về hành vi buôn bán hàng giả, áp dụng Điểm c, Khoản 3, Điều 192 Bộ luật Hình sự.

Cà Mau, Long An phát hiện số lượng lớn thiết bị y tế không rõ nguồn gốc 

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, ngày 14/9, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra 2 ô tô tải đang tập kết hàng hóa tại khu vực khóm 5, phường 6, thành phố Cà Mau.

 

 Số hàng hóa là vật tư, trang thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, (Ảnh HOÀNG GIANG).

 

Tại hiện trường, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện 163 kiện hàng hóa là vật tư, trang thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, có trên 90.000 sản phẩm là thuốc tây, thực phẩm chức năng, que test nhanh Covid-19; khẩu trang, găng tay y tế, kính chắn giọt bắn, dung dịch sát khuẩn. Toàn bộ số hàng hóa nói trên đã bị lực lượng chức năng lập biên bản, tạm giữ để xác minh làm rõ.

Tại Long An, Ngày 15/9, Đội QLTT số 4, (Cục QLTT tỉnh Long An) tiến hành kiểm tra Cửa hàng kinh doanh dịch vụ y tế trên địa bàn thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tại thời điểm kiểm tra Cửa hàng đang kinh doanh nhiều dụng cụ y khoa, vật tư y tế do Trung Quốc và Đài Loan sản xuất nhưng chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

 

 Số hàng hoá không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc bị cơ quan chức năng tỉnh Long An tạm giữ.

 

Đội QLTT số 4 đã tiến hành lập biên bản ghi nhận vụ việc, đồng thời tạm giữ nhiều thiết bị y tế gồm: 50 bộ trang phục phòng dịch hiệu Lakeland, xuất xứ Việt Nam, 02 máy đo nồng độ oxy máu hiệu Pulse, 02 đồng hồ bình oxy hiệu Regulator, 02 hộp que test đường hiệu Contour Plus, 90 hộp (loại 100 cây/hộp) kim châm cứu hiệu Aik, 40 hộp (loại 50 miếng/hộp) gạt tẩm cồn hiệu Sinocare, 100 hộp (loại 50 cây/hộp) kim lấy máu hiệu Sinodraw, 20 hộp (loại 50 cây/hộp), kim lấy máu hiệu Yuwell, 02 máy đo nồng độ oxy máu hiệu Alvital.

Bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid-19

Tại kho hàng ở thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra đồng loạt 15 kiện hàng có dấu hiệu vi phạm, thu giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid- 19.

Số hàng hóa vi phạm được nhập khẩu từ Ấn Độ về sân bay quốc tế Nội Bài và ngụy trang dưới hình thức quà biếu, quà tặng được gửi theo loại hình chuyển phát nhanh. Theo Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc, 15 kiện hàng vi phạm được gửi cho người nhận là nhiều cá nhân khác nhau ở Hà Nội và Cao Bằng nhưng lại có cùng số điện thoại.

 

 Đây là vụ nhập lậu thuốc điều trị Covid-19 số lượng lớn được lực lượng Hải quan bắt giữ thời gian gần đây.

 

Trên vận đơn, hàng hóa được thể hiện là thực phẩm nhưng thực tế kiểm tra lực lượng Hải quan thu giữ hơn 60.000 viên thuốc được dùng trong điều trị Covid-19 như: Favipiravir Tablets 200 mg; Favipiravir Tablets Fabiflu 400 mg; Baricitinib; Molnupiravir Capsules…

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu tăng cường các biện pháp nghiệp vụ và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ nhập lậu tân dược và thiết bị y tế. Qua các vụ việc vừa phát hiện cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng loại hình quà biếu, quà tặng qua đường bưu chính quốc tế, chia nhỏ lô hàng, khai báo hàng hóa trị giá thấp, khai sai tên hàng để trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, thời gian tới, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát và phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài Ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm về nhập khẩu tân dược và thiết bị y tế.

Tạm giữ hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu

Theo ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục QLTT Thừa Thiên Huế, mới đây bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 2 đã phát hiện, tạm giữ hơn 2.024 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu tập kết trên lề đường trước số nhà 02 đường Nguyễn Đức Tịnh, phường Xuân Phú, thành phố Huế.

Toàn bộ số hàng hoá nói trên do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, không có số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẫm, có dấu hiệu nhập lậu do vậy đã bị lực lược tạm giữ để thẩm tra, xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 Hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu đã bị lực lượng QLTT Thừa Thiên Huế tạm giữ.

 

Trước đó, Đội QLTT số 3 cũng đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thị xã Hương Thủy kiểm tra, phát hiện và tạm giữ hàng hóa là áo quần không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Lacoste, Gucci, Chanel… với số lượng là 1.290 bộ, có trị giá ban đầu ước tính trên 200 triệu đồng.

Theo ông Sơn, thời gian qua, lực lượng QLTT Thừa Thiên Huế đã tăng cường công tác giám sát địa bàn, tuyến trọng điểm về hàng hóa, xây dựng mạng lưới cơ sở nhằm thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn quản lý.

Điện Biên thu giữ số lượng ma túy

Mới đây, tại khu vực km177, quốc lộ 12 thuộc địa phận bản Cò Chạy, xã Mường Pồn, (Điện Biên, Điện Biên), tổ công tác Công an tỉnh Điện Biên và Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát hiện 2 đối tượng di chuyển bằng xe máy có biểu hiện nghi vấn nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Lúc này, đối tượng cầm lái tăng ga bỏ chạy, đối tượng ngồi sau ôm bao tải nhảy xuống vực bên đường nhằm thoát thân, nhưng đã bị các trinh sát bủa vây khống chế.

 

 Hai đối tượng cùng tang vật.

 

Kiểm tra bên trong bao tải có 10 bánh lớn hình vuông bên trong chứa các gói nhỏ có các viên nén màu hồng là ma túy tổng hợp, số lượng 60.000 viên.

Đấu tranh khai thác, hai đối tượng khai nhận là Giàng Seo Pà và Vừ A Sinh, trú tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Theo lời khai, Giàng Seo Pà quen biết một đối tượng người Lào, có ma túy bán và Pà biết Vừ A Sinh vừa bán 20 con bò nên rủ Sinh góp 270 triệu đồng để lên khu vực biên giới thuộc địa phận huyện Điện Biên mua ma túy về đưa sang tỉnh Lai Châu bán kiếm lời. Khi nhận ma túy xong, Pà và Sinh vận chuyển đến địa điểm trên thì bị bắt giữ.

Hiện, Công an tỉnh Điện Biên đang củng cố hồ sơ, điều tra, khởi vụ án xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top