Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 7 năm 2022 | 7:15

Phát triển các sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với chiến lược tăng trưởng xanh

Phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tạo chỗ đứng trên thị trường và gắn với chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thay đổi tập quán sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

 

lang-nghe-4.jpg
Đặc sắc nghề mây tre đan ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động.

 

Hà Nội: Giải pháp để chấn hưng phát triển “đất trăm nghề”

Là “đất trăm nghề”, những làng nghề của Hà Nội là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và tạo thu nhập cho hàng vạn người dân nông thôn. Tuy vậy, những năm gần đây, số làng nghề trên địa bàn thành phố giảm nhanh; nhiều nghề truyền thống đã mai một, nhiều làng nghề đang hoạt động cũng đối mặt với khó khăn...

Để tháo gỡ bất cập cho làng nghề phát triển, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều người thuộc các làng nghề, cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia cùng bàn giải pháp chấn hưng làng nghề.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố hiện có 806 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận, thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.

Mặc dù đạt một số kết quả đáng khích lệ song công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố còn rất nhiều khó khăn. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến, trước đây, thành phố Hà Nội có 1350 làng nghề và làng có nghề, tuy nhiên, qua điều tra, rà soát năm 2020 cho thấy đã mai một 544 làng nghề, làng có nghề; hiện còn 806 làng nghề, làng có nghề đang hoạt động.

Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), nghề mây tre đan ở địa phương đã có từ hàng trăm năm nay, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân. Những năm qua, mây tre đan Phú Vinh được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Tuy vậy, thời gian gần đây, làng nghề cũng gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất. “Trước đây, các loại mây, song phục vụ sản xuất có thể mua dễ dàng từ các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng hiện nay nguồn cung từ các vùng này bị thiếu hụt nghiêm trọng, chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Indonesia… nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, không chủ động được nguồn nguyên liệu”, ông Trung nói.

Trong khi đó, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) băn khoăn trước tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh, kinh tế - xã hội phát triển mạnh nên nhiều người bỏ nghề dệt lụa chuyển sang các nghề khác có lợi nhuận cao hơn. Nếu như năm 2001, cả làng có 500 máy dệt thì hiện chỉ còn 300 máy hoạt động mà những người giữ nghề chủ yếu đã lớn tuổi, nếu thế hệ này mai một, nghề sẽ khó bảo tồn...

Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù, trung ương và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề song làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế. Qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, đặc biệt là giao thông xuống cấp hoặc chưa đồng bộ. Các làng nghề gắn với phát triển du lịch chưa có đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng như: Bãi đỗ xe, khu vệ sinh, nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông, chiếu sáng, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên... Các cơ sở sản xuất chủ yếu là quy mô hộ, ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề...

Trước rất nhiều khó khăn, để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, ông Đào Ngọc Hùng, chủ cơ sở may comple ở xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) mong muốn được thành phố hỗ trợ xây dựng, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ các chủ cơ sở sản xuất làng nghề tham gia bán hàng bằng hình thức thương mại điện tử… Ông Bùi Văn Hiếu, đại diện làng nghề mây tre đan thôn Trê, xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức) kiến nghị được hỗ trợ điểm sản xuất tập trung để chuyển sản xuất ra xa khu dân cư, vừa an toàn phòng cháy, chữa cháy, vừa giảm ô nhiễm môi trường và thuận tiện cho sản xuất… Đó là những mong muốn của rất nhiều người ở các làng nghề của Hà Nội.

 

lang-nghe-3.jpg
Làng nghề Vạn Phúc gặp nhiều khó khăn trong bảo tồn nghề truyền thống, nhiều người đã bỏ nghề, những người giữ nghề chủ yếu đã lớn tuổi.

 

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho làng nghề, theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, trên địa bàn thành phố có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ nên Sở NN&PTNT, Công Thương, Du lịch cần đồng hành để Hà Nội trở thành “công xưởng khổng lồ” của cả nước về sản xuất sản phẩm quà tặng du lịch... Hơn nữa, với lợi thế của Thủ đô, các làng nghề của Hà Nội khai thác lợi thế để phát triển du lịch, vừa nâng giá trị cho sản phẩm, vừa tạo thêm nhiều việc làm.

Gợi mở cho làng nghề Hà Nội, ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, sản phẩm làng nghề là tiền đề phát triển sản phẩm OCOP. Trên cơ sở lợi thế, Hà Nội cần rà soát cơ chế chính sách để phát triển làng nghề, mỗi làng nghề, nhóm làng nghề cần kế hoạch phát triển riêng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), đặc thù là Thủ đô nên Hà Nội rất khó có nguồn nguyên liệu tại chỗ cho các làng nghề, do vậy, thành phố cần liên kết với các tỉnh để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, những năm qua, thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai các quy hoạch phát triển nghề và làng nghề thành phố; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; xây dựng các chương trình, đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch, triển khai chương trình OCOP…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn cho làng nghề phù hợp cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; có cơ chế, chính sách về đất đai xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài...

Vĩnh Phúc: Xây dựng vùng nguyên liệu phát triển sản phẩm OCOP

Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường đối với sản phẩm OCOP, các địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã và đang chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu lớn, ổn định để mở rộng quy mô sản xuất, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

 

1_5.jpg
Vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP trà đinh lăng-cà gai leo của hộ kinh doanh Trương Anh Tuấn (Tam Đảo) còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất.

 

Có 2 sản phẩm được tỉnh công nhận đạt tiêu chí OCOP là trà hoa vàng Tam Đảo, trà túi lọc trà hoa vàng Tam Đảo của Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, triển lãm… Nhờ đó, giá trị sản phẩm từng bước được nâng lên; doanh thu tăng 2-3 lần so với trước đây.

Nhằm kiểm soát vùng nguyên liệu an toàn, mở rộng thị trường xuất khẩu, cuối năm 2021, công ty đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đảo, xây dựng vùng trồng cây trà hoa vàng 1ha theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đối với sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch, sau 3 năm được công nhận OCOP 3 sao, huyện tiếp tục mở rộng diện tích, trồng mới 200 ha trong giai đoạn 2018- 2021; xây dựng vùng sản xuất thanh long ruột đỏ chuyên canh tại 5 xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa, Quang Sơn và Hợp Lý phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Việc hình thành các vùng nguyên liệu tập trung đã phần nào giúp giá cả, chất lượng cũng như nguồn cung thanh long ruột đỏ Lập Thạch ổn định hơn, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, nhiều địa phương, DN, HTX đã chú trọng phát triển các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với OCOP, góp phần mở ra cơ hội liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nhờ đó, nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, rau su su Tam Đảo, rau an toàn Vân Hội - Tam Dương… được hình thành, từng bước kiểm soát nguồn nguyên liệu tại chỗ, tạo điều kiện cần thiết để xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, hiện nay, số lượng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn cho sản phẩm OCOP còn khá khiêm tốn, dẫn tới chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, năng lực cạnh tranh chưa cao, thị trường tiêu thụ không ổn định.

Sau khi có chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm trà đinh lăng-cà gai leo của hộ kinh doanh Trương Anh Tuấn (Tam Đảo) đã và đang tiếp cận được nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…

Dù kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt với doanh số gần 1.000 hộp/tháng, nhưng anh Tuấn vẫn chưa dám tính đến những bước đi xa hơn bởi vùng sản xuất cây đinh lăng, cà gai leo của gia đình chỉ vỏn vẹn 2 mẫu, phân bố rải rác ở nhiều xứ đồng.

Anh Tuấn đề xuất: “Rất mong các cấp chính quyền tạo điều kiện cho gia đình mở rộng quy mô sản xuất và vùng nguyên liệu, để chủ động nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.

Đến nay, toàn tỉnh có 61 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận chất lượng OCOP. Trong đó, phải kể đến các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương như thanh long ruột đỏ Lập Thạch, cá thính Dũng Hoa (Lập Thạch), tinh bột nghệ Tam Đảo, trà hoa vàng Tam Đảo, mật ong Tam Đảo, đông trùng hạ thảo Tam Đảo…

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung phát triển các sản phẩm cộng đồng, sản phẩm chủ lực có lợi thế ở mỗi địa phương; phấn đấu phát triển mới từ 70-80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.

Một trong những tiêu chí hàng đầu của các sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Bởi vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP, thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện tốt quy hoạch nông - lâm nghiệp, thủy sản để tạo ra các vùng sản xuất tập trung đối với từng nhóm sản phẩm, làm cơ sở để phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP; quy hoạch, bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất với các cây, con đặc sản để tạo ra các sản phẩm OCOP đặc trưng của các vùng miền.

Thanh Hóa: Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế xanh

Chiến lược tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, đóng góp vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo 4 mục tiêu chính là: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

 

177d4194010t26999l0.jpg
Người dân thị trấn Vân Du (Thạch Thành) chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang đặt mục tiêu về tăng trưởng xanh. Trong xu thế đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hành động để tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững. Theo dự báo, tổng mức phát thải khí nhà kính của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 ước đạt 30.364,4 nghìn tấn CO2-eq. Nhằm giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng lối sống xanh và đẩy mạnh sản xuất sạch hơn, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 17417/UBND-NN gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thực hiện quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, để thực hiện hóa mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên, giảm phát thải phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương. Tỉnh ta đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện một số giải pháp, như: Đẩy mạnh chuyển đổi mô hình trồng lúa sử dụng phân bón từ vô cơ sang hữu cơ; phát triển vùng luồng thâm canh, rừng gỗ lớn, tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản và tạo bể hấp thụ khí CO2; hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực bằng việc xây dựng cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích phát triển vùng trồng thâm canh; sử dụng các thiết bị điện, phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng; thu hút các dự án cải tạo, nâng cấp đê, hồ chứa nước ngọt khu vực ven biển...

Từ những giải pháp phù hợp, đúng hướng về chiến lược tăng trưởng xanh, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Điển hình như, tính đến năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 53,6%; 73% chất thải nguy hại, 82,5% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; tỷ lệ dân số đô thị được dùng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%. Ngoài ra, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi linh hoạt được hơn 45.000 ha đất trồng lúa, mía và sắn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, chuyển đổi trên đất trồng lúa khoảng 30.000 ha, đất trồng mía 10.000 ha, đất trồng sắn 5.000 ha. Trong quá trình chuyển đổi, xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, một số diện tích được chuyển sang trồng các cây rau màu có giá trị hoặc sản xuất công nghệ cao đạt hiệu quả kinh tế cao gấp 8 đến 10 lần...

Về thu hút dự án đầu tư, hiện tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thanh Hóa I (Khu Kinh tế Nghi Sơn) công suất 160 MW; Dự án Nhà máy Ép tre công nghiệp Tam Thanh (Quan Sơn) công suất 100.000m3 sản phẩm/năm; Dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam (do Công ty CP Mía đường Lam Sơn thực hiện) có diện tích 160 ha, cùng một số dự án chế biến gỗ công nghiệp khác...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh ở tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế, như: Tăng trưởng xanh mặc dù được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa thực sự được đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Việc biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, suy giảm chất lượng hệ sinh thái, tác động tiêu cực đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Mô hình tăng trưởng chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nước, lao động để tăng quy mô sản xuất; việc phát triển theo chiều sâu, dựa vào công nghệ hiện đại còn hạn chế...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai một số giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong nền kinh tế xanh, các chuỗi của tăng trưởng xanh, trước hết là lối sống xanh, tiêu dùng xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao, hòa hợp với thiên nhiên. Tiếp tục nâng cao nhận thức về lợi ích của tăng trưởng xanh, vai trò thực hiện, tầm quan trọng của nhiệm vụ để tiếp tục hình thành các kế hoạch hành động, dự án cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo động lực cho tăng trưởng xanh.

Phấn đấu đến năm 2030, giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường là 23% (mức giảm địa phương tự nguyện là 13%; 10% còn lại là mức giảm khi có hỗ trợ từ quốc gia và quốc tế). Về xanh hóa sản xuất, lối sống, giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh đến năm 2025 chiếm 45% GDP và đạt trên 60% vào năm 2030. Tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh đạt hơn 60% vào năm 2025. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tại đô thị đạt 91%, 85% chất thải rắn thông thường và 80% chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, 50% đô thị loại IV trở lên đạt tiêu chí đô thị xanh.../.

 

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top