KTNT - Những năm qua, diện tích chanh dây trên địa bàn xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) phát triển khá mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển cây chanh dây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, nguy cơ mất giá, nhiều vườn có chất lượng quả không đảm bảo phải bán với giá rẻ.
Chị Lưu Thị Mùi bên vườn chanh dây của gia đình.
Nhận thấy trồng chanh dây mang lại lợi nhuận cao hơn so với các cây trồng khác, chi phí đầu tư thấp và thu lợi nhanh, đầu năm 2017, chị Trần Thị Huế ở thôn 1 đã đầu tư mua giống, kẽm và tận dụng cây hồ tiêu làm trụ trồng 18 cây chanh dây. Sau khoảng 3 tháng, chanh dây bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân 3 ngày chị Huế thu 1 lần, dù trồng với số lượng không nhiều nhưng mỗi đợt cũng thu được 10 -15kg chanh dây, với giá bán 10.000-11.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 22.000-28.000 đồng/kg, gia đình chị có nguồn thu nhập khá, có ngày đạt gần 300.000 đồng.
Tuy nhiên, khác với lợi nhuận những tháng đầu thu hoạch, hiện chị Huế chỉ bán được với giá 2.000 đồng/kg do chất lượng quả không đạt yêu cầu. Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại nhiều vườn chanh dây trên địa bàn xã Cư Dliê M’nông.
Nói về nguyên nhân chanh dây của gia đình được bán với giá thấp hơn so với trên thị trường, chị Huế cho biết: “Chanh dây là cây siêu lợi nhuận nhưng chỉ thu được một mùa thôi, ai giỏi chăm thì được thêm lứa thứ 2. Tháng 8, tháng 9 mưa nhiều, vườn chanh dây của gia đình bị mắc bệnh bã trầu, phấn trắng, không trị được. Chanh dây mắc bệnh, năng suất không giảm nhưng do quả sần sùi, không bóng nên chỉ bán được 2.000 đồng/kg”.
Cũng như chị Huế, đầu năm 2017, chị Lưu Thị Mùi ở thôn 2 đầu tư trồng 20 cây chanh dây vào vườn hồ tiêu của gia đình. Việc chuyển hướng này cũng chưa đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình do cây chanh dây thường xuyên bị mắc bệnh, hoặc chết, chất lượng quả không đảm bảo.
Qua tìm hiểu, cây chanh dây chỉ mới được nông dân xã Cư Dliê M’nông trồng khoảng 3 năm nay . Từ vài hộ trồng ban đầu, đến nay, toàn xã có hàng chục gia đình phát triển loại cây này, với diện tích khoảng 15ha, đặc biệt có hộ lên đến 1,5ha, phần lớn cây chanh dây được trồng trong diện tích hồ tiêu nhằm giảm chi phí đầu tư. Chanh dây là loại cây trồng đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc khá kỹ lưỡng. Hiện, nhiều diện tích chanh dây trên địa bàn xã bị nhiễm các loại bệnh như: bã trầu, phấn trắng dẫn đến cây bị chết, hoặc chất lượng quả xấu không được thị trường ưa chuộng…
Ông Võ Tá Cúc, Chủ tịch Hội nông dân xã Cư Dliê M’nông, cho biết: “Cây chanh dây cho hiệu quả kinh tế khả quan nhưng lại tiềm ẩn nhiều bệnh, nhất là bệnh bã trầu và bệnh phấn trắng. Hầu như chỉ thu được lứa thứ nhất, thứ hai, đến lứa thứ 3 là bệnh xuất hiện. Bệnh bã trầu dễ chữa, còn phấn trắng thì rất khó, mắc bệnh này quả sẽ bị đốm, teo, giá bán rất rẻ nên bà con không mặn mà thu, nhiều diện tích bỏ luôn. Hiện, có khoảng 30 - 40 % diện tích cây chanh dây trên địa bàn xã mắc bệnh này”.
Mặc dù cây chanh dây đang được cho là mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng việc trồng chanh dây như hiện nay ở xã Cư Dliê M’nông đã cho thấy sự phát triển thiếu bền vững. Thiết nghĩ, người dân cần phải thận trọng khi phát triển cây chanh dây, không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt để tránh gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình. Trước khi trồng cần tìm hiểu cặn kẽ về giống và phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trung Dũng
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.