Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 15:12

Phát triển “nóng” cây ăn quả có múi: "Quả đắng" và giải pháp?

Do hiệu quả kinh tế cao nên những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây có múi ở nhiều tỉnh, thành tăng nhanh.

Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt đã và đang phá vỡ quy hoạch, dẫn đến nguy cơ có thể phải “giải cứu”.

Bài toán đặt ra là làm sao kiểm soát quy hoạch cây có múi  theo tỉnh, theo vùng, nâng cao được chất lượng, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để nâng cao giá trị theo hướng bền vững.

 

t9.jpg
Những năm gần đây, cây bưởi nói riêng, cây có múi nói chung ở Tuyên Quang mang lại giá trị kinh tế cao.
 

Tình hình phát triển cây có múi

Theo thống kê, đến hết năm 2019, cả nước có 256,9 nghìn hecta cây ăn quả có múi , trong đó, riêng ở các tỉnh phía Bắc diện tích lên tới 121,97 nghìn hecta. Cây có múi cho thu nhập tới 200 - 300 triệu đồng/ha, cá biệt có thể lên tới 700 triệu - 1 tỷ đồng/ha, nhiều tỉnh đã hình thành vùng cây ăn quả có múi lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.

Riêng tại phía Bắc, trong 10 năm, từ 2009 đến 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm về diện tích (tương ứng 7,3 nghìn hecta/năm), 12,5%/năm về sản lượng (69,4 nghìn tấn/năm). Nhiều tỉnh đã hình thành một số vùng cây có múi sản xuất hàng hóa, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm như: vùng cam Cao Phong (Hòa Bình); vùng cam, bưởi Lục Ngạn (Bắc Giang); vùng cam Văn Giang (Hưng Yên); vùng cam sành Hà Giang hay bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ)…

Doanh thu 1ha cây có múi lên đến 500 triệu đồng/năm, lợi nhuận từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Cây có múi thực sự là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, năm 2013, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh khoảng 1.800ha, đến nay đạt 10.800ha, sản lượng trên 80.000 tấn. Giá trị cây ăn quả có múi lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.

Sản xuất cây có múi tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn - Bắc Giang) cho thu nhập cao hơn trồng lúa hàng chục lần, khoảng 500 - 800 triệu đồng/ha/năm, những hộ canh tác tốt cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Hữu, ở xã Thanh Hải (Lục Ngạn - Bắc Giang) cho biết, gia đình có gần 8ha cam, bưởi; năm 2019, sản lượng đạt hơn 100 tấn, thu về gần 3 tỷ đồng. Hiện, cam đang được bán với giá hơn 45.000 đồng/kg.

Theo ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cam, bưởi được coi là cây làm giàu. Nhiều nông dân trong huyện trở thành tỷ phú, doanh thu đạt 3 - 4 tỷ đồng/năm. Mỗi năm, cây cam, bưởi mang về tổng giá trị 1,7 - 2,2 nghìn tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Như Hậu, thôn Khuôn Thống, Đức Ninh (Yên Sơn - Tuyên Quang) cho biết, gia đình hiện có 5ha bưởi, trong đó hơn 2ha đang cho thu hoạch. Trên 50% diện tích bưởi được trồng theo quy trình VietGAP và hữu cơ chuyển đổi. Doanh thu từ bưởi sớm được hơn 300 triệu đồng, dự kiến thời gian tới bán bưởi Diễn thu thêm khoảng 250 triệu đồng. 

Năm 2019, tỉnh Tuyên Quang có 18.966,7ha cây ăn quả, trong đó nhóm cây ăn quả có múi là 14.425,4ha. Diện tích cam toàn tỉnh đạt 8.690,6ha, riêng huyện Hàm Yên lên đến hơn 7.000 ha, giá trị mang lại trên 700 tỷ đồng. Diện tích bưởi đạt 4.867 ha, giá trị đạt trên 491 tỷ đồng.

 

t10.jpg
Cùng với cây bưởi, cây chanh đang được người dân Tuyên Quang  mở rộng do lợi nhuận mang lại cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, rau màu.

 

Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết, cây có múi đã và đang là nhóm cây chủ lực trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, thâm canh cao như: vùng sản xuất cam tại Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc…. Giá trị thu nhập bình quân không ngừng tăng, năm 2010 đạt 100 - 120 triệu đồng/ha, năm 2019 đạt 300 - 350 triệu đồng/ha, dự kiến năm 2020 đạt trên 350 triệu đồng/ha/năm.

Phát triển “nóng”, phá vỡ quy hoạch

Diện tích cam từ năm 2013 đến nay tăng từ 53,8 nghìn hecta lên 98 nghìn hecta, sản lượng đạt 1.017,1 nghìn tấn. Năm 2019, diện tích bưởi đạt 97,8 nghìn hecta (tăng 67,5 nghìn hecta so với năm 2015 và 51,3 nghìn hecta so với năm 2010), sản lượng bưởi năm 2019 đạt 818,9 nghìn tấn.

Diện tích tăng nhanh tại nhiều địa phương đã vượt, phá vỡ quy hoạch. Tại tỉnh Tuyên Quang, theo Đề án phát triển cây cam sành đến năm 2020 là 5.255ha nhưng hiện nay đã lên tới hơn 7.000ha. Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đến năm 2020 là khoảng 5.000ha, nhưng nay đã lên tới gần 7.000ha. Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở nhiều địa phương khác ở phía Bắc.

Ông Trịnh Văn Thịnh, thôn Soi Đát, xã Xuân Vân (Yên Sơn - Tuyên Quang) lo ngại, diện tích cây có múi trồng quá nhiều sẽ khó tiêu thụ sản phẩm, giá bán cũng không được như hiện nay. Do vậy, chính quyền cần kiểm soát tốt hơn diện tích trồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, cho biết, diện tích cây có múi của tỉnh hiện gần 12.000ha, trong khi quy hoạch chỉ khoảng 7.000ha. Hiện, Hòa Bình đã phá vỡ quy hoạch cây có múi. Có huyện không quy hoạch trồng cây có múi giờ đã trồng cây có múi.

Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Phú Thọ cho thấy, trên địa bàn tỉnh diện tích cây ăn quả có múi, nhất là các giống bưởi liên tục tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 2013, diện tích bưởi chỉ hơn 1.470ha, sản lượng hơn 9.800 tấn quả thì đến nay, tổng diện tích đạt hơn 4.900ha, trong đó có 3.000ha bưởi cho thu hoạch, sản lượng bưởi quả đạt trên 34.000 tấn.

“Quả đắng” được cảnh báo

Việc phát triển cây có múi không được kiểm soát, không theo quy hoạch dẫn tới tiêu thụ gặp khó. Đầu tháng 5/2020, hơn 40 tấn chanh tứ mùa của người dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) đã phải kêu gọi “giải cứu”. Chanh không phải là cây trồng chủ lực, cũng không được xã khuyến khích mở rộng diện tích.

Hiện Kim Bình có hơn 5ha chanh tứ mùa được bà con tận dụng đất vườn, đất bãi để trồng, tăng thu nhập. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ chậm lại. Được biết, 40 tấn chanh này của 3ha, nếu hơn 5ha cho thu hoạch cùng một thời điểm thì việc “giải cứu” sẽ khó khăn hơn.

 

t11.jpg
Giống thoái hóa, nhiều hạt gây khó khăn cho chế biến sâu, là một trong những hạn chế lớn của cây có múi.

Ông Đào Ngọc Vang, Chủ tịch UBND xã Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang), cho biết, ngoài cây chanh tứ mùa không nằm trong quy hoạch cây trồng chủ lực của xã, thì Kim Bình hiện còn gần 30ha cây ăn quả, bao gồm nhãn, bưởi, vải.

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, cho biết, diện tích tăng dẫn đến sản lượng cũng tăng vượt trội so với nhu cầu thị trường. Qua rà soát thực tế, đã có nhiều thời điểm giá sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với các tỉnh lân cận.

Theo ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, do nhu cầu thị trường, một số loại cây, con đang phát triển nhanh, phá vỡ quy hoạch chung, đặc biệt nằm ở nhóm cây ăn quả. Xử lý việc phá vỡ quy hoạch hiện tương đối khó khăn, do chưa có chế tài xử lý triệt để.

Tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ dân bỏ lúa đổ xô trồng cam sành, cam xoàn bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng. Nhiều người thuê đất 5-7 triệu đồng/công/năm (1 công = 1.000m2) để trồng cam. Đầu năm nay, giá cam có lúc lên đến 45.000 - 50.000 đồng/kg thì nay đã giảm hơn 70%.

Anh Nguyễn Văn Tâm (ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) chua xót, hiện giá cam sành thu mua tại vườn chỉ còn 8.000 - 11.000 đồng/kg, cam xoàn khoảng 22.000 đồng/kg. Còn theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng Nông nghiệp và PPTNT huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), cam, quýt mất giá là do mở rộng diện tích quá nhanh, cung vượt cầu.

Cây có múi cho thu nhập cao, đây là lý do chính khiến người nông dân bỏ các loại cây gắn bó lâu năm để mở rộng diện tích. Đặc biệt, khi Thông tư 19 của Bộ Nông nghiệp và PTNT có hiệu lực, nới lỏng hơn về quy định trồng cây lâu năm trên đất lúa chuyển đổi thì diện tích cây ăn quả có múi ngày càng tăng.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, sản xuất cây bưởi nói riêng, cây có múi nói chung tại Tuyên Quang còn gặp khó khăn, trình độ thâm canh của người dân còn hạn chế, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn ít dẫn tới năng suất không ổn định. Cây bưởi phát triển ồ ạt, trong khi chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Giá thành sản xuất còn khá cao, làm giảm sức cạnh tranh, nguyên nhân là năng suất còn thấp, chưa ổn định; chuỗi giá trị còn quá nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái, chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận, đặc biệt là lợi nhuận cho người nông dân trực tiếp sản xuất.

Theo ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, sản xuất cây có múi của tỉnh còn nhiều bất cập như: tình trạng buôn bán giống không rõ nguồn gốc; phát triển nóng diện tích ngoài quy hoạch; kỹ thuật áp dụng chưa đồng bộ; việc bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức; khó khăn trong hoạt động bảo quản, sơ chế, chế biến… Những bất cập này cần Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành, cơ quan liên quan quan tâm tháo gỡ.

Có thể thấy, cùng với sự tăng diện tích, sản lượng, sản xuất cây có múi ở nước ta đang đứng trước nhiều hạn chế, thách thức như: sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán;  tiến bộ kỹ thuật chưa được phổ biến rộng rãi; giống thoái hóa, quả có nhiều hạt, làm giảm sức cạnh tranh, khó khăn cho công nghiệp chế biến.

Chưa có biện pháp hữu hiệu chống tái nhiễm bệnh greening trên đồng ruộng; tác động của biến đổi khí hậu, nhiều đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện, gây hại tại khắp các vùng trồng cây có múi, nhất là tại các vùng phát triển tự phát, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm. Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hóa học làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng chất lượng, ATTP… Đây là những khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Chú trọng chế biến và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi

Việc phát triển cây có múi phá vỡ quy hoạch kéo theo khó khăn trong nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Để hạn chế hệ lụy về sau, hiện nay các địa phương, bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển cây có múi theo hướng bền vững.

Theo ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ngoài khuyến khích, hướng dẫn các chủ vườn sản xuất theo quy trình hữu cơ, Phòng sẽ tham mưu cho huyện quản lý tốt quy hoạch, quỹ đất trồng cây có múi. Rà soát lại các diện tích trồng tại các vùng trũng, thấp, không tiêu thoát nước tốt, đất bị thoái hóa. Đưa ra giải pháp cơ cấu lại để trồng các loại cây khác cho phù hợp.

 

t12.jpg
Hiện, diện tích cây có múi ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh phía Bắc đang phá vỡ quy hoạch, nếu không có sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, bộ ngành, không lâu nữa sẽ hiện hữu một cuộc giải cứu cây có múi trên quy mô lớn.

"Dự báo tình hình sâu bệnh gây hại, khuyến cáo bà con các biện pháp phòng, trừ kịp thời. Khuyến cáo người dân giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tới mức thấp nhất. Tham mưu với huyện hỗ trợ tem, nhãn mác, bao bì có truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị", ông Huy nói.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, thời gian tới, Trung tâm thường xuyên hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh, cải tạo diện tích cây có múi đã già cỗi, thay thế bằng các giống tốt để nâng cao chất lượng, hướng dẫn bà con cách thu hoạch đảm bảo không bị giập nát, hư hại trong quá trình vận chuyển.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @Nông nghiệp với Chủ đề: “Giải pháp phát triển bền vững cây có múi tại các tỉnh phía Bắc”, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị, các cơ quan quản lý thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; quản lý tốt chất lượng giống cây trồng; tổ chức lại sản xuất cho bà con nông dân theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã theo chuỗi.

Cùng với việc mở rộng áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp đầu tư chế biến với công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, thực hiện dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phó Giám đốc Kim Văn Tiêu lưu ý 5 bài học nông dân cần nhớ trong phát triển cây có múi. Đó là, trước khi trồng cây phải tham quan, học hỏi trước các mô hình hiệu quả rồi mới áp dụng; chuẩn bị đầy đủ đất đai, kinh phí và kỹ thuật; thực hiện từ mô hình nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; ghi chép sổ nhật ký đầy đủ để rút kinh nghiệm; luôn chủ động, sáng tạo, có khát vọng làm giàu.

Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho rằng, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp chính như: duy trì quy mô diện tích hiện có ở vùng trồng thích hợp, tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung. Ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ đầu tư phát triển cây ăn quả, gắn với đầu tư công nghệ sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

 

t13.jpg
Tỉnh Hà Giang trưng bày, giới thiệu sản phẩm cam đến người dân Thủ đô.

 

Nâng cao kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm; Ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây ăn quả chủ lực, trồng tập trung theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, tạo sản phẩm an toàn, hiệu quả cao, bền vững.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới cần rà soát, xây dựng quy hoạch canh tác, xác định chủng loại, quy mô, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, áp dụng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại hiệu quả, an toàn. Có chính sách hỗ trợ giống chất lượng, đồng thời hướng dẫn địa phương, cơ sở sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất cây có múi hiện đại, quan tâm xây dựng bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vấn đề đặt ra là, các địa phương phải khuyến cáo kịp thời, không phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch để tránh những cuộc “giải cứu” trái cây có múi có thể xảy ra trong tương lai.

Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ ở kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) gửi câu hỏi trực tiếp đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường với nội dung: "Kỳ họp thứ 6, tôi có hỏi Bộ trưởng về việc quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn cả nước. Xin hỏi Bộ trưởng: Phát triển cây ăn quả có múi hiện nay như thế nào, có phù hợp với quy hoạch hay không và có nguy cơ phải giải cứu hay không?".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hầu hết sản phẩm cây có múi hiện nay chủ yếu dùng ăn tươi, chế biến rất kém, công tác giống còn nhiều hạn chế.

Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, thời gian tới, công tác giống phải rà soát lại hết để có được những bộ giống tốt, chống chịu được bệnh và đảm bảo thâm canh. Quy trình canh tác cũng phải thay đổi lại theo hướng hữu cơ. Hiện nay, hầu hết diện tích cây có múi sau một thời gian khai thác là bị bệnh, do chăm sóc, quy trình. Phải tăng cường khâu chế biến, nếu chỉ chờ ăn tươi thì chắc chắn hiệu quả rất thấp.

Để cây có múi nâng cao giá trị, phát triển một cách bền vững, thiết nghĩ, chính quyền địa phương, các ngành và người dân cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đã nêu ở trên để từng bước khắc phục tình trạng trồng tràn lan, phá vỡ quy hoạch...

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top