Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 6 năm 2017 | 8:25

Phó Thủ tướng: Phục hồi điều tra vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả

Trước diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho biết qua giám định lại, kết luận Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) sản xuất phân bón giả, nên chỉ đạo ra quyết định phục hồi điều tra.

Liên quan đến vụ việc công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, gây bức xúc dư luận nhiều năm qua, chiều 15/6, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã có trả lời chính thức đại biểu tỉnh Đồng Nai về vụ việc này.

Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 2015 các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất phân bón Thuận Phong đang đóng gói chiết xuất phân bón có dấu hiệu vi phạm. Sau đó các cơ quan chức năng đã đưa tang vật là phân bón đi giám định, đồng thời xin ý kiến các Bộ ngành liên quan.

Tuy nhiên vì có vướng mắc trong các quy định pháp luật, và các nghị định, thông tư có cách hiểu khác nhau, nên cơ quan điều tra CA tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ vụ án và VKS tỉnh phê chuẩn quyết định đình chỉ này. Nhưng dư luận xã hội, Hiệp hội phân bón không đồng tình, có phản ứng quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải vào cuộc chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng pháp luật.

Hàng hoá tại Công ty Thuận Phong thời điểm bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nói: “Tôi đã chỉ đạo cho kiểm tra lại, tiến hành trưng cầu ý kiến các Bộ, đi đến thống nhất đánh giá, giải thích thông tư của Thủ tướng về chất chính và thành phần chính. Qua đó đánh giá sản phẩm phân bón của công ty Thuận Phong không đủ chất chính, nên đi đến kết luận là phân bón giả.

Từ kết luận này, tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an xem xét lại, chỉ đạo  VKS tối cao giải quyết lại đúng pháp luật. Sau đó VKS tối cao đã có văn bản chỉ đạo VKS Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án”.

“Giờ vụ việc có dấu hiệu phạm tội, nên phải hủy để phục hồi điều tra. Còn quá trình điều tra vụ án, thì Bộ công an có chỉ đạo xem xét các cán bộ thừa hành, nếu có vi phạm thì xử lý theo pháp luật” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, bày tỏ: “Nếu phục hồi điều tra vụ án lại tiếp tục giao cho công an Đồng Nai điều tra, tôi e là không khách quan, trung thực. Tôi đề nghị nên giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an, hoặc Viện Kiểm sát tối cao”.

Trước đó, vào tháng 4/2015, Đoàn kiểm tra đặc biệt gồm các thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả, và Cơ quan thanh kiểm tra Bộ Quốc phòng đã bắt quả tang, lập biên bản việc công ty Thuận Phong sản xuất, đóng gói phân bón giả (giả phân bón của Mỹ). Thời điểm kiểm tra phát hiện tang vật của công ty rất lớn ở phường Long Bình thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Kết quả hai lần giám định chất lượng sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong đều cho thấy đa số mẫu thử đều không đạt tiêu chí về chất chính và thành phần chính. Theo các cơ quan chức năng, các chứng cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Thế nhưng sau đó Cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai lại ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Sau đó, Bộ Công an cũng có báo cáo cho rằng những sai phạm của công ty Thuận Phong không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự, chỉ ở mức độ xử lý hành chính. Bộ Công an giao Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với VKS tỉnh Đồng Nai báo cáo UBND tỉnh, để chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý vi phạm của Công ty Thuận Phong theo quy định.

Theo SHTT

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top