Mặc dù Khoản 3, Điều 11, Pháp lệnh Đê điều số 26/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24/8/2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Nghiêm cấm các hành vi xây dựng công trình, nhà cửa trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông, trừ công trình chuyên dùng được phép xây dựng phục vụ phòng, chống lụt, bão, giao thông, quốc phòng, an ninh và công trình đặc biệt khác” nhưng Công ty TNHH Hải Linh vẫn ngang nhiên xây một loạt hạng mục không phép, vi phạm hành lang thoát lũ sông Lô (thuộc xã Sông Lô, TP.Việt Trì, Phú Thọ).
Tồn tại không phép 10 năm
Cổng vào tổ hợp công trình sai phạm.
Gần đây, Báo Kinh tế nông thôn nhận được thông tin bạn đọc phản ánh về một công trình khủng xây dựng sai phép, đe dọa an toàn hành lang đê thoát lũ, thuộc xã Sông Lô. Công trình được người dân phản ánh thực chất là tổ hợp kho chứa xăng dầu do Công ty TNHH Hải Linh làm chủ đầu tư.
“Xã Sông Lô nằm giáp ranh sông Lô. Trước đây, địa bàn thường xuyên xuất hiện lũ lớn. Ở đây, người dân chúng tôi chỉ cần dựng tạm một cái chòi nhỏ trên bờ đê để chăn nuôi gia cầm cũng bị xã xuống nhắc nhở, xử lý. Vậy mà công trình kho xăng dầu do Công ty Hải Linh làm chủ đầu tư tồn tại hơn 10 năm trong hành lang an toàn đê điều mà không bị tháo dỡ, nhắc nhở”, một người dân địa phương bức xúc.
Nằm gần mép sông Lô, hệ thống kho xăng dầu to lớn với các bồn chứa xăng dầu, ga cao hàng chục mét được xây dựng san sát nhau. Phía ngoài được chủ đầu tư xây hệ thống tường rào, nhà cửa và một số công trình kết hợp với nhau tạo nên hệ thống công trình bề thế, vững chắc ngay trên hành lang thoát lũ sông Lô.
10 năm trước, Công ty TNHH Hải Linh đầu tư xây dựng kho chứa dầu khí thuộc hành lang đê hữu sông Lô. Các hạng mục xây dựng gồm 1 bể chứa dầu diesel 1.000m3; 1 bể chứa dầu mazut 1.000m3; 1 bể chứa xăng Mogas 92 7.500m3; 1 bể chứa xăng Mogas 90 7.300m3 cùng hệ thống kho gas hóa lỏng, nhà làm việc, nhà ăn, nhà nghỉ, tường rào kiên cố… trên tổng diện tích hơn 36.000m2 đất bãi sông Lô. Lúc bấy giờ, hạng mục kho chứa xăng dầu khí chưa được cấp phép nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành.
Trước hành vi vi phạm trên, Hạt Quản lý đê Việt Trì phối hợp với chính quyền xã Sông Lô đã tiến hành làm việc với lãnh đạo Công ty Hải Linh. Dựa trên các bằng chứng, nhà chức trách thống nhất kết luận: “Công ty Hải Linh đã vi phạm Điều 11, Khoản 3 của Pháp lệnh Đê điều: Xây dựng các hạng mục công trình gồm tường rào kho, nhà nghỉ, nhà ăn, bồn chứa xăng dầu… trên khu đất bãi ven sông Lô khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép”. Nội dung biên bản còn nhấn mạnh: “Đình chỉ ngay việc vi phạm trên của Công ty Hải Linh; yêu cầu công ty phải làm ngay thủ tục xin phép về thoát lũ các hạng mục công trình trên, xong trước tháng 8/2006. Sau thời hạn trên, nếu Công ty Hải Linh chưa khắc phục xong việc vi phạm phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật…”.
Báo cáo vi phạm cảng Hải Linh của UBND xã Sông Lô.
Vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều
Từ đó đến nay, cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với công trình trên của Công ty Hải Linh. Điển hình như biên bản làm việc ngày 16/4/2015 giữa Hạt Quản lý đê Việt Trì với Công ty TNHH Hải Linh cho thấy: “Hiện tại Công ty TNHH Hải Linh có một số công trình xây dựng trong bãi sông, không đúng quy định của Luật Đê điều quy định bao gồm: Tường rào xây xung quanh, 8 bồn chứa xăng dầu, 4 bồn chứa ga, kho gas hóa lỏng, nhà làm việc…Công ty TNHH Hải Linh đã vi phạm Điều 26, Luật Đê điều”.
Để giải quyết dứt điểm vụ việc, tổ công tác kiến nghị: “Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão yêu cầu Công ty TNHH Hải Linh thực hiện ngay: Tháo dỡ những công trình không được phép xây dựng trong bãi sông. Khi có lũ xảy ra mọi hậu quả gây ảnh hưởng đến đê diều, và dân sinh kinh tế do công trình xây dựng trên gây ra Công ty Hải Linh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn trực tiếp quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tảo, Chủ tịch UBND xã Sông Lô, thừa nhận, để các hạng mục sai phép của Công ty Hải Linh tồn tại qua 10 năm nhưng chưa bị xử lý triệt để lỗi một phần thuộc về chính quyền địa phương. “Những công trình xây dựng sau như cầu cảng, nhà điều hành cơ bản thực hiện đúng Luật Đê điều. Còn một số công trình được xây từ năm 2006- 2007 như nhà công nhân, nhà chứa xăng, chứa gas… thì rõ ràng đã vi phạm pháp luật vì không được cấp phép”, ông Tảo thông tin.
Trả lời Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Phú Thọ, cho biết, năm nào Chi cục cũng lập biên bản vi phạm của Công ty Hải Linh, đôn đốc UBND xã Sông Lô thực hiện xử lý công trình vi phạm theo thẩm quyền. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng ở xử lý trên giấy tờ. “Nếu cho tôi quyền hạn lớn hơn, tôi đã xử lý dứt điểm sai phạm này từ lâu rồi chứ không phải để tồn tại đến nay”, ông Sơn bày tỏ và cho rằng, Công ty Hải Linh có dấu hiệu chây ì, thách thức pháp luật.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc.
Duy Cảnh
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.