Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 7 năm 2015 | 6:30

Phú Thọ: Ngang nhiên chặn… sông Hồng

Một “ông chủ” cho đắp cả tuyến đê dài 90m, rộng 8m và cao 6m chặn dòng chảy sông Hồng đoạn thuộc địa phận xã Mạn Lạn (Thanh Ba - Phú Thọ) mà chính quyền sở tại không hề hay biết. Điều này khiến người dân bất bình, hoài nghi có sự “bảo kê”.

Tuyến đê dài 90m, cao 6m, rộng 8m với 4.320m3 đất được đắp nhưng chính quyền xã không hay biết!

Con voi chui lọt lỗ kim!

Nhận được phản ánh của bạn đọc, chúng tôi lên đường kiểm chứng những thông tin một cách khách quan, chính xác.

Nằm cách UBND xã Mạn Lạn chưa đầy 2km, tuyến đê dài 90m với hàng nghìn mét khối đất đá được một “ông chủ” đắp lên từ đầu tháng 3/2015, ngang nhiên chặn dòng chảy sông Hồng vì mục đích cá nhân.

Được biết, bãi nổi thuộc địa phận xã Mạn Lạn rộng 27ha, được người dân khai thác sản xuất từ năm 2007 - 2008, rồi  không hiểu vì lý do gì, khu đất trở thành sở hữu riêng của một công ty ở TP. Việt Trì nhưng khai thác không đúng mục đích, thậm chí là có biểu hiện trốn thuế (?!).

Cũng từ đây, không hiểu bằng cách nào, ông Lưu Văn Giang ở tận Hoàng Kim (Mê Linh - Hà Nội)  lần mò lên thuê lại đất canh tác trồng chuối, mía. Theo chia sẻ của một vị lãnh đạo cấp huyện thì việc doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn hay nơi khác đến khai thác kinh tế phải được báo cáo và có thủ tục hồ sơ theo đúng quy trình. Đằng này, sự việc thuê đất, trồng chuối, mía rồi đắp đê chặn dòng chảy sông Hồng lại bị chính quyền xã Mạn Lạn “ém” không cho chính quyền huyện  biết.

Sự việc bắt đầu vỡ lở khi huyện nhận được phản ánh của người dân và tổ chức đoàn gồm các cơ quan ban ngành cấp huyện đi kiểm tra thị sát tình hình dòng chảy, hồ đập trước mùa mưa bão vào đầu tháng 7 vừa qua.

Theo kết quả kiểm tra thực tế của huyện, tuyến đê trên thuộc đoạn từ K29+500 ÷ K57+500, trên địa bàn huyện Thanh Ba, tại Km 36+500.

Việc làm nghiêm trọng này vi phạm khoản 10, Điều 7 Luật Đê điều năm 2006 và khoản 4, Điều 12 Luật Phòng chống thiên tai năm 2013. Song điều khiến dư luận khó hiểu là cách hành xử của đại diện chính quyền xã Mạn Lạn. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã, biện minh: “Sự việc này chúng tôi không biết, do nó nằm khuất xa trong dân và khó đi lại”.

Đây là tuyến đê dài 90m và cần đến 4.320m3 đất đá cho việc chặn dòng chảy sông Hồng. Với khối lượng này, phải có xe tải trọng lớn và máy múc làm việc cả tháng, hà cớ gì xã không biết, nhiều người dân bức xúc bày tỏ.

Nếu người dân không phản ánh và cấp huyện không đi kiểm tra thì “cái kim này” bao giờ mới lòi ra.

Chính quyền xã bất nhất

Càng khó hiểu hơn khi chính ông Hải lại phát ngôn khi làm việc với phóng viên rằng: Chúng tôi đã phát hiện và báo cáo huyện về việc này. Việc đắp đê là hoàn toàn sai, quan điểm của xã là phải xử lý, yêu cầu tháo dỡ.

Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên, ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Ba, cho hay: “Đến nay, chúng tôi chưa nhận được bất cứ báo cáo nào của xã về việc này. Mà chỉ khi nhận phản ánh của người dân và kiểm tra thì chúng tôi mới phát hiện và lập biên bản”.

Còn ông Nguyễn Hùng Thắng, Chánh văn phòng UBND huyện, cho hay: “Nếu xã Mạn Lạn báo cáo thì trong cuộc họp giao ban định kỳ, chúng tôi đã biết và chỉ đạo sớm rồi”.

“Khi phát hiện, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo sát sao, có văn bản yêu cầu xã Mạn Lạn xử lý, trả lại hiện trạng lòng sông trước ngày 10/7/2015”, ông Thắng nói.

Nhằm thông tin khách quan, chúng tôi nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc với ông Lưu Văn Giang nhưng ông này đều tỏ thái độ bất hợp tác và cho hay: “Sếp tôi đang đi công tác nước ngoài, khi nào về sẽ xử lý sau”.

Thậm chí khi chúng tôi chưa liên hệ, chính quyền xã Mạn Lạn cho ông Giang số máy của phóng viên để ông này gọi điện thoại với lời lẽ thiếu tôn trọng và đưa ra những yêu cầu bất hợp lý.

Sự việc sai trái này sẽ được xử lý như thế nào, Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc trong số báo tiếp theo.

Nhất Nam

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top