Do đang trong quá trình đô thị hóa nên chỉ trong một thời gian ngắn, tại thị trấn Hòa Vinh (Đông Hòa - Phú Yên) xảy ra gần 60 vụ lấn chiếm đất nông nghiệp xây dựng nhà ở, chuồng nuôi gia súc. Cá biệt, có trường hợp vi phạm đến 2-3 lần.
Cần xử lý nghiêm việc xây nhà trên đất nông nghiệp.
Xây biệt thự trên đất nông nghiệp
Điển hình trong số những trường hợp sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích phải kể đến ông Đỗ Kim Chí (37 tuổi) ở khu phố 2. Cuối năm 2014, ông Chí sử dụng 58m2 đất nông nghiệp dọc Quốc lộ 1, được thị trấn Hòa Vinh giao cho ông Trần Văn Đông (cha vợ ông Chí) sản xuất, để xây dựng nhà kho, sau đó xây dựng biệt thự trị giá hàng tỉ đồng, bất chấp việc UBND thị trấn Hòa Vinh ba lần lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ông Chí dừng thi công, tháo dỡ công trình.
Trong khi đó, ông Lê Duy Linh (38 tuổi), có hộ khẩu thường trú ở thị trấn Hòa Hiệp Trung nhưng đầu năm 2015 lại thuê xe chở đất, cát san lấp gần 100m2 ruộng tại khu phố 1. Sự việc được UBND thị trấn Hòa Vinh phát hiện, lập biên bản phạt hành chính với số tiền 3,5 triệu đồng; đồng thời yêu cầu ông Linh di dời toàn bộ số đất đã san lấp mặt bằng trái phép, trả lại mặt bằng sản xuất như ban đầu. Tuy nhiên, ông Linh vẫn cố tình vi phạm, buộc UBND thị trấn Hòa Vinh phải ký quyết định cưỡng chế. Dù vậy, đến nay ông Linh không những không khắc phục hậu quả mà còn trồng cây trên diện tích đất san lấp trái phép này.
Ông Chí và ông Linh chỉ là hai trong số gần 60 trường hợp vi phạm Luật Đất đai tính từ năm 2014 đến nay trên địa bàn thị trấn Hòa Vinh. Ông Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn, cho biết: “Việc ông Chí sử dụng đất sai mục đích đã bị thị trấn và huyện phạt hành chính. Thế nhưng, sau khi phạt, ông Chí lại tái phạm. Vụ việc đã vượt thẩm quyền của thị trấn, đang chờ huyện và tỉnh giải quyết”.
Khó xử lý
Theo ông Hồng, để tăng cường quản lý đất đai cũng như trật tự xây dựng trên địa bàn, UBND thị trấn Hòa Vinh đã ban hành quy chế phối hợp giữa UBND với các hội, đoàn thể, lực lượng công an, quân sự thị trấn. Thế nhưng, tình trạng sử dụng đất sai mục đích rất khó giải quyết dứt điểm. Dù trong quyết định xử phạt, UBND thị trấn yêu cầu các trường hợp vi phạm phải chịu mọi chi phí khắc phục hậu quả, nhưng không có trường hợp nào tự giác thực hiện.
Liên quan đến việc ông Chí sử dụng đất sai mục đích, ông Võ Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: Huyện đã có công văn trả lời ông Chí. Theo đó, ông không đủ điều kiện cấp phép xây dựng nhà ở trên diện tích khoảng 117m2 đất, trong đó có 58m2 đất nông nghiệp và gần 60m2 đất vườn. Huyện đã trình vấn đề này lên UBND tỉnh để xin hướng giải quyết và tỉnh cũng đã có công văn giao huyện xử lý theo thẩm quyền. Huyện đang xem xét phương án xử lý ông Chí theo đúng quy định của pháp luật.
Dư luận đặt câu hỏi, trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu khi để tình trạng sử dụng đất sai mục đích diễn ra tràn lan và dường như đang bế tắc trong cách giải quyết?
Hoa Đồng
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.