Sáng 17/8, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên án đối với bị cáo Huỳnh Anh Khương (37 tuổi, cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Đồng Xuân), Phạm Xuân Trình (41 tuổi, ngụ xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân), La O Kính (39 tuổi, ngụ xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), La Lan Thập (32 tuổi, ngụ xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) cùng về tội “Hủy hoại rừng”.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2015, Phạm Xuân Trình sử dụng các thông tin cá nhân của các ông La Lan Dư, La O Đấu, La Mo Mang có hộ khẩu tại xã Phú Mỡ rồi lập 3 hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng nhằm hợp thức hóa quyền sử dụng đất rừng Bình Ấm, xã Phú Mỡ, Xuân Lãnh và Xuân Quang 1 thuộc huyện Đồng Xuân. Các cán bộ phòng tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đồng Xuân không kiểm tra hiện trạng, nhưng vẫn lập biên bản kiểm tra hiện trạng phản ánh không đúng thực tế để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xác nhận và hoàn tất các thủ tục của 3 hồ sơ nói trên, trình UBND huyện Đồng Xuân cấp giấy chứng nhận.
Để tiếp tục hợp thức hóa quyền sử dụng diện tích đất rừng Bình Ấm,Trình và Huỳnh Anh Khương sử dụng các thông tin cá nhân của La Thanh Anh, La Lan Ninh, La Mo Hùng để lập hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, được UBND huyện Đồng Xuân đã cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các bị cáo tại phiên tòa
Cuối tháng 3/2016, Trình tổ chức thuê khoảng 29 người với giá 150.000 đồng/người/ngày sử dụng cưa máy cầm tay, rựa chặt phát tại các lô 11, 15, 20 tại rừng Bình Ấm. Đầu tháng 4/2016, Khương 2 lần mang theo bản đồ và máy định vị GPS đến rừng Bình Ấm xác định ranh giới để Trình chỉ lại cho nhân công tiếp tục chặt phát tại các lô 1, 16, 17, 18, 19, 21, 22 có tổng diện tích 18,1ha.
Thấy Phạm Xuân Trình và một số người khác tổ chức chặt phát rừng nên La O Kính rủ La Lan Thập tổ chức thuê người chặt phát rừng lấy đất canh tác, đồng thời ngăn việc Trình chiếm hết đất rừng Bình Ấm. Tháng 4/2016, Kính và Thập đã thuê khoảng 30 người sử dụng cưa máy cầm tay, rựa chặt phát 18,73ha rừng tại các lô 2, 3, 8, 9, 10 thuộc tiểu khu 83 rừng Bình Ấm. Kính và Thập cung cấp lương thực, thực phẩm, công cụ, dựng lán trại, theo dõi và trả tiền công mỗi người 160.000 đồng/ngày đối với lao động nam và 150.000đ/ngày đối với lao động nữ. Tổng số tiền chi trả khoảng 30 triệu đồng.
Theo Kết luận giám định của Giám định viên tư pháp Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, trong 109,9ha bị Trình, Khương, Kính và Thập chặt phá có 76,9ha đất chưa thành rừng có cây gỗ tái sinh và 25 ha rừng phòng hộ, 8ha rừng sản xuất của tiểu khu 83, 90 thuộc rừng Bình Ấm. Trong đó, Trình và Khương tổ chức chặt phá 6,27ha rừng phòng hộ, 8ha rừng sản xuất; Kính và Thập tổ chức chặt phá 18,73ha rừng phòng hộ.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên án bị cáo Huỳnh Anh Khương lãnh mức án 8 năm tù; Phạm Xuân Trình, La O Kính cùng lãnh mức án 7 năm 6 tháng tù; La Lan Thập lãnh mức án 7 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo bồi thường liên đới cho chủ rừng là UBND xã Phú Mỡ hơn 1,1 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ phá rừng này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các ông Nguyễn Hồng Đức (nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đồng Xuân); So Bếp (Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ) do thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, UBND huyện Đồng Xuân cũng ký quyết định cách chức Trưởng Phòng TN-MT huyện Đồng Xuân đối với ông Cao Thanh Lương; kỷ luật cảnh cáo đối với Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ La O Hóa; khai trừ Đảng, buộc thôi việc đối với ông Phan Văn Hóa (cán bộ Phòng TN-MT huyện Đồng Xuân)./.
Anh Thi - Hồng Anh
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.