Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 6 năm 2018 | 10:1

Phú Yên: Số phận Dự án “Khu sản xuất giống thủy sản”

Triển khai thực hiện Dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” (xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa) là chủ trương lớn của tỉnh Phú Yên cuối thế kỷ 20, nhằm thực hiện chính sách về nuôi tôm xuất khẩu, đưa ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, dự án đang có nguy cơ bị xóa sổ để dành đất cho phát triển du lịch.

py1.JPG
Một góc khu làng nghề tôm giống.

 

Sức hút của dự án

10 năm sau ngày tách tỉnh (1998), Phú Yên vẫn là tỉnh nghèo, đánh bắt hải sản vẫn sử dụng các loại thuyền công suất nhỏ gần bờ, sản lượng cũng chỉ vài trăm tấn cá, tôm giã cào... Đây là trăn trở của ngành thủy sản Phú Yên, sự chưa chủ động vào cuộc của Sở Thủy sản trong việc giúp ngư dân chuyển hướng khơi xa. Đặc biệt là, chưa giúp cho người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của bờ biển 180km để đưa vào nuôi trồng thủy sản.

Thấy được điểm yếu của mình, Giám đốc Sở Thủy sản lúc ấy là ông Chế Bá Hùng đã mạnh dạn đề xuất với tỉnh Phú Yên ba phương án chiến lược để giúp ngư dân và người dân: Đầu tư đóng mới tàu thuyền khơi xa; Đầu tư nuôi trồng hải sản bằng bè; Xây dựng khu sản xuất giống thủy sản. Với ba phương án ấy, Phú Yên nổi danh các loại sản phẩm: Cá ngừ đại dương, tôm hùm và tôm thẻ chân trắng xuất khẩu. Trong nguồn thu ngoại tệ, có sự tham gia góp sức của dự án “Khu sản xuất giống thủy sản”.

Với ba phương án chiến lược, dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” là “đứa con đầu lòng” của ngành thủy sản và của tỉnh Phú Yên, góp phần cung cấp giống thủy sản chất lượng cao, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngày 8/10/1998, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Hữu ký Quyết định số 2024/QĐ-UBND “V/v đầu tư dự án Khu sản xuất giống thủy sản, giao Sở Thủy sản làm chủ đầu tư”. Từ đây, BQL dự án, trực thuộc Sở Thủy sản ra đời, chịu trách nhiệm điều hành dự án theo quy định của các Nghị định 42/CP, 43/CP, 92/CP và 93/CP.

Lúc đầu, có 30 hộ dân tham gia, sau đó chốt lại 22 hộ, vẫn giữ nguyên 30 trại sản xuất thủy sản, với hợp đồng thuê đất diện tích mỗi trại 75m x 10m = 750m2. Nhà nước hỗ trợ san ủi mặt bằng và kéo điện đến tận tường rào của dự án (đây là chính sách hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư).

Với chính sách ấy, cùng với việc giúp tỉnh Phú Yên thực hiện tốt chính sách nhà nước về nuôi tôm xuất khẩu theo Quyết định 347/CT, ngày 14/12/1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), 22 hộ dân tâm huyết xây dựng mỗi trại đạt chuẩn theo BQL dự án hướng dẫn. Cụ thể, mỗi trại gồm các hạng mục về xây lắp: Nhà ương ấu trùng cấp 4, diện tích 96m2; Nhà làm việc cấp 4, diện tích 25m2; Nhà nuôi tôm mẹ và ấp artemia, diện tích 20m2; Hệ thống các bể nuôi, diện tích 373m2. Thiết bị gồm: 1 máy phát điện; 2 máy bơm nước; 4 máy khí; Hệ thống điện nước và xử lý môi trường cho toàn khu.

Sự mạnh dạn đầu tư của 22 hộ dân đã biến vùng đất hoang sơ, hẻo lánh của bãi cát góc biển xã Bình Kiến trở thành làng nghề sản xuất giống tôm thẻ chân trắng hiện đại của TP.Tuy Hòa. Qua gần 20 năm hoạt động, 22 hộ dân thực hiện dự án, mỗi năm cung cấp 30% lượng giống tôm thẻ chân trắng cho toàn tỉnh, góp phần biến vùng sâu, vùng xa của bãi cát ven biển tỉnh Phú Yên trở nên sôi động, lộ rõ những điểm nét du lịch của “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”.

py2.JPG
Chuẩn bị đưa tôm giống vào bao để xuất bán.

Bị bỏ rơi

Phía Bắc cuối đường Độc Lập dọc theo bờ biển TP. Tuy Hòa là dự án “Khu sản xuất giống thủy sản”. Vị trí này có thể mở ra nhiều kỳ vọng cho đầu tư phát triển tổ hợp khách sạn, resort cao cấp với đầy đủ tiện ích phục vụ du khách.

Vì thế, dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” của 22 hộ dân đã và đang nằm trong tiêu điểm bị xóa sổ bất kỳ lúc nào. Và, nó thực sự bị bỏ rơi cách đây 10 năm (2008). Lúc ấy, 22 hộ dân như con nai ngơ ngác giữa ngã ba đường. Cho dù, nai đã đủ lông, đủ sừng và cho nhung nhiều đợt, nhưng vẫn phải buồn trước sự “nguội lạnh” ấy.

Theo hợp đồng thuê đất với BQL dự án, với chu kỳ 5 năm, 22 hộ dân tiếp tục ký trở lại. Qua hai chu kỳ, đến năm 2008, cả 22 hộ dân tới BQL dự án để ký hợp đồng thuê đất cho chu kỳ thứ ba, nhưng QBL đã giải thể, do Sở Thủy sản nhập vào Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên.

Từ đó, 22 hộ dân bị bỏ rơi, không một cấp chính quyền, không một ngành chức năng nào lui tới, hoặc có văn bản chỉ dẫn. 22 hộ dân tiếp tục tự thân vận động,  đầu tư hoàn thiện công nghệ sản xuất tôm giống thẻ chân trắng theo mô hình khép kín, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập.

py3.JPG
Cơ sở sản xuất tôm giống của DNTN Lợi Anh.

 

Giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý

Sau khi dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” bị bỏ rơi, TP.Tuy Hòa và tỉnh Phú Yên lãnh cảm với “mạch nguồn, quả trái” của người đi trước, sẵn sàng ra những văn bản nhằm xóa sổ làng nghề hiện đại hóa tôm giống đang thời “ăn nên làm ra”, tăng của cải cho xã hội và tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Một trong số văn bản theo kiểu áp đặt ấy, có Thông báo số 827/TB-UBND, ngày 22/8/2017 của UBND TP.Tuy Hòa, với nội dung cho rằng: 22 hộ dân đang sản xuất và kinh doanh giống thủy sản đã lấn chiếm đất tại dự án “Khu sản xuất thủy sản”.

Thực hiện Quyết định 2024, 22 hộ dân kiên trì thực hiện đầu tư, hoàn thiện công nghệ sản xuất tôm giống, với tổng giá trị tài sản hiện nay lên tới 61 tỷ đồng. Thông báo 827 đã phủ nhận toàn bộ giá trị tài sản gắn trên đất của dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” rộng 3ha.

Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích gì, hay cấp cho dự án nào, 22 hộ dân cần được nắm rõ. Việc này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Phú Yên trong việc thu hồi Quyết định 2024, cùng lúc thu hồi đất của dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” và phương án đền bù được duyệt.

22 hộ dân của dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” rất đồng tình và ủng hộ chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch ven biển TP.Tuy Hòa. Nhưng để có trước có sau, họ kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên cho di dời dự án đến địa điểm mới, phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Trước khi di dời, cần có sự đền bù thích đáng về đất và giá trị đầu tư vào đất theo luật định.

Việc đền bù, thông lệ theo phương án được UBND tỉnh phê duyệt từ nguồn ngân sách, ngoại lệ như các dự án du lịch, dịch vụ và thương mại là sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với tổ chức, cá nhân. Cụ thể ở đây, giữa nhà đầu tư tự thỏa thuận với 22 hộ dân đang còn gắn kết dự án theo Điều 5 của hợp đồng cho thuê đất và được cơ quan quản lý đất đai đồng ý.

Mong rằng, tỉnh Phú Yên và TP.Tuy Hòa có tấm lòng bao dung, bởi dự án “Khu sản xuất giống thủy sản” là đứa con đầu lòng của ngành thủy sản, một thời làm rạng danh ngành nuôi trồng thủy sản Phú Yên, giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý.

 


 

Phi Công
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top