Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 8 năm 2014 | 9:43

Phường Nhân Chính: Người dân bất lực nhìn doanh nghiệp “chiếm” ngõ?

KTNT- Con đường tại số 23 ngách 72/125 Quan Nhân - Nhân Chính - Thanh Xuân (Hà Nội) vốn rộng thênh thang, người dân sử dụng hơn 20 năm qua, bỗng dưng bị chính quyền rào chắn thêm 3 mét, biến thành... con hẻm nhỏ.

Phản ánh tới Báo Kinh tế nông thôn, hơn 20 hộ dân trú tại ngách 72/125 Hoàng Ngân, phường Nhân Chính cho biết, con ngõ mà họ vẫn sử dụng trước đây rộng tớ 5,5 mét nhưng hiện tại chỉ là con hẻm nhỏ, ô tô không thể ra vào.

Đơn kêu cứu của ông Nguyễn Hữu Việt Hưng, GS.TSKH, Nhà giáo ưu tú và hiện sống tại con ngõ này cho biết: 9 giờ ngày 28/7/2014, Công ty cổ phần Sông Hồng cùng với UBND phường Nhân Chính huy động lực lượng đông đảo tới để rào chắn ô đất số 4.6 Lê Văn Lương rộng thêm 3m ra phía mặt đường nơi các gia đình đang sinh sống, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân ở đây.

Người dân muốn được trao đổi rõ ràng sự việc.

Trao đổi với phóng viên, GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng cho biết: Cho đến trước hôm xảy ra sự việc, người dân ở đây vẫn không hề được chính quyền thông báo về vấn đề này. "Khi nghe tin chính quyền huy động lực lượng lập rào chắn, chúng tôi đã có đơn gửi UBND và Công an quận Thanh Xuân, UBND và Công an phường Nhân Chính vào chiều ngày 27/7/2014, đề nghị được bảo vệ. Tuy nhiên, qua điện thoại, lãnh đạo phường Nhân Chính trả lời người dân rằng, chính quyền không có trách nhiệm thông báo cho dân, vì đường không phải tài sản của dân".
 
Trước sự việc bất bình xảy ra, GS. Hưng cùng người dân đã phản đối và yêu cầu được gặp và trao đổi với chính quyền, công an nhưng đáp lại là sự im lặng. Người tự xưng là đại diện chính quyền đã bỏ đi. Người dân yêu cầu được xem những giấy tờ liên quan nhưng bên phía chính quyền không đưa ra và yêu cầu người dân lên UBND phường để giải quyết.

Theo đơn của các hộ dân từ số nhà 1 đến số nhà 23: Mâu thuẫn giữa Công ty CP Sông Hồng, đơn vị chủ đầu tư dự án “Tổ hợp TTTM và văn phòng cho thuê” ở lô đất 4.6 Lê Văn Lương với các hộ dân về con đường này diễn ra hàng chục năm nay. 

Nguyên nhân của sự việc xuất phát từ quy hoạch chi tiết tuyến Láng Hạ-Thanh Xuân được UBND thành phố phê duyệt theo Quyết định 112/2002/QĐ-UB ngày 6/8/2002 cho phép ô 4.6 Lê Văn Lương được dùng để xây nhà trung bình 7,5 tầng. Nhưng Tổ hợp đã được nâng thành 16 tầng, cao 60m. Theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam 2008, khoảng cách từ công trình cao ≥ 46m tới ranh giới đất của công trình tối thiểu là 12,5m.

Vậy nhưng toàn bộ chiều rộng của ô đất 4.6 chỉ là 23m. Để giữ cho công trình không trở thành một cao ốc siêu mỏng, họ đã tìm cách thu luôn đường của dân lấy đất xây dựng, và định giải toả nhà dân để lấy đất làm đường. Thế nhưng, theo Luật Đất đai 2013, Tổ hợp TTTM và Văn phòng cho thuê không được quyền huy động đất của dân làm đường. 
Bởi việc làm vô lí đó, chúng tôi đã có đơn khiếu nại gửi tất cả các cấp chính quyền từ TW đến địa phương, nhưng chưa được giải quyết – ông Hưng nói.

Con đường rộng bỗng trở thành hẻm nhỏ gây bức xúc cho người dân.

Quan điểm về vụ việc, Luật sư Vi Văn Diên, Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh, cho biết: "Trước hết các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng côn đồ hành hung tại buổi rào chắn đường trong khi có mặt cả lực lượng Công an phường, Trật tự phường và Chính quyền phường Nhân Chính nhưng không hề can thiệp, bảo vệ người dân.

Thứ hai, các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội cần lập tức vào cuộc xác định tính pháp lý của con đường được người dân sử dụng suốt 20 năm qua và hành vi rào chắn con đường, truy bức người dân của Công ty CP Sông Hồng.

Thứ ba, việc UBND phường Nhân Chính không thông báo cho người dân biết về kế hoạch rào chắn con đường dân sinh dẫn đến việc hàng loạt hộ dân bị truy bức, giam lỏng, thậm chí người dân còn phẫn nộ cho rằng bị "đánh úp" thể hiện cách làm việc quan liêu, không hợp lòng dân và vi phạm các quy định pháp luật của chính quyền phường sở tại. Con đường là phần đất công ích nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân. Vì vậy, khi phát sinh một hành vi có nguy cơ xâm hại đến cuộc sống của những hộ dân liên quan, UBND phường Nhân Chính buộc phải thông báo và trao đổi với những hộ dân đó trước khi thực hiện".

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin sự việc./.

Thanh Thắng – Tiến Đạt

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ những cánh rừng dễ cháy

    Bảo vệ những cánh rừng dễ cháy

    Hàng chục nghìn ha rừng thông, giang nứa tại Hà Tĩnh rất dễ 'bắt' lửa nhưng mùa nắng nóng năm nay được bảo vệ tốt nên cơ bản chưa để xảy ra vụ cháy nào.

  • Khốn khổ vì ô nhiễm từ các chuồng trại chăn nuôi heo ở Lâm Đồng

    Khốn khổ vì ô nhiễm từ các chuồng trại chăn nuôi heo ở Lâm Đồng

    Điều làm nhiều người ái ngại nhất ở không ít khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh chính là vấn đề về môi trường. Tình trạng chăn nuôi heo tự phát theo lối truyền thống vẫn còn duy trì ở một số gia đình đã gây phiền toái không nhỏ tới các hộ xung quanh.

  • Ngăn chặn giống vật nuôi nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam

    Ngăn chặn giống vật nuôi nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam

    Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có 3 công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn về việc chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Top