Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 9 năm 2014 | 8:24

Quận Hoàn Kiếm: Hàng chục trái “bom nổ chậm” từ trạm biến áp?

KTNT - Theo Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/8/2005, khoảng cách nhà ở của người dân phải cách trạm biến áp từ 3,0m đối với trạm có điện áp 35kV; 4,0m đối với trạm có điện áp 66-110kV; 6,0m đối với trạm có điện áp 220kV... Tuy nhiên, tại hai phường Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hàng loạt trạm biến áp nằm sát nhà dân, vi phạm quy định về hành lang an toàn lưới điện, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân nơi đây.

Người dân lo lắng

Theo phản ánh của nhiều người dân hai phường Phúc Tân, Chương Dương, trên địa bàn có nhiều trạm biến áp được đặt sát nhà dân, trạm y tế, nhà văn hóa..., vi phạm quy định về hành lang an toàn lưới điện. Thậm chí, một số trạm điện chỉ cách nhà dân một tấm lưới thép, không hàng rào bảo vệ, không biển cảnh báo; những hôm trời mưa bão, thường xảy ra tình trạng cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tính mạng của người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Tám, 62 tuổi, sống tại phường Phúc Tân, bức xúc cho biết: “Trên địa bàn phường có khoảng 5-6 trạm biến áp điện đặt sát nhà dân. Những trạm điện này chẳng khác gì những "quả bom nổ chậm". Nếu vô tình xảy ra cháy, nổ thì hậu quả, thiệt hại sẽ là vô cùng lớn. Người dân tại đây hết sức hoang mang, lo lắng”.

Trạm biến áp như “quả bom nổ chậm” đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân.

Chị Lê Thị Phương, 35 tuổi, sống tại phường Chương Dương, chia sẻ: “Những hôm trời mưa bão, hoặc xảy ra chập điện thì các trạm biến áp này thường xảy ra tình trạng cháy nổ. Dây điện đỏ rực cả một khu, khói bốc mù mịt, khét lẹt… Sống gần các trạm điện này, chúng tôi rất hoang mang, lo lắng, bởi tình trạng cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thiết nghĩ, Công ty Điện lực Hoàn Kiếm và các cấp chính quyền cần có biện pháp di dời các trạm điện này ra khỏi khu vực đông dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”.

Theo quan sát của phóng viên trên địa bàn hai phường Phúc Tân và Chương Dương có hàng chục trạm biến áp điện nằm sát các nhà dân. Tại nhiều trạm, bà con còn tận dụng khoảng hở giữa 2 cột điện để làm cổng ra vào. Thậm chí, một số nơi còn xuất hiện tình trạng trạm biến áp nằm len lỏi giữa các khu dân cư đông đúc, nhưng các trạm chỉ cách nhà dân bằng... tấm lưới thép.

Đùn đẩy trách nhiệm

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, cho biết: “Đa số các trạm điện trên địa bàn hai phường Phúc Tân và Chương Dương là các trạm treo, đã có từ rất lâu. Những trạm điện ở khu vực này đều có trước các công trình mà người dân xây dựng nên việc các trạm điện nằm sát nhà dân là do các hộ tự động xây dựng, lấn chiếm vi phạm hành lang lưới điện.

Đối với các công trình người dân sử dụng, tận dụng khoảng cách 2 cột điện làm cổng và các công trình vi phạm xây dựng thì thuộc quyền quản lý của phường và các cơ quan chức năng. Về góc độ quản lý nhà nước, Công ty chỉ phối hợp với thanh tra xây dựng và các cơ quan chức năng lập biên bản xử lý, còn trách nhiệm quản lý trong vi phạm trật tự xây dựng thuộc về thanh tra”.

Người dân đề nghị cơ quan điện lực sớm có phương án giải quyết tình trạng này. 

Tuy nhiên, ông Lê Quang Vân, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Tân, lại cho rằng: "Đối với các trường hợp không đảm bảo khoảng cách an toàn trạm điện, chúng tôi thừa nhận có trường hợp người dân vi phạm, nhưng đa số các trường hợp là ngành điện vi phạm (?).  Trước đây, trên địa bàn phường còn ít dân thì chỉ có 5-7 trạm biến áp. Tuy nhiên, sau này số lượng dân sinh sống lại tăng lên. Công ty đã sử dụng các cột đôi, cột tròn có sẵn để lắp thêm các trạm biến áp”.

Theo thống kê của UBND phường Phúc Tân, trên địa bàn phường hiện có 14 trạm biến áp, trong đó 9 cái 1000kVA, 4 cái 360 kVA và 1 cái 560 kVA. Trong đó, có 3 trạm vi phạm khoảng cách an toàn, đặc biệt có 2 trạm rất nguy hiểm ở số 75 Phúc Tân và 434 Hồng Hà. Tuy nhiên, điều đang nói là đến nay, phường chưa hề tiếp nhận được báo cáo, hay biên bản vi phạm, yêu cầu phối hợp xử lý về các trường hợp vi phạm này từ Công ty Điện lực Hoàn Kiếm. Do vậy, dù biết nhưng phường cũng chưa thể chủ động xử lý vi phạm.

“Từ trước đến nay, Công ty Điện lực Hoàn Kiếm chưa hề có động thái kết hợp với chính quyền địa phương để xử lý vi phạm tại khu vực những trạm biến áp trên. Phường xin nhận khuyết điểm khi chưa tuyên truyền, nhắc nhở người dân; chưa chủ động trong việc phối hợp, yêu cầu công ty điện lực vào cuộc để cùng nhau tháo gỡ khó khăn trên.

Tiếp thu thông tin từ báo, tới đây chúng tôi sẽ có văn bản yêu cầu Công ty Điện lực Hoàn Kiếm phối hợp với phường để xác định những công trình vi phạm và tìm cách khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân”, ông Vân chia sẻ.

Theo Khoản 1, Điều 10 của Nghị Định 106/2005/NĐ-CP (ngày 17/8/2005) về “Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp” quy định: “Đơn vị quản lý, vận hành công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm: Đảm bảo an toàn hành lang công trình lưới điện cao thế, nếu phát hiện hành vi vi phạm phải yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm và báo cáo, phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xử lý các đối tượng vi phạm…”.

Với việc “đá bóng trách nhiệm” giữa UBND phường Phúc Tân và Công ty Điện lực Hoàn Kiếm thì hàng chục trạm biến áp “án ngữ” tại nhiều khu vực đông dân cư vẫn như những “trái bom nổ chậm”, rình rập, đe dọa tính mạng của hàng nghìn người dân nơi đây.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão, tránh việc xảy ra tình trạng cháy, nổ ngoài ý muốn, đề nghị Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và UBND hai phường Phúc Tân, Chương Dương sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ vi phạm, và có biện pháp xử lý dứt điểm vụ việc trên.

Kinh tế nông thông sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Tiến Đạt – Thanh Thắng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top