KTNT - Thống kê sơ bộ 6 tháng đầu năm 2014, các công trình xây dựng sai phép, không phép tại quận Long Biên (Hà Nội) vượt cả con số cả năm 2013.
6 tháng 14 công trình sai phạm
Tại Hội nghị sơ kết mới đây của UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố, bày tỏ bức xúc trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) ở các quận, huyện, thị xã. Ông Hùng khẳng định, số vụ vi phạm TTXD ở Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2014 bằng cả 2 năm 2012 và 2013 cộng lại, cho thấy, tình trạng vi phạm đang hết sức nhức nhối…
“Cái nhà chứ có phải cái kim đâu mà không biết? Cái kim còn có lúc lòi ra. Không chấp nhận tình trạng lúc đầu lập biên bản vi phạm rồi sau đó lại “loanh quanh”, không xử lý”, ông Hùng nói.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.162 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Nổi bật là xây dựng không phép với 642 trường hợp. Trên cơ sở phát hiện sai phạm, thanh tra đã đình chỉ đối với 814 trường hợp, xử phạt hành chính 213 công trình. Đặc biệt, 194 công trình khác đã buộc phải tiến hành cưỡng chế phá dỡ.
Công trình vi phạm TTXD tại 385 Nguyễn Văn Cừ (Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội).
Long Biên tuy là quận mới thành lập nhưng tình trạng vi phạm TTXD vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng ngày một tăng cao. Cả năm 2013, Long Biên có tổng số 1.694 công trình xây dựng, trong đó cơ quan chức năng phát hiện 10 công trình xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp, đình chỉ 2 công trình.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo của UBND quận Long Biên tại kỳ họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 22/7/2014 thì quận đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp vi phạm TTXD. Cụ thể, quận Long Biên phát hiện 14 công trình vi phạm TTXD (01 sai phép, 06 không phép, 07 công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công).
Như vậy, mới chỉ 6 tháng đầu năm nhưng trên địa bàn quận Long Biên đã xảy ra 14 công trình sai phép, không phép, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công (đây mới là con số do UBND quận thống kê), vượt quá số công trình vi phạm của cả năm 2013.
Ai chịu trách nhiệm?
Một trong số đó ở quận Long Biên phải kể đến công trình xây dựng tại số 385 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm. Theo Giấy phép xây dựng số 1292/GPXD do UBND quận Long Biên cấp ngày 01/11/2012 cho hộ các ông Phạm Đức Hạnh và Phạm Việt Dân, số nhà 385 Nguyễn Văn Cừ thì số tầng của tòa nhà này là: 06 tầng + 01 hầm + 01 tum, trên lô đất số 287+288, tờ bản đồ số 331-11, diện tích 128m2. Tuy nhiên, thực tế công trình này là 07 tầng nổi + 01 tầng hầm + 01 tum.
Với sai phạm trên, ngày 30/5/2014, UBND phường Ngọc Lâm có Quyết định số 176/QĐ - CTUBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm TTXD. Trong quyết định đình chỉ thi công của UBND phường Ngọc Lâm nêu rõ: “Quá thời hạn 03 ngày (tính cả ngày nghỉ) kể từ ngày ban hành quyết định này, nếu chủ đầu tư không chịu tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ”.
Quyết định là vậy, tuy nhiên khi làm việc với phóng viên, lãnh đạo phường lại “mách nước” và “vẽ đường” cho chủ đầu tư công trình xây dựng sai phép khi hướng dẫn họ làm thủ tục cấp phép bổ sung (?!).
Công trình vi phạm TTXD trên được UBND phường Ngọc Lâm lập biên bản, ban hành quyết định xử phạt từ cuối tháng 5/2014 nhưng điều ngạc nhiên là trong “Báo cáo về kết quả công tác quản lý đất đai và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn quận Long Biên” được đưa ra tại cuộc họp giao ban thông tin báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 22/7/2014 không có tên công trình này.
Dư luận đặt câu hỏi: Không hiểu vì lý do gì mà UBND quận Long Biên lại để “lọt lưới” một công trình sai phép trên và còn bao nhiêu công trình sai phép khác chưa được quận công khai?
Để xảy ra tình trạng vi phạm TTXD ngày càng gia tăng, câu hỏi đặt ra: Liệu có những tiêu cực trong quá trình quản lý TTXD tại quận Long Biên? Phó chủ tịch UBND quận Long Biên và Phó chủ tịch UBND các phường phụ trách xây dựng - đô thị có phải chịu trách nhiệm?
Hoài nghi, thắc mắc của dư luận rất cần câu trả lời từ người có thẩm quyền của UBND quận Long Biên và TP. Hà Nội.
Nhóm PV
KTNT