Mặc dù có giấy tờ chứng minh nguồn gốc sở hữu và đang trong quá trình sử dụng, mảnh đất của người dân vẫn bị UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp cho Trường THCS Bình Thạnh khi không có quyết định thu hồi?!
Mảnh đất được cho là của gia đình ông Nguyễn Liên bị UBND tỉnh lấy cấp cho Trường THCS Bình Thạnh khi không có quyết định thu hồi.
Mới đây, Thương hiệu và Pháp luật nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của ông Nguyễn Liên tại thôn Trung An, xã Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) về việc UBND tỉnh Quảng Ngãi lấy đất của gia đình ông cấp cho Trường THCS Bình Thạnh khi không có quyết định thu hồi và mảnh đất này vẫn đang trong quá trình sử dụng.
Cụ thể, trong giai đoạn những năm 1972-1975, ở miền Nam Việt Nam, chế độ cũ thi hành chính sách chính sách “Người cày có ruộng”. Ngày 15/1/1972, gia đình ông Nguyễn Liên được hưởng chính sách “Người cày có ruộng” và được cấp Chứng thư quyền sở hữu thửa đất số 0742M, diện tích là 6.800m2, nay là thửa đất số 45, thuộc tờ bản đồ số 05 của xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Mảnh đất này, kể từ khi được cấp, gia đình ông vẫn sinh sống và trồng cây cho đến nay.
"Năm 1997, khi tỉnh Quảng Ngãi mở con đường Dốc Sỏi – Dung Quất đi qua thửa đất của tôi. Tôi đến UBND xã Bình Thạnh để kê khai nhận tiền đền bù thì lại không nhận được tiền”, ông Liên nói. Ông Liên cũng cho biết, đã nhiều lần xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất trên thì UBND xã không xác nhận.
Tuy nhiên, đến ngày 13/12/2000, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 6028/QĐ-UB về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Trường THCS xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Thế nhưng, “trong quyết định này lại có cả mảnh đất của tôi. Tỉnh lấy đất của tôi cấp cho trường khi không có thông báo hay có bất kỳ quyết định thu hồi nào”, ông Liên nói.
Đặc biệt, từ ngày 28/2/2013 đến ngày 08/03/2013, UBND xã Bình Thạnh liên tục 2 lần lập biên bản vi phạm hành chính đất đai đối với ông Nguyễn Liên về hành vi lấn chiếm đất của Trường THCS Bình Thạnh, trong đó có 12m2 để xây dựng công trình trái phép và diện tích hơn 2.000m2 để trồng cây.
Đến ngày 25/11/2013, UBND huyện Bình Sơn đã ra Quyết định số 2202/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng các biện pháp khác để thi hành quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt hành chính.
"Không đồng ý với việc UBND tỉnh lấy đất cấp cho Trường THCS Bình Thạnh và các biên bản quyết định xử phạt, tháo dỡ công trình xây dựng, cây trồng của tôi tại mảnh đất trên, tôi đã làm đơn khiếu nại".
Tuy nhiên, kể từ thời điểm làm đơn khiếu nại, trong đơn thư nêu rõ: UBND xã Bình Thạnh và UBND huyện Bình Sơn đã không tổ chức xác minh thông tin sự việc khách quan để giải quyết vụ việc hợp lý. Cả hai cấp chính quyền đã không đến tận người dân đang sinh sống tại khu vực này để xác minh.
Ông Đỗ Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh.
Để làm rõ về vấn đề này, phóng viên Thương hiệu và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Lập - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh và ông Lê Văn Súy - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã liên quan đến việc chia đất thời điểm đó.
Ông Đỗ Văn Lập cho rằng, sự việc này liên quan đến Chủ tịch xã thời kỳ trước. Hiện nay, Tòa án nhân dân huyện Bình Sơn đang thụ lý nội dung này. Cùng đó, Trường THCS Bình Thạnh là một tổ chức Nhà nước, vậy việc cấp đất sẽ được UBND tỉnh Quảng Ngãi và cơ quan thẩm quyền cấp và tại thời điểm đó, UBND huyện Bình Sơn cũng không có thẩm quyền cấp đất.
Khi được yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến sự việc của ông Nguyễn Liên, ông Lập cho rằng: “Nội dung sự việc của ông Nguyễn Liên không thuộc thẩm quyền của địa phương nên do đó, tôi cũng không cung cấp bất cứ nội dung nào liên quan đến vấn đề này”.
Ngoài ra, vị Chủ tịch xã Bình Thạnh cho rằng, do phóng viên đến đột xuất, không sắp xếp được nội dung để trả lời nên không trả lời được. Khi phóng viên đặt lịch làm việc, ông Lập lại cho rằng, do rất bận, công việc rất nhiều nên từ giờ đến hết tháng 8/2017, anh em ở các phòng ban không có thời gian tiếp phóng viên để trả lời những vấn đề đã được nêu ra.
Đặc biệt, ông Lê Văn Súy, nguyên là chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp cho biết, Chứng thư cấp quyền sở hữu – "Người cày có ruộng" không có hiệu lực đối với thời điểm đó vì do chính quyền cũ cấp.
Được biết, Trường THCS Bình Thạnh đi vào hoạt động năm 1978 và đã đăng ký kê khai trong hồ sơ địa chính 299/TTg, đóng tại địa điểm thôn Trung An, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn.
Ngày 15/8/2000, Trường THCS Bình Thạnh đã làm tờ trình số 04/TT-BGH gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi và UBND huyện Bình Sơn về việc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện 18.054m2 thuộc thửa đất số 45 và 279 tại tờ bản đồ số 05 xã Bình Thạnh.
Như vậy, sự việc của ông Nguyễn Liên đã được chính quyền xã Bình Thạnh đẩy lên cho UBND tỉnh xử lý. Tuy nhiên, “quả bóng trách nhiệm” cuối cùng sẽ thuộc về cơ quan nào và sự việc sẽ đi đến đâu vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp.
Trong bài viết kỳ sau, PV Thương hiệu và Pháp luật sẽ phản ánh những ý kiến, nhận định dưới góc nhìn của luật sư về vụ việc này.
Theo Nhóm PV/Thương hiệu và Pháp luật
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.