Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2022 | 16:19

Quảng Ngãi phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới

Đến nay, Quảng Ngãi có 93/148 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 120/148 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 81%), trong đó, 52/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (43,3%)…

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Phó chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Thị Xuân Hương cho biết: Với chủ trương tập trung phát triển sản xuất, ưu tiên phát triển sản phẩm hàng hóa, khuyến khích liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện đang từng bước thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nhân cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM. Quy hoạch phát triển sản xuất được xây dựng trên cơ sở xác định nhóm cây, con giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

 

z3615974565694_4b61d0dd3774f0ba34aa1616175f9c52.jpg
Quảng Ngãi xây dựng nhiều mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Vận động người dân từng bước chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và không chủ động nước tưới, chuyển đổi  hoa màu. Trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện chuyển đổi khoảng 3,5ha, trong đó trồng cỏ nuôi trâu, bò 2ha; rau, đậu các loại 0,6ha; chuối 0,5ha…

Song song đó, huyện chú trọng cải tạo vườn tạp, thực hiện trồng một số cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: mít Thái, bưởi da xanh, sầu riêng,… Xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án mô hình trình diễn trồng thâm canh và nhân rộng mô hình mỳ (sắn) giống mới niên vụ năm 2022, trên địa bàn 3 xã: Long Hiệp, Long Mai và Long Sơn, với tổng kinh phí thực hiện hơn 276 triệu đồng. Tiếp tục duy trì mô hình trồng cỏ chăn nuôi gia súc, mô hình nuôi gà thả vườn, theo dõi chăm sóc 16,8ha chè trồng năm 2019 và những năm sau đó.

Những năm qua, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng NTM đã đem lại hiệu quả to lớn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; quốc phòng – an ninh luôn được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều cuối năm 2021 là  8,24% (429 hộ/5.209 hộ), hộ cận nghèo 2,27% (118 hộ).

Ba Tơ là huyện miền núi nên phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND huyện Phạm Giang Nam, năm 2022, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 543,89 tỷ đồng, bằng 56,04% kế hoạch năm, tăng 8,93% so với cùng kỳ năm 2021.

UBND huyện Ba Tơ cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện các mô hình khuyến nông thuộc nguồn vốn ngân sách huyện năm 2022, điều chỉnh mô hình chăn nuôi bò thịt năng suất chất lượng cao bằng nguồn giống từ trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi sang hỗ trợ trâu đực giống cho vùng cao Ba Giang, kiểm tra mô hình thâm canh sắn bền vững quy mô 3 ha tại các xã: Ba Vì, Ba Tô, Ba Thành (giống kháng bệnh virus khảm lá); tiếp tục theo dõi tình hình thực hiện các mô hình từ năm 2018-2021.

Tiếp tục duy trì các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hướng đến đảm bảo sản phẩm đầu ra làm cơ sở liên kết với doanh nghiệp thu mua. Tiếp tục duy trì và phát triển các sản phẩm du lịch từ nghề truyền thống là dệt thổ cẩm tại thôn Làng Teng, xã Ba Thành…

Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị

Để hỗ trợ các mục tiêu phát triển sản xuất, năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, có 61 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

 

z3615974728688_650299ce7b0aed4f1d2be88877e22d83.jpg
Diện mạo vùng quê ở Bình Sơn nhiều khởi sắc sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM.

  

Hiện, Quảng Ngãi có 227 HTXNN, trong đó, có 05 HTX trồng trọt, 02 HTX chăn nuôi, 02 lâm nghiệp, 02 HTX diêm nghiệp, 11 HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản (04 nuôi trồng, 07 khai thác thuỷ sản) và 205 HTX tổng hợp. Trong 227 HTXNN có 219 HTX hoạt động và 08 HTX ngừng hoạt động. Số HTX thành lập mới trong năm 2022 là 13 HTX.

Về phát triển ngành nghề nông thôn, toàn tỉnh có 5.571 cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động có hiệu quả với 07 nhóm ngành nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó  có 107 doanh nghiệp; 33 HTX; 07 tổ hợp tác và 5.424 hộ gia đình; doanh thu hơn 962 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 8.800 lao động, thu nhập bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Đào tạo nghề cho lao động đã góp phần đáng kể trong nâng cao trình độ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chủ yếu đào tạo các nghề như: Trồng và khai thác rừng, trồng rau an toàn, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, chăn nuôi gia súc - gia cầm, kỹ thuật sơ chế bảo quản hoa màu, trồng nấm các loại và phòng chống dịch gia súc, gia cầm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết: Năm 2022, Quảng Ngãi tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình hỗ trợ phát triển HTX, kinh tế hợp tác để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển nông thôn theo hướng bền vững.

Xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp...

Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 120/148 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 81%), trong đó, 52/120 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (43,3%), 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (15,4%) và không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. Tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Trong năm 2022, phấn đấu 7/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (53,8%), trong đó có 01 huyện được công nhận là huyện NTM nâng cao (chiếm 20% trong tổng số huyện đạt chuẩn NTM). 138/229 thôn (60,2%) thuộc các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND tỉnh quy định.

 

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top