Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 10 năm 2014 | 2:28

Quảng Ninh: Có hay không sự cạnh tranh thiếu lành mạnh?

KTNT -  Là tỉnh lớn như Quảng Ninh nhưng lại sẵn sàng “ép” các đơn vị, cơ quan dùng dịch vụ trả lương qua tài khoản của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và đổi lại, ngân hàng này tiếp tục tài trợ hàng chục, thậm chí hứa hẹn cả trăm tỷ đồng. Điều này, khiến dư luận hoài nghi về Luật Cạnh tranh ở đây có bị “nắn cong” về đơn vị được “nuôi”?!.

Đổi tài trợ bằng “dịch vụ trả lương qua tài khoản”

Tháng 2/2012, một chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Quảng Ninh với Techcombank được khởi động. Theo đó, tỉnh này tạo điều kiện để Techcombank huy động các dòng tiền từ nguồn của tỉnh quản lý và các quỹ nhàn rỗi của tỉnh (trong đó có nguồn tiền lương của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh) để Techcombank sử dụng hiệu quả, trên cơ sở đó có các chương trình tài trợ lại cho tỉnh để lập các quy hoạch chiến lược và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai chủ trương trên, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Ninh quán triệt thực hiện việc trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều đơn vị chưa thực hiện.

Chính vì thế, tháng 7/2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành ký ban hành văn bản số 3945/UBND-TM3  yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành phố phải “tăng cường hợp tác” với  Techcombank.

Văn bản số 3945/UBND-TM3 đã dẫn yêu cầu Sở Tài chính phải: “Tham mưu cho UBND tỉnh để mở các tài khoản tại Techcombank, gửi các quỹ tài chính của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh…, tạo điều kiện cho Techcombank mở rộng hoạt động cung ứng dịch vụ và quản lý phát huy hiệu quả, giới thiệu các chủ đầu tư dự án, các doanh nghiệp thực hiện dự án trên địa bàn, khuyến khích vay vốn ngắn hạn, trung hạn tại Techcombank để đầu tư”.

Các sở, ban, ngành cũng phải: “chủ động đề xuất và triển khai các biện pháp thiết thực để làm phong phú thêm quan hệ hợp tác có hiệu quả với Techcombank; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để giúp Techcombank mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh”.


 Công văn "ưu ái" cho Tachcombank

Ngoài ra, văn bản còn nhấn mạnh: “đối với địa bàn nơi có Chi nhánh Techcombank, trong tháng 8/2013 xem xét, lựa chọn và sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua ngân hàng do hệ thống Chi nhánh, Phòng Giao dịch thuộc Techcombank cung cấp”.

Ngày 18/8/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành tiếp Văn bản số 4507/UBND-TM3 về việc sử dụng dịch vụ trả lương của Techcombank gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Móng Cái. Nội dung công văn nêu rõ: “Để đảm bảo chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với Ngân hàng Techcombank được triển khai hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phương (nơi Techcombank có mạng lưới) thụ hưởng ngân sách trong tỉnh triển khai ngay chủ trương trên để góp phần tập trung, huy động nguồn lực cho Techcombank để phát huy hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ lớn cho tỉnh trong năm 2014 và các năm tiếp theo”.
 
Kèm theo văn bản này còn có Phụ biểu, nêu rõ danh sách gần 100 đơn vị dự toán cấp tỉnh “chưa sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp”.

Ngày 9/9/2014, UBND TP. Hạ Long ra Văn bản số 3634/UBND “yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các phường thuộc TP. Hạ Long thực hiện sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp” và “báo cáo kết quả trước ngày 15/10/2014”. Văn bản này “điểm danh” 96 đơn vị “chưa sử dụng dịch vụ trả lương qua Techcombank”, trong đó có Văn phòng Thành ủy Hạ Long, 19/20 UBND các phường của Hạ Long, 21 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 19/20 trường THCS do các đơn vị này đã sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác như Ngân hàng TMCP Công Thương, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển, Ngân hàng TPCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân Đội hoặc…chi trả lương bằng tiền mặt.

Luật Cạnh tranh bị vô hiệu hoá?

Các doanh nghiệp khi tham gia vào nền kinh tế thị trường đều phải chấp nhận sự cạnh tranh và tuân thủ luật chơi một cách công khai, minh bạch nên chuyện “thiên vị” của tỉnh Quảng Ninh đối với Techcombank có thể được xem là thiếu “công bằng”. Bởi chính Văn bản số 4507/UBND-TM3 đã “giải thích” cho điều này khi chỉ đạo “yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp được chỉ định” trong khi dịch vụ trả lương qua tài khoản không phải là “hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước” hoặc “trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật”.

Hơn nữa, Văn bản số 3945/UBND-TM3 cũng “bật mí” rằng Techcombank đã “tài trợ toàn bộ kinh phí và giúp tỉnh làm việc với McKinsey tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham gia tài trợ kinh phí tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2012; đang chuẩn bị tài trợ kinh phí lập quy hoạch du lịch và nguồn nhân lực của tỉnh…”.

Văn bản số 4507/UBND-TM3 mô tả chi tiết cái “miếng bánh ngọt” mà Quảng Ninh đã nhận được: “Techcombank đã tài trợ cho Quảng Ninh 67 tỷ đồng năm 2012, 70 tỷ đồng năm 2013 và cam kết 100 tỷ đồng năm 2014”.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp đều phải chịu sự điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh – được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005 . Và khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực thì phải xem xét các văn bản nêu trên của tỉnh Quảng Ninh có phải là hành vi tiếp tay cho việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay không?!.

Về việc này,  Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Bách Gia luật, cho biết: “Việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành một loạt văn bản “ép” các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức phải sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản của Techcombank đã vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh - được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005”.

Theo Điều 6 của Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: “1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; 3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường; 4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục cung cấp thông tin đến bạn đọc./.
                                                                                                Nhất Nam – Đình Dũng


KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top