Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 8 năm 2020 | 15:14

Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp: Nhiều điểm sáng, nhưng “mảng tối” vẫn đậm

Sản xuất theo định hướng quy hoạch vùng là tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững. Việc phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến những hệ lụy mất cân đối cung - cầu, tình trạng “được mùa, rớt giá”...

Thực tế sản xuất nông nghiệp nước ta (cả trong trồng trọt, nuôi thủy sản và chăn nuôi) những năm qua cho thấy rõ điều đó.

Nơi nào tuân thủ quy hoạch của ngành chức năng, hiệu quả khá cao. Tuy vậy, cũng còn không ít “mảng tối”. 

1.jpg
Làm sạch, đóng gói nông sản Đà Lạt chuyển đi các địa phương.

 

Vai trò của quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp

Theo Wiktionary, quy hoạch là quá trình sắp xếp, bố trí các đối tượng quy hoạch vào một không gian nhất định nhằm đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra.

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3, Điều 3 Luật Đất đai 2013: Quy hoạch sử dụng đất là việc lên kế hoạch phân bổ, xác định kế hoạch sử dụng đất cho một vùng đất đai để sử dụng cho một mục đích nhất định chẳng hạn như để dùng cho mục tiêu bảo vệ quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường…; đồng thời có những thay đổi định hướng dùng quỹ đất phù hợp nhu cầu dùng đất của từng ngành, từng lĩnh vực ở từng địa phương.

Như vậy, quy hoạch đất nông nghiệp là việc khoanh bổ và phân vùng đất dùng để sản xuất, canh tác nông nghiệp (bao gồm cả chăn nuôi và trồng trọt) để nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường… trong một khoảng thời gian xác định

Theo đó, quy hoạch vùng cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu điều kiện xã hội là nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh; áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, ngư dân, diêm dân và người làm rừng. Như vậy, quy hoạch nông nghiệp còn là công cụ quản lý và định hướng sản xuất, chỉ đạo sản xuất của cơ quan chức năng.

“Gam màu sáng”

Căn cứ vào thế mạnh đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất, nhiều địa phương trên cả nước, đã đi trước một bước trong quy hoạch vùng sản xuất cây trồng, vật nuôi, kết hợp du lịch miệt vườn. Khép kín quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ. Mặt khác, đây cũng là tiền đề cơ bản để đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ hiện đại vào sản xuất và xây dựng chuỗi liên kết. Đặc biệt, cân đối được cung - cầu, tránh điệp khúc “được mùa, rớt giá”.

Điển hình là vùng sản xuất lớn tại Lâm Đồng. Nhìn lại 5 năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã đạt những thành tựu nổi bật về phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại và bền vững.

Với 300.000ha sản xuất nông nghiệp ổn định, Lâm Đồng chuyển đổi hoàn thành 10.000ha cây ăn quả, 5.000ha rau, hoa và tái canh 45.000ha cà phê. Trong đó, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát triển, hiện đạt 60.200ha, tăng 40% so với 5 năm trước, đồng thời chiếm 40% giá trị sản xuất toàn ngành. Đã có 7 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 1.300ha và 3.023 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp.

 

2.jpg
Chị Trần Thị Hương ở thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn - Bắc Giang) chăm sóc diện tích vải thiều đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Đồng Thúy

 

Đáng kể với 165 chuỗi liên kết, tiêu thụ ổn định hàng năm khoảng 850.000 tấn nông sản các loại, thu hút gần 16.600 nông hộ tham gia. Sản xuất rau được cấp chứng nhận tiêu chuẩn GAP trên 1.300ha; cà phê bền vững khoảng 80.000ha; hình thành 19 nhãn hiệu, chứng nhận địa lý.

“Việc tăng cường hợp tác với JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành đã tạo nên thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành trên một số nông sản chủ lực của tỉnh Lâm Đồng. Qua đó, nhân rộng các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, trung tâm giao dịch hoa, trung tâm sau thu hoạch, khu công nghiệp nông nghiệp…, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm trên thế giới…”, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng nhận định.

Một điểm sáng nữa có thể kể tới là huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), nơi có diện tích vải thiều lớn nhất nước, gần 15.300ha, trong đó có 11.000ha sản xuất theo quy trình VietGAP và 100ha GlobalGAP.

Thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã nổi tiếng trong và ngoài nước, nhờ chất lượng tốt, vị thơm, ngọt nổi trội. Năm 2020, thời tiết không thuận lợi, tỉ lệ vải ra hoa thấp, ước đạt 85.000 tấn lại thêm tác động từ dịch Covid – 19, nhưng thu hoạch đến đâu bán hết ngay đến đó, với giá khá cao. Tính đến cuối vụ, thu hoạch được 24.280 tấn vải, trong đó có 20.342 tấn chín sớm và gần 4.000 tấn chính vụ. Giá bán 12.000 - 35.000 đồng/kg.

Nhờ quy hoạch bài bản, nên huyện có 214 điểm cân vải thiều cố định tại trung tâm các xã, thị trấn, và hàng trăm điểm lưu động (xe cóc), giúp cho việc thu mua vải rất thuận lợi. Ngoài ra còn có 57 thương nhân Trung Quốc trực tiếp giám sát việc thu mua tại các điểm cân, để đưa về Trung Quốc.

Nhờ vậy, Lục Ngạn đã xuất khẩu được gần 14.000 tấn vải, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, còn có 25,5 tấn xuất sang Mỹ, Autralia, Canada; 9 tấn sang Singapore; 1,4 tấn đã cắt cuống sang Nhật Bản. Trên 300 tấn tách cùi, ép nước, đóng lon; trên 100  tấn vải sấy khô … Đặc biệt, việc thu hoạch và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn năm nay khá thuận lợi.

Một điểm sáng về quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp mới nổi là Sơn La, dự kiến tỉnh xuất khẩu 9 triệu USD nhãn trong năm 2020, từ một trái cây chỉ trồng tự phát, nay  tỉnh này đã có 70.000 tấn nhãn; trong đó, xuất khẩu 7.900 tấn. Sở dĩ được như vậy là nhờ quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng tiến bô kỹ thuật: hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Israel, dùng chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sản xuất VietGAP... Đặc biệt, thay vì sản xuất nhỏ lẻ, các nông hộ đã thành lập HTX để nâng cao sức cạnh tranh.

Hiện, Sơn La có 203 HTX, doanh nghiệp trồng nhãn chất lượng cao, với hơn 2.500ha. Trong đó, có 207,6ha được cấp 34 mã số vùng trồng xuất sang Mỹ, Australia; 2415ha được cấp 58 mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc. Không những được mùa, diện tích VietGAP, GlobalGAP, nhãn an toàn liên tục tăng.

Sơn La đã duy trì 144 chuỗi cung ứng an toàn, trong đó, chuỗi quả an toàn đạt 90 chuỗi, để đưa vào các siêu thị như: VinMart, BigC, Lotte, Hapro…; đồng thời, mở rộng thị trường đến các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An…

Để quảng bá, tiêu thụ nhãn, Sơn La tổ chức hội nghị trực tuyến giữa điểm cầu vùng trồng nhãn với hai điểm cầu tại tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) vào sáng 1/8. Đây là sự kiện thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước cũng như nước bạn Trung Quốc.

Ngoài nhãn tươi, Sơn La còn chú trọng chế biến, với 4 nhà máy đã có, tỉnh đang tiếp tục xây dựng 3 nhà máy nữa, để nâng cao giá trị sản phẩm.

Một gương mặt khác, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương “liên kết 4 nhà”, đó là xã Thanh Xuân (Sóc Sơn - Hà Nội).  Với mô hình rau hữu cơ 25ha và hơn 50 loại rau, củ theo mùa, cung cấp cho Hà Nội, bình quân 35 - 40 tấn/tháng, tổng sản lượng trên 400 tấn rau/ năm.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, cho biết, xã đã tích cực thực hiện chủ trương liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ tối đa cơ sở vật chất, tạo vùng quy hoạch cho bà con phát triển sản xuất tốt nhất. Vì vậy, mô hình rau hữu cơ Thanh Xuân ra đời rất sớm, từ năm 2008 – 2013. Khởi đầu chỉ có 14 thành viên, nay lên tới 161 thành viên, với 25 nhóm tự quản.

Nhờ liên kết 4 nhà chặt chẽ, đều tay, HTX rau hữu cơ Thanh Xuân đã có những bước tiến vượt bậc trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo thu nhập ổn định cho xã viên. Đây là nhóm tự quản, tự nguyện trồng rau quả sạch, với tổng diện tích 22ha rau, 10ha cây ăn quả và 17 hộ chăn nuôi. Hoạt động chính của HTX là sản xuất rau, củ, quả hữu cơ; sản xuất lúa, cây ăn quả và chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Theo bà Hoàng Thị Hậu, Giám đốc HTX Thanh Xuân, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, HTX đã phối hợp với các kỹ sư nông nghiệp, lên kế hoạch xuống giống, sản xuất theo đơn đặt hàng của các siêu thị, chuỗi cửa hàng. Ngoài ra, Thanh Xuân còn tổ chức hướng dẫn cho các thành viên sản xuất rau hữu cơ theo quy trình PGS. Đây là quy trình kiểm soát chất lượng rau quả rất nghiêm ngặt, có thể truy xuất nguồn gốc đến tận hộ sản xuất, và ngày giờ thu hoạch rau...

Được biết, đầu ra của HTX Thanh Xuân chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng, bếp ăn các trường học, doanh trại quân đội; chuỗi cửa hàng rau sạch như: Sói Biển, Bác Tôm, Eximax và một số cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, các vùng lân cận. Từ năm 2018 đến nay, thu nhập của các thành viên ổn định, bình quân 65 triệu đồng/năm.

Còn nhiều, rất nhiều địa phương làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, nhờ đó nông nghiệp phát triển, thu nhập và đời sống nông dân nâng cao, nông thôn mới ngày càng hiện hữu...

Mảng tối vẫn “đậm”

Bên cạnh những vùng sản xuất thành công, thì vẫn còn những “khoảng tối” của câu chuyện hình thành vùng sản xuất trong nông nghiệp hiện nay. Đó là thực trạng buồn của ngành trồng trọt Tây Nguyên, do chạy theo lợi nhuận, không tôn trọng quy luật cung - cầu, sản xuất tự phát “vô tội vạ”; hoặc, tăng diện tích ồ ạt, nhưng không đầu tư chất lượng, đã làm cho các mặt hàng nông sản “có giá” ngày càng mất dần vị thế trên thị trường và người dân đã vỡ nợ, điều tất yếu đã xảy ra.

 

3.jpg
Hồ tiêu xuống giá kỷ lục khoảng 10 năm trở lại đây.

 

Theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2025, diện tích hồ tiêu cả nước là 50.000ha. Khi giá hồ tiêu tăng cao, mặc dù đã được cảnh báo, song bà con bất chấp, chỉ trong vài năm, riêng Tây Nguyên đã có gần 93.000ha, đưa diện tích hồ tiêu cả nước lên 150.000ha, dẫn đến vỡ quy hoạch.

Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Gia Lai, cho biết, khi giá hồ tiêu tăng, các ngành chức năng liên tục khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích quá mức, phá vỡ quy hoạch. Song, không thể ngăn nổi, kể cả những vùng đất không phù hợp, bà con vẫn trồng. Kết quả là rất nhiều vườn hồ tiêu đã chết khô, nông dân mất trắng vốn, lâm vào cảnh nợ nần.

Mặt khác, những hộ có thu hoạch, thì do phá vỡ quy hoạch, cung vượt quá xa cầu, nên tiêu giảm từ 200.000 đồng/kg xuống còn 50.000 đồng/kg (bằng giá thành sản phẩm), thậm chí thấp hơn.

Tương tự, diện tích cà phê nước ta hiện có khoảng 720.000ha, riêng Tây Nguyên gần 630.000ha. Năm 2017, Việt Nam đã vượt Brazil và trở thành nước xuất khẩu cà phê có sản lượng lớn nhất thế giới. Song, giá cà phê nguyên liệu của ta cũng thấp nhất thế giới, bởi chất lượng thấp.  

Ngoài giá cả, chất lượng thấp, việc mở rộng diện tích cà phê tràn lan, còn có thêm hệ luỵ nữa là lãng phí nguồn nước, do cây cà phê có nhu cầu nước tưới cao, chiếm  25 - 30% tổng chi phí. Nhất là bà con còn tưới tràn bằng giếng đào, khiến cho mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt. 

Ông Trần Đình Tuấn (Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk), cho biết, ông chỉ tưới theo thói quen, đến bao giờ thấy đủ nước, đủ ẩm thì thôi chứ không đo được lượng nước là bao nhiêu. Bình quân, 1 cây cà phê cần 300 – 400 lít nước, nhưng bà con thường tưới 700 – 1.000 lít.

“Tôi đã nghiên cứu rất kỹ những phương thức tưới tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt, tưới ngầm... Song, chi phí đầu tư quá cao, khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha, trong khi giá cà phê lại trượt dốc, nên không thể đầu tư được”, ông Tuấn nói.

Những năm 2006, 2007, 2008…, giá mủ cao su tăng liên tục và đạt đỉnh điểm vào năm 2012 với mức 120 triệu đồng/tấn. Cây cao su khi ấy được xem là “vàng trắng”, người người trồng cao su, nhà nhà trồng cao su, phớt lờ tất cả cảnh báo của các nhà khoa học.

Diện tích cây cao su ở Tây Nguyên tăng lên nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch chỉ trong vài năm. Như một điều tất yếu, ngay sau đó, giá mủ cao su bắt đầu lao dốc, từ 120 triệu đồng/tấn xuống còn 90 triệu đồng, 60 triệu đồng và “ổn định” ở mức khoảng 30 triệu đồng nhiều năm nay. Cả nông dân và doanh nghiệp trồng cao su đều điêu đứng với mức giá mủ này.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, những năm qua, không chỉ cà phê, hồ tiêu mà hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam mới chỉ chú trọng tăng sản lượng, chưa chú trọng chất lượng, nên giá trị không cao. Mặt khác, do phá vỡ quy hoạch, diện tích và sản lượng tăng, làm mất cân bằng cung – cầu, khiến giá các mặt hàng nông sản giảm sâu, điển hình là cà phê và hồ tiêu.

Ngoài ra, cũng theo ông Thủy, dư lượng thuốc BVTV trong các sản phẩm của Việt Nam vẫn còn cao, nên càng khó xuất khẩu vào những thị trường bán được giá. Nông dân vẫn sử dụng nhiều thuốc BVTV; sản xuất không dựa trên nhu cầu thị trường, nên được mùa, rớt giá, là chuyện rất dễ hiểu.

Nguyên nhân và hệ lụy từ phá vỡ quy hoạch

Việc nông dân tự ý mở rộng diện tích cây trồng, vượt rào quy hoạch vừa qua gây ra nhiều hệ lụy. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Quy hoạch bị phá vỡ, diện tích nhân rộng ồ ạt, sản lượng tăng đột biến, hàng hoá ứ đọng, bị ép giá. Dẫn đến điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” tái diễn không có hồi kết. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc Nhà nước và nhiều cấp, ngành, tổ chức phải tiến hành “giải cứu” nông sản thời gian qua. 

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (nguyên là Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Diện tích hồ tiêu tăng vượt quy hoạch đề ra, dẫn đến rủi ro cao về đất trồng, nguồn nước, khí hậu; giống, kỹ thuật canh tác, trình độ quản lý. Mặt khác, chất lượng hồ tiêu cũng bất ổn… Đó chính là nguyên nhân một số hiệp hội gia vị châu Âu, Mỹ, Canada đã nhiều lần cảnh báo, và ngừng nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam...

Theo GS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hạn chế của các vùng chuyên canh hiện nay là sản xuất vẫn trên nền tảng manh mún, nhỏ lẻ; nông dân cứ có đất, có nguồn lực, thấy người khác làm hiệu quả là đầu tư trồng mà chưa nghĩ đến việc tham gia chuỗi liên kết. Giải bài toán khó này, cần có nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp về đầu tư, liên kết với nông dân cùng xây dựng vùng chuyên canh đúng nghĩa, đạt cả về chất lượng và sản lượng. 

4.jpg
Cả nước có khoảng 720.000ha càphê, riêng Tây Nguyên có 63.000ha.

 

Tóm lại, sản xuất tự phát chạy theo lợi nhuận, mở rộng diện tích ồ ạt, không tôn trọng quy luật cung – cầu của thị trường, sản xuất “vô tội vạ”, thúc đẩy sản lượng trên cơ sở mở rộng diện tích và tăng năng suất nhưng không chú trọng chất lượng; thêm nữa là do sản xuất nông nghiệp của ta nói chung vẫn trên nền tảng nhỏ lẻ, manh mún, quy mô hộ vẫn là chính nên nông dân cứ có đất, có nguồn lực, thấy người khác, vùng khác làm có hiệu quả là đầu tư. Một nguyên nhân không kém quan trọng là tư duy tiểu nông còn nặng nên người nông dân chưa nghĩ nhiều đến liên kết trong tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Bài học rút ra

Khi giá nông sản trượt dốc, trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, nông dân luôn là đối tượng gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Từ thực tế giá tiêu, giá cao su, cà phê như thời gian qua…, không ít người lâm vào cảnh nợ nần, các khoản đầu tư không có khả năng chi trả. Vỡ quy hoạch, vỡ thị trường thì cũng đồng nghĩa với việc người nông dẫn phải đối mặt với “vỡ nợ” ngay trên chính mảnh đất màu mỡ của mình.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Lộc Trời, cho rằng, liên kết chuỗi của chúng ta chưa tốt, chưa thực sự diễn ra. Vai trò điều tiết của Nhà nước chưa cao; chỉ doanh nghiệp mới có thể kết nối được sản xuất với thị trường và mới ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân.

Vì vậy, trong 4 nhà, thì nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học nên là 3 chủ thể, ở vị trí 3 đỉnh của 1 tam giác. Còn nhà nước ở giữa 3 đỉnh đó, đóng vai trò kiến tạo như Chính phủ vẫn nói, tức là vai trò tạo luật chơi, vai trò trọng tài và chế tài. 

Liên kết 4 nhà trong nông nghiệp là sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học. Dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của nhà nước, nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Đây được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Nhưng trên thực tế, sự phối hợp giữa 4 nhà của chúng ta còn lỏng lẻo, chưa thực sự như mong muốn; chưa có sự phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng “nhà” trong mối liên kết. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra thường xuyên, lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác, vụ này qua vụ khác, và chưa có hồi kết.

Và chỉ khi nào mối liên kết này bền chặt, có sự tương tác, hỗ trợ nhau từ sản xuất đến tiêu thụ mới có thể phát triển bền vững. Để giúp các HTX phát triển, cũng như đẩy mạnh thực hiện liên kết 4 nhà hiệu quả, thiết thực, Chính phủ cần có các chính sách cụ thể về đất đai, nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực và định hướng tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, cần sự nỗ lực của các bên tham gia chuỗi liên kết. Do đó, rất cần sự phân định rõ ràng vai trò, nhiệm vụ của từng “nhà” trong mối liên kết. Việc “phân vai” đồng nghĩa với việc phân chia nhiệm vụ, để phát huy tổng lực của các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Thực tế, việc định hướng quy hoạch vùng sản xuất do Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra, có ý nghĩa rất quan trọng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Quy hoạch các loại cây trồng như thế nào, đã được Bộ tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở tài nguyên đất, nguồn nước, khí hậu. Đặc biệt, quy hoạch có xem xét đến từng vùng, từng sản phẩm, cũng như thực trạng, nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới. Sau đó đưa ra bài toán về diện tích, sản lượng; các giải pháp kỹ thuật, lộ trình triển khai.  Việc phá vỡ quy hoạch, tự phát mở rộng diện tích sản xuất, sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế, làm suy kiệt tài nguyên đất, nước và tiềm năng xuất khẩu một số nông sản chiến lược.

Đôi điều kiến nghị

Cần có quy định chặt chẽ với chế tài đủ mạnh và xử lý kiên quyết để người sản xuất không dám phá vỡ quy hoạch. Đồng thời xây dựng cơ chế phù hợp, với sự hỗ trợ đủ mạnh cả về hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gắn với quy định trách nhiệm rõ ràng với từng đối tượng trong chuỗi liên kết.

Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát quy hoạch để kịp thời điều chỉnh quy hoạch theo quy mô, cơ cấu sản xuất cho phù hợp với biến đổi khí hậu, nhu cầu thị trường,... Và sớm tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản, xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý...


 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top