Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 6 năm 2017 | 11:18

Để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL: Cần giải pháp canh tác hợp lý

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong ba đồng bằng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH). Thực tế này đòi hỏi ngành chức năng và nông dân phải có giải pháp canh tác mới, sao cho giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với tình hình mới.

Thu hoạch dưa hấu ở vùng chuyển đổi.

Không còn là nguy cơ

Giờ đây, những tác động của BĐKH đã ngày càng hiện hữu ở ĐBSCL: mặn thường xuất hiện sớm hơn so với trước đây 1-1,5 tháng (trước đây từ tháng 2, nay cuối tháng 12, đầu tháng 1 mặn đã xuất hiện) và có thể kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn do các hồ thượng nguồn tích nước sớm. Năm 2016, lần đầu tiên, hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL công bố thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn khi độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ năm 2015 cao hơn từ 2,2 - 5,4g/l; chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với nồng độ 4g/l khoảng 65 - 75km, so với cùng kỳ năm 2015 sâu hơn từ  9 - 17km.

Theo ThS.Lê Thanh Tùng, phụ trách Văn phòng phía Nam Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT),  xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 50.000ha cây ăn trái chủ lực (xoài, nhãn, sầu riêng, cam, bưởi) trồng tập trung tại các tỉnh của vùng phù sa ngọt Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long; tác động đến 200.000ha canh tác lúa trong hệ thống canh tác lúa tôm của các tỉnh ven biển (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).

Khô hạn có thể ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống của khoảng 300.000ha lúa hè thu xuống giống theo nước trời ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An; gây khô hạn cục bộ cho 500.000ha xuống giống lúa hè thu trong tháng 4 hàng năm.

Lũ sông Mê Kông ảnh hưởng đến 600.000ha lúa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, một phần Cần Thơ; tác động trực tiếp đến sản xuất vụ thu đông và thời vụ sản xuất vụ đông xuân hàng năm trong toàn vùng; có thể gây ngập úng cho khoảng 30.000 ha cây ăn trái tại các tỉnh: Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang.

Các mô hình thích ứng của khuyến nông

Những năm qua, hệ thống khuyến nông cả nước nói chung và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói riêng đã có nhiều chương trình, dự án  nhằm triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH. Điển hình như dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại các vùng trồng lúa chủ yếu”. Dự án được triển khai từ năm 2013 - 2015, trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố, trong đó, vùng ĐBSCL được triển khai tại 6 tỉnh, thành: Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Mô hình đã giúp nông dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất cũ, thay đổi giống lúa mới chất lượng cao, ứng dụng giảm mật độ gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng, sạ thưa; cân đối sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết và sử dụng theo nguyên tắc được khuyến cáo.

Dự án “Sản xuất thanh long bền vững, an toàn dịch bệnh” được triển khai từ năm 2014 – 2016, trên địa bàn 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An và Bình Thuận với mục tiêu xây dựng mô hình quản lý cây trồng tổng hợp trên cây thanh long nhằm phát triển sản xuất thanh long theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất thanh long. Qua 3 năm triển khai thực hiện, thanh long sinh trưởng, phát triển tốt, đã khống chế được bệnh đốm nâu (bệnh đốm nâu trong mô hình chỉ còn từ 3-7%, ngoài mô hình 30-40%).

Dự án “Áp dụng 3 giảm, 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” được triển khai từ năm 2014 - 2016, trên địa bản 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Dự án đã hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng tiên tiến, giảm sâu bệnh, giảm ngộ độc hữu cơ, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa.

Do mô hình áp dụng có hiệu quả nên sau khi các địa điểm mô hình kết thúc, nông dân vẫn duy trì và áp dụng “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất lúa. Các xã xung quanh vùng dự án đã mở rộng được 47.630ha áp dụng lượng giống gieo sạ 100 kg/ha (gấp 18 lần so với quy mô dự án), trong đó lớn nhất là Cần Thơ 17.000ha, An Giang 12.000ha. Ngoài ra, nông dân các tỉnh đã giảm lượng giống từ 180 kg/ha xuống 150 kg/ha và từ 150 kg/ha xuống 120 kg/ha đạt trên 107.000 ha.

Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung Bộ” được triển khai từ năm 2016 – 2018, trên địa bàn 11 tỉnh, trong đó có 9 tỉnh vùng ĐBSCL, gồm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Kết quả thực hiện năm đầu tiên 2016 cho thấy, hiệu quả kinh tế ruộng mô hình cao hơn ngoài mô hình từ 3 - 6,5 triệu đồng/ha.

Bước đầu nông dân nắm được giải pháp kỹ thuật cần thiết để thực hiện thành công trong giảm giống và chi phí khác. Việc giảm lượng hạt giống gieo sạ cũng là cơ sở, tiền đề giảm những chi phí khác không cần thiết.

Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý

Theo ông Tùng, việc bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thích ứng với BĐKH. Theo đó, vụ đông xuân nên xuống giống sớm. Từ ngày 10 - 30/10 dương lịch, diện tích  khoảng 420.000ha (đạt khoảng 27% diện tích vụ đồng xuân), trong đó tiểu vùng ven biển khoảng 193.000ha, tiểu vùng Đồng Tháp Mười khoảng 130.000ha; còn lại Tứ giác Long Xuyên; Tây Sông Hậu và phù sa ngọt cặp sông Tiền, sông Hậu 97.000ha.

Vụ hè thu, xuống giống đến 15/5 diện tích khoảng 1 triệu hecta, tập trung ở vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (Bắc Quốc lộ I Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười ( Long An, Đồng Tháp, An Giang), một phần Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang và An Giang), Cần Thơ, Hậu Giang…

Đến cuối tháng 5, xuống giống tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ I cách biển 50-60km thuộc các tỉnh: Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh (Cầu Kè, Càng Long), diện tích khoảng 150.000ha. Khi có mưa, khoảng nửa đầu tháng 6 dương lịch sẽ xuống giống  khoảng 500.000ha tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 50km thuộc các tỉnh Long An (phía Nam), Tiền Giang (phía Đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú) , Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên) và Cà Mau.

Vụ thu đông: Thời vụ xuống giống trong cơ cấu 3 vụ sẽ bắt đầu vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 với vùng xuống giống hè thu, trong tháng 4 thuộc phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười  và một phần Tứ giác Long Xuyên diện tích khoảng 550.000ha, thời vụ xuống giống vụ thu đông  trong cơ cấu 3 vụ tại vùng ven biển khoảng 350.000ha.

Giãn vụ là giải pháp khả thi với nhiều vùng sản xuất lúa vì vẫn giữ nguyên cơ cấu 3 vụ lúa trong năm. Theo đó, vùng ven biển chuyển từ cơ cấu hè thu - thu đông - đông xuân sang cơ cấu hè thu sớm - thu đông - đông xuân sớm.

Chuyển đổi sang cây trồng khác cũng là giải pháp được nhiều địa phương áp dụng. Theo đó, vùng 3 lúa đông xuân - hè thu - thu đông sang cơ cấu lúa đông xuân sớm - màu xuân hè -  lúa thu đông cho vùng phù sa ngọt; lúa đông xuân - màu hè thu - lúa thu đông hoặc lúa đông xuân - màu hè thu - màu thu đông cho vùng ven biển; lúa đông xuân - màu hè thu - lúa thu đông cho vùng ngập lũ. Một số loại cây có thể có ưu thế về năng suất và thích hợp cho các cơ cấu mùa vụ chuyển đổi thích ứng BĐKH như: bắp, mè, đậu nành, đậu phộng,... Các địa phương cần tiếp tục xây dựng các chương trình chuyển đổi mùa vụ kết hợp với chuyển đổi cây trồng theo tín hiệu thị trường.

Khả năng chống chịu mặn của cây ăn quả thay đổi tùy theo giống cây trồng và hàm lượng muối hòa tan trong nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm phân nhóm khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn quả như sau:  Nhóm cây mẫn cảm với mặn (chịu được nồng độ mặn 0,5‰ - <1‰): bơ, chuối, khế, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt. Nhóm cây chịu mặn trung bình (chống chịu được nồng độ mặn 1 - 2‰): sơri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa. Nhóm cây chống chịu khá với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 3‰ - 4‰): mít, xoài, mãng cầu xiêm, na. Nhóm cây chống chịu tốt với mặn (chống chịu được nồng độ mặn 5‰ - 6‰):  dừa, sapô, me, nho,...  Trên cơ sở này, các địa phương khuyến cáo nông dân áp dụng cơ cấu cho phù hợp.

Theo TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đã có nhiều giải pháp về canh tác cây trồng ứng phó với BĐKH được đưa ra, song tùy vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để lựa chọn giải pháp khả thi nhất, hiệu quả nhất và có lộ trình áp dụng đồng bộ các giải pháp để hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của BĐKH gây ra. “Ngoài ra, cần quy hoạch vùng sản xuất thích hợp cho từng loại cây trồng, chọn giống chống chịu tốt, áp dụng kỹ thuật canh tác mới theo hướng tiết kiệm chi phí, cải tạo hệ thống công trình thủy lợi. Để cây trồng né tránh tác hại xấu của BĐKH, cần chuyển đổi thời vụ gieo trồng, chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp hơn, chuyển sang kết hợp nuôi trồng thủy sản… Hệ thống khuyến nông cần tiếp tục tư vấn hướng dẫn nông dân canh tác cây trồng hiệu quả, tuyên truyền khuyến cáo các mô hình sản xuất tốt để lan tỏa ra sản xuất đại trà”, ông Khởi nhấn mạnh.

Phương Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top