Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 4 năm 2017 | 12:0

Rừng Cúc Phương “chảy máu”!

KTNT - Mặc dù cán bộ kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, bảo vệ nhưng việc phá rừng và khai thác lâm sản trái phép vẫn diễn ra tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Vườn Quốc gia Cúc  Phương là khu rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh nằm trên địa giới hành chính của 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, có diện tích hơn 22.408ha. Nơi đây có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng mang đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới. Tuy nhiên, khu vườn này đang bị xâm hại, các loài sinh vật quý hiếm bị đe dọa và có nguy cơ biến mất hoàn toàn.

Tại khu vực thuộc thôn Thành Chung, xã Thành Yên (Thạch Thành - Thanh Hóa), những cây cổ thụ hàng nghìn năm tuổi trong khu vực của vườn quốc gia đang bị lâm tặc ngày đêm đốn hạ  không thương tiếc, mà vẫn không một  cơ quan chức năng nào lên tiếng.

Trong những năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư kinh phí và nhân lực tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của vườn quốc gia nhưng kết quả thu lại là, những cây cổ thụ đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc, trong khi lực lượng kiểm lâm của vườn bất lực trong việc quản lý bảo vệ rừng!?  

Có mặt tại xã Thành Yên, phóng viên đã theo chân người dân nơi đây vào khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương, được dịp “mục sở thị” cảnh tượng lâm tặc xẻ thịt những cây cổ thụ trong rừng cấm. Và chúng tôi mới hiểu rõ hơn phần nào thực trạng của việc khai thác gỗ trái phép, nhiều loại cây gỗ quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Con đường nhỏ độc đạo với những bụi lau sậy bị gãy úa là lối đi duy nhất đưa chúng tôi vào những nơi lâm tặc đang hạ sát hàng trăm mét khối gỗ các loại, nơi cái chết của rừng già đang hiện hữu nơi miền sơn cước.

Hình ảnh tang thương hiện hữu với những cây cổ thụ bị triệt hạ, nhiều cây có đường kính đến 2m, chiều dài thân cây 30m nằm trong địa giới hành chính thuộc khu vực rừng cấm được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Cúc Phương. 

Không tin vào mắt mình khi nhìn thấy một đại công trường đang khai thác một cách rầm rộ, với những cây gỗ mới có, cũ có đã bị đốn hẹ, tôi sờ nhẹ lên lớp vỏ thân cây thì một người dân nơi đây cho biết: Đấy là cây mài lái, cây này thuộc nhóm II, cũng là loại được bảo vệ rất nghiêm ngặt nhưng giờ nó đã tan hoang sau những lưỡi cưa oan nghiệt mà trước đó sự sống đang đâm chồi nảy lộc trên những cành non mới nhú trong khu rừng cấm.

Theo quan sát, cây mài lái vừa bị đốn hạ được lâm tặc xẻ ra với những đống mùn dày đặc, một cây cũng được khoảng 20 - 30m3 gỗ, giá mỗi khối gỗ lên đến hàng chục triệu đồng. Chỉ hơn 1 giờ đi bộ trong khu rừng cấm, tôi được chứng kiến hàng chục cây cổ thụ nằm la liệt trong khu rừng hàng ngàn năm tuổi.

Cũng theo người dân bản địa, để vận chuyển được một cây mài lái như vậy ra ngoài cửa rừng không hề đơn giản, vì xung quanh khu vực Vườn Quốc gia Cúc Phương đều có các trạm kiểm lâm bảo vệ. Vậy mà không hiểu sao gỗ vẫn được đưa trót lọt ra khỏi rừng?.

Những cây cổ thụ mới bị đốn hạ.

Để chuyến đi không bị gián đoạn, anh bạn dẫn đường dắt tôi vào một lùm cây nghỉ ngơi, định hướng lại lối đi. Đường trong rừng cấm không dài, nhưng vắt vẻo qua nhiều khe suối, những mỏm đá sắc nhọn.

Sau khi “mục sở thị” tình trạng khai thác gỗ trái phép tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, chúng tôi tìm đến ngành chức năng với hy vọng sẽ nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, ông Trần Đăng Chung, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 3 thuộc Hạt Kiểm lâm Cúc Phương, cho rằng: “Trên địa bàn được giao quản lý, trạm đảm bảo khá tốt vấn đề an ninh rừng. Tuy có bị khai thác trộm nhưng chỉ 1-2 cây không đáng kể, chúng tôi đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành xử lý”.

Thực tế, việc lâm tặc đưa gỗ ra ngoài rừng trở thành chuyện “thường ngày ở huyện”, hàng chục cây cổ thụ vẫn bị đốn hạ hàng ngày nhưng người phụ trách lại cho rằng chỉ có 1 - 2 cây bị chặt hạ. Có hay không việc chính quyền địa phương, ngành chức năng làm ngơ hoặc tiếp tay cho sai phạm?

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.                                                          

Xuân Sơn

 

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top