Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 8 tháng 10 năm 2017 | 7:30

Rừng Sơn Động bị “xẻ thịt”

Trong khi Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, nghiêm cấm phá rừng lấy đất thì tại huyện Sơn Động (Bắc Giang), gần 20ha rừng tự nhiên bị tàn phá không thương tiếc. Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, trong mùa trồng rừng tới đây, nếu không kiểm soát tốt, tình trạng phá rừng có thể tiếp tục gia tăng.

Chỉ mấy ngày đầu tháng 9/2017, tại huyện Sơn Động, gần 2ha rừng tự nhiên tại thôn Thác (An Lạc) bị phá không thương tiếc.

Khai thác rừng trái phép, kiểm lâm không hay biết?

Theo phản ánh, tình trạng phá rừng quy mô lớn, khai thác rừng trái phép đang có dấu hiệu gia tăng tại huyện Sơn Động. Có hiện tượng, khi bị phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng vẫn tiếp tục phá rộng ra diện tích xung quanh.

Có mặt tại thôn Thác (xã An Lạc), hiện lên trước mắt phóng viên là một quả đồi rộng lớn với nhiều cây có đường kính từ 50-70cm đã bị chặt hạ, diện tích bị phá ước khoảng 2ha. Hiện, toàn bộ số gỗ bị chặt hạ đang nằm tại chỗ, chưa vận chuyển ra bên ngoài tiêu thụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại vị trí nói trên, ngày 18/9/2017, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động đã ban hành hai quyết định xử phạt hành chính với ông Hoàng Xuân Viên, ở thôn Thác, xã An Lạc do đã phá rừng trái pháp luật với diện tích 7.800m2; ông Hoàng Văn Lợi, cùng ở thôn Thác đã phá 9.900m2; loại rừng bị phá là rừng sản xuất, trạng thái rừng Ic. Mỗi đối tượng bị phạt hành chính 11 triệu đồng, đồng thời buộc trồng lại rừng bằng cây bản địa.

Như vậy, chỉ trong mấy ngày đầu tháng 9/2017, tại thôn Thác, gần 2ha rừng tự nhiên đã bị chặt phá trái pháp luật nhưng trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể vẫn chưa được làm rõ.

Nhiều cây có đường kính từ 50 - 70cm bị triệt hạ.

Tại thôn Rõng (An Lạc), tình trạng khai thác rừng trái phép cũng đang diễn ra với quy mô lớn. Sau khi đi thực địa, phóng viên đã cùng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động lên kiểm tra hiện trường. Theo biên bản kiểm tra ngày 27/9/2017 của Hạt Kiểm lâm, vị trí rừng bị khai thác trái phép là rừng phòng hộ, tại khoảnh 61, xã An Lạc, do Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động quản lý, với tổng 53 khúc gỗ dẻ thuộc nhóm V, khối lượng 2,109m3.

Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Nguyễn Văn Hiệu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động cho biết: “Vụ khai thác rừng này rất mới, hôm nay anh em lên mới phát hiện. Nếu không có báo phản ánh thì chúng tôi không biết”.

Ông Hiệu nhấn mạnh, để xảy ra tình trạng khai thác rừng phòng hộ trái phép, trách nhiệm chính thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động. Tới đây, Hạt sẽ phối hợp với Ban đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép. Đồng thời, báo cáo UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm để xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử lý.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động, trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép thuộc về lãnh đạo ban và Trạm trưởng Trạm bảo vệ và phát triển rừng. Tới đây, ban sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể.

Ngày 18/9/2017, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 đối tượng phá rừng.

Phá rừng để trồng rừng?!

Tính đến ngày 30/5/2017, trên địa bàn huyện Sơn Động xảy ra 31 vụ phá rừng, với diện tích 17,334ha; khai thác gỗ 5 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản 23 vụ, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm trước, khối lượng gỗ vi phạm tăng 14,587m3.

Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động nhận định, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép… cho thấy trách nhiệm của một số cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa cao, công tác tham mưu cho chính quyền thực hiện quản lý Nhà nước về rừng còn hạn chế. Lợi ích từ việc trồng rừng kinh tế cao, trong khi thu nhập từ rừng tự nhiên thấp, thậm chí không có dẫn tới việc phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế…

Tại khoảnh 61, xã An Lạc, rừng phòng hộ ngang nhiên bị khai thác trái phép. Qua kiểm đếm có tới 53 khúc gỗ giẻ thuộc nhóm V, đã bóc vỏ, với tổng khối lượng 2,109 m3 đang tập kết chuẩn bị đưa ra bên ngoài.

Liên quan tới vụ khai thác rừng trái phép, với khối lượng 2,109m3 gỗ nhóm V tại thôn Rõng (xã An Lạc), ông Hà Minh Quý, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết: “Sáng 28/9, tôi mới nhận được báo cáo, Chi cục sẽ chỉ đạo Hạt Kiểm lâm làm việc với chủ rừng cùng đấu tranh với các đối tượng khai thác gỗ trái phép, xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm chính thuộc về Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động, sau đó đến kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương cấp xã. Chi cục sẽ báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Ban quản lý xem xét mức độ vi phạm của cán bộ bảo vệ rừng, lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Động, từ đó có hướng xử lý đúng người, đúng việc”.

Liên quan tới gần 20ha rừng bị phá trong 5 tháng đầu năm 2017 tại huyện Sơn Động, ông Quý cho biết, Sơn Động là huyện có diện tích rừng bị phá lớn nhất tỉnh. Những tháng đầu năm 2017, thực trạng các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân phá rừng tự nhiên nghèo kiệt diễn ra khá phức tạp. “Mùa trồng rừng 2018, nếu không kiểm soát tốt sẽ tiếp tục tái diễn tình trạng phá rừng, đây là vấn đề chúng tôi lo lắng nhất”, ông Quý cho biết.

Sau khi nhận được thông tin của phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, Hạt Kiểm lâm đã vào kiểm tra thực tế, ghi nhận hiện trường.

Về nguyên nhân, theo ông Quý, do hiệu quả từ trồng rừng kinh tế mang lại hiệu quả cao, gây nên áp lực về đất trồng rừng. Rừng tự nhiên nghèo kiệt quy hoạch là rừng sản xuất đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân để quản lý nhưng không cho thu nhập, thực tế tiền khoán chỉ 200.000 đồng/ha/năm, do đó các hộ không quan tâm đến bảo vệ rừng. Chế tài xử lý chủ rừng không có, nếu không bắt được quả tang phá rừng, không thừa nhận phá rừng thì không thể xử lý chủ rừng. Đời sống kinh tế khó khăn, nhu cầu về đất sản xuất lớn, từ sức ép đó nên họ cố tình phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.

Nhiều cây gỗ bị lâm tặc cưa đổ, chưa kịp sơ chế để đưa ra bên ngoài.

Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã khởi tố hình sự 25 vụ nhưng người dân vẫn lén lút phá rừng để trồng rừng.

Ông Quý phân tích, kẽ hở chính sách quy định chưa được chặt chẽ. Theo Nghị định 157, khi phá rừng buộc người phá phải trồng lại rừng, nhưng đất trồng cây khắc phục hậu quả là đất của dân, cho nên rừng sau khi trồng vẫn là rừng của họ, vậy lại đúng với mục đích của người dân là phá rừng để trồng rừng. Do vậy, đang có hiện tượng người dân cố tình phá rừng để trồng rừng. Bảo vệ rừng cũng là dân, phá rừng cũng là dân, hộ nào phá của nhà đó.

Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động báo cáo về vụ khai thác rừng trái phép rừng phòng hộ tại khoảnh 61, xã An Lạc đến các cơ quan chức năng.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, có tới gần 20ha rừng tự nhiên bị phá là một cảnh báo cấp bách. Đặc biệt, tại huyện Sơn Động đang có hiện tượng một số người dân phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới diện tích rừng bị phá ngày một lớn.

Trước thực trạng trên, nếu chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân thì chắc chắn rừng sẽ tiếp tục bị thảm sát.

Hoàng Văn

 

Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top