Các khu rừng thuộc tỉnh Lạng Sơn được ví như “lá phổi xanh” của vùng Đông Bắc. Thế nhưng, thời gian gần đây, các cánh rừng với nhiều loại gỗ quý, đặc biệt là rừng nghiến đặc dụng ở xã Hữu Liên (Hữu Lũng - Lạng Sơn) đang bị tàn phá nghiêm trọng.Kỳ II: Phú Quốc, rừng phòng hộ bị “xẻ thịt”Những con đường gỗ lậu
Một ngày mưa tầm tã, từ trung tâm thị trấn Mẹt (Hữu Lũng) chúng tôi xuôi Tỉnh lộ 244 hướng Võ Nhai (Thái Nguyên) để vào rừng. Trên đường đi thỉnh thoảng lại gặp từng tốp 3-4 chiếc xe máy chở theo hàng chục thanh gỗ được xẻ vuông vắn hay những chiếc thớt chất cao quá đầu. Anh bạn đi cùng tặc lưỡi: “Toàn là nghiến đấy!”. Chúng tôi dừng chân tại một quán nước ven đường, chốc lát lại có một xe chở gỗ lậu phóng vù qua. “Gỗ đâu ra lắm thế nhỉ?”, chúng tôi thắc mắc, chủ quán thở dài: “Gỗ từ rừng đặc dụng Hữu Liên chứ đâu, ngày nào tôi cũng thấy 30 - 40 chuyến xe máy chở qua đây, còn ban đêm thì tiếng xe máy ầm ầm, bao nhiêu chuyến tôi cũng chịu”.
Mỗi ngày có hàng chục mét khối gỗ lậu được lâm tặc vận chuyển theo đường mòn. Để đối phó với lực lượng kiểm lâm, lâm tặc có thể chạy qua đèo Cà hay ngược sang huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) để thoát hoặc qua đèo Bén ra Quốc lộ 1A cũ.
Gặp một người dân tên Hùng, ở xã Quyết Thắng đang dùng cưa máy cắt từng khúc nghiến nhỏ, chúng tôi tỏ ý muốn mua ít gỗ về làm lan can nhà, ngay lập tức anh ta cười xuề xòa giới thiệu: “Các chú muốn mua gỗ cứ vào cửa Lân Quang (Yên Bình) mà mua, ở đó bao nhiêu họ cũng đáp ứng được”.
Lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu trên đường. |
Sau 30 phút chạy xe máy trên con đường cấp phối uốn lượn dưới chân núi đá, chúng tôi đến cửa Lân lúc 9 giờ sáng. Chợ Lân (chợ tự phát phục vụ lương thực cho người dân đi vác gỗ thuê) vẫn đông đúc người mua; dưới những lán trại được dựng tạm bợ là hàng trăm chiếc xe máy, xe đạp được xếp thành hàng, tìm hiểu mới biết đó là xe của người đi vác gỗ thuê.
Chúng tôi đang ngẩn ngơ trước cảnh náo nhiệt đó thì một người đàn ông tên Lương Văn Q. lại gần và hỏi: “Các chú muốn mua gỗ hả, mua gỗ làm vật dụng gì?”, tôi đáp mua về làm con song, con tiện, nhưng tìm khó quá. ông Q. chỉ tay về phía cánh rừng xa xa và nói: “Các chú lần đầu tiên tới đây không biết thôi, chiều nào gỗ từ trong rừng cũng kéo ra nườm nượp”.
Gian nan cuộc chiến giữ rừng
Lợi nhuận cao nên tình trạng phá rừng trái phép ở đây đang trở nên nóng bỏng, thủ đoạn phá rừng của bọn lâm tặc ngày càng tinh vi. Trước đây, chúng khai thác gỗ bằng cách dùng cưa tay thì nay với sự hỗ trợ của cưa máy, chỉ cần vài giờ là xẻ được một lượng gỗ đủ cho hàng chục người vác, theo đó là 3-4 cây cổ thụ bị triệt hạ.
Thủ đoạn khai thác, vận chuyển của lâm tặc ngày càng tinh vi khiến “cuộc chiến” giữ rừng của kiểm lâm ngày một khó khăn. Hiện lâm tặc đã chuyển hẳn sang dùng cưa máy, mà giới buôn gỗ vẫn gọi là những “cỗ máy ăn rừng” để khai thác gỗ lậu. Loại cưa này mua rất dễ dàng tại các chợ trong thành phố Lạng Sơn.
Những chiếc thớt và thanh gỗ đang chờ được vận chuyển. |
Được biết giá gỗ nghiến bán tại rừng là 5 triệu đồng/m3 nhưng khi mang sang Trung Quốc hoặc về xuôi tiêu thụ, giá có thể gấp ba, bốn lần. Thớt gỗ nghiến đường kính chưa đến 40cm, cao khoảng 30cm, giá 250.000 - 300.000 đồng/thớt (tại rừng), nhưng khi ra thị trường, giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng hoặc hơn.
Gỗ rừng sau khi mua xong, được xếp lên xe máy, xe đạp. Để che mắt lực lượng chức năng, lâm tặc cho những thanh gỗ, thớt nghiến vào bao tải, vỏ chăn màn hay thùng đựng tivi, với thủ đoạn đó chúng đi lại khá dễ dàng.
Nhưng điều khiến chúng tôi băn khoăn nhất là để chở được gỗ xuống thị trấn Mẹt hay sang Bắc Giang, lâm tặc đều phải đi qua trạm kiểm soát lâm sản Đồng Hoan được đặt trên địa bàn xã Minh Tiến (Hữu Lũng) ngay sát Tỉnh lộ 244. Vậy mà mỗi ngày vẫn có hàng chục chuyến xe chở gỗ lậu đi qua.
Thiết nghĩ chính quyền các cấp và lực lượng kiểm lâm cần mạnh tay hơn nữa trong việc truy bắt và xử lý các đối tượng vi phạm. Ban Quản lý rừng đặc dụng, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, tuần rừng; vận động người dân nhận khoán bảo vệ rừng; ký cam kết, không tham gia vận chuyển lâm sản trái phép.
Rời xứ Lạng, trên đường về, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những chiếc xe máy chở gỗ lậu phóng vượt qua. Nghe văng vẳng bên tai tiếng máy cưa gỗ như tiếng kêu cứu của rừng. Rừng không còn nghĩa là cuộc sống của chúng ta bị đe dọa. Vậy nhưng ở nhiều nơi, rừng vẫn bị tàn phá từng ngày.
Bài IV: Trồng rừng phòng hộ, bước đi bền vững
Văn Hoàng-Vũ Quang
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.