Theo Kết luận Thanh tra số 52/KL-BNN-TTr ngày 27/6/2017 về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tại Tổng công ty Lương thực miền Nam của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đơn vị này đã vi phạm hàng loạt sai phạm trong quản lý tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của nhà nước.
Xử lý thanh tra cho có
Theo kết luận này, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã ban hành Kế hoạch số 3933/TCT-VP ngày 30/11/2015 thực hiện Kết luận thanh tra số 2734/KL-TTCP ngày 25/9/2015 của Thanh tra Chính phủ, nhưng không xác định rõ lộ trình, thời gian, phương pháp tiến hành thực hiện các nội dung được nêu trong kết luận thanh tra; kế hoạch không gửi đến Thanh tra Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Vinafood 2 chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thương nhân đầu mối trong xuất khẩu gạo.
Vinafood 2 không thực hiện đúng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thành viên Tổng công ty; mới chỉ xem xét xử lý trách nhiệm đối với Tổng giám đốc (Giám đốc) các công ty cổ phần, không xem xét xử lý người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; không kiểm tra, đôn đốc việc xem xét xử lý cá nhân, tập thể của các đơn vị theo phân cấp đã có khuyết điểm, tồn tại theo Kết luận thanh tra.
Việc thực hiện xử lý sau thanh tra tại các đơn vị: Công ty Lương thực Kiên Giang; Công ty Lương thực Bạc Liêu; Công ty Lương thực Sóc Trăng; Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh; Công ty Lương thực Trà Vinh; Công ty Lương thực Tiền Giang; Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang; Công ty Lương thực Đồng Tháp chưa đến nơi đến chốn. Theo đó, chỉ có Công ty Lương thực Trà Vinh triển khai thực hiện kiểm điểm các tập thể, cá nhân có thiếu sót, tồn tại theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ; Công ty Lương thực Tiền Giang thực hiện xử lý về kinh tế, theo đó đã thu hồi 2.660.000.000 đồng, còn lại các đơn vị chi nhánh trực thuộc chưa triển khai thực hiện kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có sai phạm, khuyết điểm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Đến thời điểm kết thúc thanh tra của Đoàn thanh tra theo Quyết định số 2237/QĐ-BNN-TTr, Vinafood 2 chưa thu hồi số tiền 6.129,3 triệu đồng do Hiệp hội Lương thực Việt Nam thu phí ủy thác xuất khẩu và 217,790 triệu đồng do nghiệm thu sai so với thực tế gói thầu san nền tại dự án chợ chuyên kinh doanh lúa gạo Thốt Nốt.
Chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bán tài sản trên đất sai hàng hoạt
Cũng theo Kết luận trên, từ năm 2014 đến thời điểm thanh tra, Vinafood 2 đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất sai với quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Lô đất 697 m2 tại ấp Tân Phú 2, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang: 179.000.000 đồng; Ba cồn nuôi trồng thủy sản và tài sản đi kèm tại Công ty Nông sản thực phẩm Trà Vinh: 101.996.515.000 đồng; Căn Nhà số 02 Điện Biên Phủ, thành phố Trà Vinh: 12.600.000.000 đồng; Tổng giá trị 03 tài sản đã bán là: 114.775.515.000 đồng.
Việc sắp xếp nhà, đất, Vinafood 2 không báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố sở tại là sai với quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Tổng công ty tự tính số tiền chuyển nhượng sau khi trừ các chi phí, số còn lại tạm nộp vào tài khoản của Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính là sai với quy định tại Thông tư số 41/2015/TT-BTC ngày 27/3/2015 của Bộ Tài chính và Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 sửa đổi bổ sung khoản 5 Điều 1 Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Số tiền mà Công ty Lương thực Tiền Giang đã hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 với số tiền lãi 42.253.136 đồng là sai với quy định tại Quyết định số 71/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014 V/v sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Không những thế, Vinafood 2 còn vướng nhiều sai phạm tại Dự án Khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê tại 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Cụ thể, Tổng Giám đốc thỏa thuận, thống nhất với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (viết tắt là Công ty Việt Hân) tại Biên bản số 07/TCT-VP ngày 21/9/2015 về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất thực hiện dự án là sai với nội dung Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV ngày 05/02/2015 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty, thỏa thuận giữa Công ty Việt Hân với Tổng Công ty tại Văn bản số 14/2015/CV-VHG ngày 04/02/2015 của Công ty Việt Hân, Văn bản số 291/TCT-KTXDCB ngày 04/02/2015 của Tổng Công ty; sai với nội dung Văn bản số 2022/TCT-VP ngày 23/6/2015 của Tổng Công ty, Văn bản số 5598/BNN-QLDN ngày 14/7/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1647/TTg-KTN ngày 15/9/2015 “V/v thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du, 34,36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh”.
Bết bát trong sản xuất kinh doanh
Kết luận Thanh tra cho biết, Vinafood 2 đã để xảy ra nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vùng nuôi thủy sản tại cồn Đông Giang, xã Đông Khánh (TP.Sa Đéc – Đồng Tháp) và Nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản tại ấp Bình, xã Hòa Hưng (Tiền Giang).
Cụ thể, Vinafood 2 giao cho Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn quản lý, sử dụng Nhà máy chế biến và bảo quản thủy sản, thực phẩm và vùng ao nuôi thủy sản cồn Đông Giang từ ngày 01/4/2015 đến ngày 30/8/2016 nhưng không ký hợp đồng thuê khoán và không thu tiền, nhưng sau đó (tháng 6/2016) hai bên mới thỏa thuận để Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chi trả một phần chi phí cho Vinafood 2 với số tiền 4.975.829.000 đồng. Vinafood 2 thuê Nhà máy chế biến gạo của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (theo hợp đồng từ tháng 9/2014 đến 31/12/2015, với giá thuê 50.000.000 đồng/tháng) nhưng không có kế hoạch sử dụng là việc làm tùy tiện, không đúng quy định pháp luật về quản lý kinh tế và Quy chế quản lý vốn, tài sản của Vinafood 2; không công khai, thiếu minh bạch trong quản lý kinh tế.
Công ty Nông sản thực phẩm Tiền Giang và Công ty Lương thực Đồng Tháp phải thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc, mặc dù đã nhiều lần báo cáo, đề xuất phương án sử dụng Nhà máy Chế biến và Bảo quản thủy sản và vùng ao nuôi thủy sản nhưng không được Tổng Giám đốc chấp nhận.
Dù nhận được nhiều ưu đãi nhưng mấy năm trở lại đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinafood 2 rất bết bát. Cụ thể, năm 2014, công ty mẹ hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ trước thuế là 873,331 tỷ đồng, trong đó: 11/15 đơn vị có kết quả kinh doanh lỗ là 878,914 tỷ đồng, đặc biệt hai doanh nghiệp nuôi trồng chế biến thủy sản lỗ là 138,152 tỷ đồng (chiếm 15,82%/tổng số lỗ), chỉ có 4/15 đơn vị có kết quả kinh doanh lãi là 5,390 tỷ đồng.
Năm 2015, lợi nhuận sản xuất kinh doanh trước thuế của Vinafood 2 là 155,796 tỷ đồng, nhưng trong đó thu từ bán tài sản tại khu đất 34,36, 42 Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du đã là 121,086 tỷ đồng. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh Quý I năm 2016: Công ty mẹ có lợi nhuận trước thuế 51,037 tỷ đồng; các đơn vị phụ thuộc bị lỗ 46,163 tỷ đồng (11/14 đơn vị lỗ, 3/14 đơn vị có lãi).
Về việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, Vinafood 2 chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Thương nhân đầu mối được quy định tại Điều 10, Thông tư số 44/2010/TT-BCT ngày 31/12/2010 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, như: không xây dựng phương án dự thầu, đàm phán, ký kết hợp đồng tập trung có hiệu quả; không có phương án (bằng văn bản) triển khai thực hiện hợp đồng ngay sau khi ký hợp đồng tập trung; không có văn bản đánh giá về giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng tập trung để so sánh với giá gạo xuất khẩu theo hợp đồng thương mại trên thị trường cùng thời điểm để đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Việc không tính đầy đủ các chi phí (chi phí bù đắp tổn thất và chi phí phân bổ chiếm 1,95% tổng chi phí, trong đó chi phí phân bổ chiếm 1%) trong phương án thực hiện hợp đồng và không xây dựng phương án cụ thể theo từng hợp đồng là không đúng quy định trong Quy chế bán hàng của Tổng Công ty là một trong các nguyên nhân gây tổn thất cho Tổng Công ty như Hiệp hội Lương thực đã nêu tại Công văn số 324/CV/HHLTVN ngày 23/6/2014 VN v/v tổ chức thực hiện hợp đồng với Bernas Malaysia.
Trách nhiệm đối với những khuyết điểm, sai phạm nêu trên chủ yếu thuộc Tổng Giám đốc Tổng Công ty; hội đồng thành viên và các phòng chức năng. Kết luận thanh tra nêu rõ
Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân
Về phương hướng xử lý, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Vinafood 2 tiếp tục triển khai thực hiện cổ phần hóa theo đúng kế hoạch, tiến độ và quy định của pháp luật. Khẩn trương xây dựng phương án và triển khai củng cố, kiện toàn công tác tổ chức bộ máy và chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp của Tổng Công ty. Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có những tồn tại, khuyết điểm và sai phạm nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1647/TTg-KTN ngày 15/9/2015 “V/v thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du, 34,36 và 42 Chu Mạnh Trinh, Phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh”.
Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 15/8/2017 để tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ.
Khánh Nguyên
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.