Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết, trong tháng 8/2015, 14 cán bộ huyện Gia Lâm sẽ bị kiểm điểm do liên quan đến việc để xảy ra sai phạm tại Dự án Cánh Buồm Xanh, thuộc sở hữu của gia đình ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy.
>> Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm “dính” kiểm điểm vẫn vào Thường vụ
>> Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Gia Lâm “vô can” trong vụ sai phạm tại dự án Cánh Buồm Xanh?
Dự án khu du lịch sinh thái Cánh Buồm Xanh có nhiều sai phạm.
Báo Kinh tế nông thôn đã có loạt bài phản ánh về những sai phạm tại Dự án Cánh Buồm Xanh của người thân Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm” bị “biến tướng”. Cụ thể, ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm, đã “làm ngơ” cho hàng loạt sai phạm tại Công ty TNHH Cánh Buồm Xanh do em trai ông Thanh là ông Lý Duy Thành làm Giám đốc. Tuy nhiên, trong kết luận tháng 5/2014, Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội chỉ yêu cầu ông Lý Duy Thanh kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Dư luận cho rằng, với sai phạm nghiêm trọng nhưng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy chỉ yêu cầu “kiểm điểm” là thiếu thuyết phục và có biểu hiện “giơ cao, đánh khẽ”.
Để làm rõ hơn về trách nhiệm của ông Lý Duy Thanh và việc xử lý những sai phạm tại Dự án Cánh Buồm Xanh, trong buổi làm việc với phóng viên mới đây, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết sẽ tiến hành kiểm điểm 14 cá nhân có liên quan đến sai phạm trong Dự án Cánh Buồm Xanh và UBND huyện Gia Lâm sẽ tiến hành xử lý dứt điểm những sai phạm tại Dự án Cánh Buồm Xanh trong tháng 8 này.
Tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kết luận rõ và đã tiến hành kiểm điểm chỗ anh Thanh, trong đó sẽ kiểm điểm 14 cán bộ, hiện nay dưới đấy đang làm trình tự thủ tục để tháo dỡ dự án sai phạm. “Đây không phải như nhà cấp 4 mà chúng ta du đi một cái là xong. Phải có kế hoạch, xác định xem số mét vuông vi phạm bao nhiêu, vi phạm bao nhiêu cái nhà. Nói với các anh, chủ đầu tư không phải là anh Thanh mà là anh Thành em anh Thanh. Cho nên anh Thanh chỉ có tác động đến cho gia đình mình thực hiện việc này thôi. Vấn đề thứ hai là bây giờ khi xây dựng như thế thì người ta đã bỏ ra một khoản tiền rất lớn. Gia đình người ta cũng có thể là muốn xin hướng chuyển đổi khác. Đã làm việc với các ngành, các ngành đồng ý rồi thì người ta phải chuyển đổi sang hướng khác”, ông Quang nói.
Cũng tại buổi làm việc này, khi đề cập tới vấn đề ông Lý Duy Thanh đã kiểm điểm như thế nào đối với những vi phạm và thiếu sót của mình, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng 5, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, cho biết, thứ nhất là những thiếu sót của anh Thanh thì đã được tập thể Ủy ban Kiểm tra xem xét kết luận có thiếu sót và thiếu trách nhiệm của người đảng viên về tuyên truyền vận động. Đấy là lỗi gián tiếp chứ không phải lỗi trực tiếp, tuy nhiên, việc kiểm điểm thì Ủy ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị để kiểm điểm đồng chí Thanh một cách rất nghiêm túc và hội nghị thống nhất với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Thứ hai, về việc tháo dỡ những công trình vi phạm, về phía góc độ của Ủy ban Kiểm tra và Phòng Nghiệp vụ thì đã thường xuyên đôn đốc Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện Gia Lâm để tổ chức thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra là tháo dỡ những công trình vi phạm hoặc là khắc phục những công trình vi phạm theo đúng quyết định của Nhà nước và pháp luật.
“Tuy nhiên, đến nay, việc tháo dỡ, việc khắc phục như đơn thư bạn đọc phản ánh là chưa có sự chuyển biến. Nhưng việc này cũng phải trao đổi với phóng viên thế này, khi mà người ta đầu tư công trình có quy mô, sự chi phí quá lớn thì việc tháo dỡ cũng phải có phương án, không phải đơn thuần là một cái nhà cấp 4 mà đập đi nó nhanh được. Cho nên người ta cũng phải tính, phương án để làm sao đảm bảo lợi ích hài hòa giữa tập thể và cá nhân. Chính vì thế, phải khẳng định đây là việc khó, mà việc khó phải có thời gian, chứ không thể ngày một ngày hai được. Còn về phía góc độ lãnh đạo, chỉ đạo thì Ủy ban Kiểm tra thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo yêu cầu Huyện ủy chỉ đạo giải quyết và Huyện ủy cũng giao việc này cho UBND huyện để tham mưu và tổ chức thực hiện”, bà Hương nói.
Ngoài ra, bà Hương cũng cho biết thêm, theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thì việc này UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải tổ chức thực hiện việc này trong tháng 8 và hiện nay hoạt động kinh doanh ở Dự án Cánh Buồm Xanh không còn.
Công trình sai phép, sai quy hoạch.
Trước đó, ngày 29/5/2014, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã có văn bản thông tin đến báo chí về vụ việc liên quan đến những sai phạm của ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm.
Theo đó, ông Lý Duy Thành (em trai ruột ông Lý Duy Thanh) với trách nhiệm là người trúng thầu dự án đã thực hiện không nghiêm túc Quyết định số 2186/QĐ-UB ngày 24/12/3003 và Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 04/3/2010 của UBND huyện Gia Lâm. Theo đó, gia đình ông Thành đã cho xây dựng: Nhà kho, nhà giới thiệu sản phẩm, nhà điều hành, nhà nghỉ tạm cho người lao động không đúng diện tích được phê duyệt; nhà giới thiệu sản phẩm xây dựng thành 18 ki-ốt cho thuê, nhà điều hành sử dụng làm nhà tập thể hình.
Ông Thành còn tự ý xây dựng nhiều công trình không có trong phương án và chưa được UBND huyện phê duyệt như: dựng tượng bố, xây 03 nhà sàn (trong đó có 01 nhà ông Lý Duy Xuân, con trai ông Lý Duy Thanh dùng để ở), 01 nhà lục giác, 04 nhà chòi, 01 nhà gỗ tre, 01 nhà luyện thể thao, 01 nhà cấp 4, tự ý cho thuê trạm BTS thu gần 100 triệu đồng/năm. Ông Thành còn để Công ty TNHH Cánh Buồm Xanh do mình là thành viên sáng lập kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu Cánh Buồm là sử dụng không đúng mục đích, chưa đúng mục tiêu phương án, vi phạm khoản 7.3, Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 04/3/2010 của UBND huyện Gia Lâm.
Ông Thành là người quản lý, sử dụng khu đất Cánh Buồm đã thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý, hai bên bờ ao không có rào chắn và không có biển cảnh báo nước sâu, dẫn đến sự việc hai cháu Nguyễn Thùy Dương và Nguyễn Thị Dương bị đuối nước trong khu Cánh Buồm ngày 15/5/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm xem xét kết luận là do hai cháu bị ngã xuống ao và chết đuối; gia đình hai cháu có đơn xin không giám định pháp y và không khiếu nại, khiếu kiện. Vì thế, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ đầu tư.
Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng như trên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cho rằng: ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy chưa làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên tại Khoản 3, Điều 2 Điều lệ Đảng quy định đảng viên phải: “…Tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước’, gây dư luận không tốt trong xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy yêu cầu ông Lý Duy Thanh, Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Gia Lâm nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về những thiếu sót, khuyết điểm như đã nêu trên.
Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Gia Lâm tiến hành đánh giá lại hiệu quả thực hiện hợp đồng thuê đất số 85A/HĐ ngày 10/3/2010 giữa UBND xã Ninh Hiệp và ông Lý Duy Thành; chỉ đạo xử lý nghiêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên khu đất Cánh Buồm theo đúng các quy định pháp luật; báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Thành ủy trước ngày 30/6/2014.
Tuy nhiên, UBND, Huyện ủy Gia Lâm và ông Thanh đã không thực hiện nghiêm túc kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy. Bằng chứng là gia đình ông Lý Duy Thanh vẫn tiếp tục xây dựng thêm các công trình “khủng” trái phép, phá vỡ quy hoạch trong khu đất Cánh Buồm Xanh.
Trong một diễn biến khác, sáng 24/7/2015, Đảng bộ huyện Gia Lâm tổ chức Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ban chấp hành Đảng bộ khóa mới đã tổ chức họp phiên thứ nhất, bầu 13 đồng chí vào Ban Thường vụ Huyện ủy. Điều khá bất ngờ, ông Lý Duy Thanh vẫn trúng cử, có tên trong danh sách Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm nhiệm kì mới. |
Lê Duy
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.