Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), mỗi hộ dân xóm 3, xã Nhân Khang (Lý Nhân - Hà Nam) đóng góp cho xã 10m2 đất canh tác để làm đường và 5m2 đất bán đi lấy tiền làm đường giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình thi công hai con đường ngõ tắt, bà con phát hiện Ban quản lý, Ban giao thông xóm để xảy ra nhiều sai phạm.
Đơn của công dân xóm 3 gửi báo Kinh tế nông thôn.
Nhiều sai phạm
Theo phản ánh của người dân, trong quá trình xây dựng hai tuyến đường ngõ tắt của xóm 3, bà con phát hiện nhiều sai phạm của cán bộ xóm. Tại tuyến 1, đoạn từ ngõ ông Như đến ngõ ông Dư, số cát vàng được quyết toán cao hơn thực tế là 28m3. Tại tuyến 2, đoạn từ nhà ông Huấn đến nhà bà Thỏ là hơn 59m3. Tổng số cát vàng quyết toán khống của 2 tuyến là 87,76m3, trị giá hơn 21 triệu đồng.
Đá xô bồ tại tuyến đường số 2 quyết toán khống 283,8m3, trị giá hơn 36 triệu đồng.
Giá thuê máy xúc của cả hai tuyến cũng được kê cao hơn 80.000 đồng/giờ, làm thiệt hại cho nhân dân hơn 9 triệu đồng; giá thuê xe lu 800.000 đồng/giờ, cao hơn 460.000 đồng, gây thất thoát gần 12 triệu đồng .
Bên cạnh đó, số tiền thuê nhân công, tiền mua cột hạn chế tải trọng bị đội giá lên cao hơn so với thực tế. Tiền nhân dân đóng góp từ 5m2 đất để làm đường bị sử dụng vào mục đích khác, làm rãnh thoát nước không đúng quy cách…Trước đó, công trình nhà văn hóa của thôn mới xây dựng đã bị xuống cấp trầm trọng.
Ngoài ra, Ban giao thông của xóm còn tự ý chọn nhà thầu, không tổ chức đấu thầu công khai nguyên vật liệu, tự ý thay đổi thiết kế công trình, không xin ý kiến của dân làm thất thoát tài sản của xóm gần 100 triệu đồng.
Trước những biểu hiện sai phạm trên, người dân xóm 3 đã nhiều lần làm đơn yêu cầu chính quyền xã Nhân Khang xác minh làm rõ. Theo đó, ngày 30/01/2013, UBND xã Nhân Khang đã thành lập tổ thanh tra tiến hành kiểm tra hai tuyến đường trên.
Kết luận kiểm tra xác minh đơn thư công dân xóm 3 của UBND xã Nhân Khang.
Do ‘‘nhầm” và “quên”?
Trong buổi làm việc với người dân xóm 3 ngày 13/05/2013, UBND xã Nhân Khang đã công bố kết luận về việc kiểm tra, xác minh những sai phạm tại công trình xây dựng đường ngõ tắt và nhà văn hóa thôn. Mặc dù thừa nhận một số sai phạm, song kết luận này không những không nhận được sự đồng tình của người dân mà còn làm tăng thêm nỗi bức xúc cho họ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn thư tố cáo ngày 08/05/2013, UBND xã Nhân Khang cho rằng: Tổng thu và chi trong xây dựng 2 tuyến đường ngõ tắt của xóm 3 là cân đối. Cụ thể, tổng thu 1.462.068.400 đồng; tổng chi 571.109.400 đồng; số tiền còn lại là 890.958.000 đồng (trong đó có 888.182.600 đồng đang gửi ngân hàng, quỹ xóm còn 2.775.400 đồng).
Lý do có sự chênh lệch về giá cả cũng như khối lượng nguyên vật liệu như phản ánh của người dân được UBND xã xác minh là do “nhầm lẫn” và… “quên”. Trong đó có 37,5m3 đá xô bồ do ông Thiện quên không ghi vào sổ nhật ký (ông Thiện là người bán đá); Ban quản lý công trình ghi nhầm 13,89m3 đá xô bồ thành đá 2-3; quên ghi vào sổ theo dõi 3,5m3 cát vàng mua của ông Năng; đánh máy nhầm công giám sát từ 11 lên 15 công; đá hỗn hợp đổ nền bị ghi nhầm đơn giá từ 130.000đồng/m3 thành 140.000 đồng/m3…
Trong công tác quản lý, kế toán tổng hợp tiền ứng còn sót; cập nhật số liệu chi, thu cũng bị nhầm lẫn. Phiếu chi là 1.717.600.000 đồng thì ghi chỉ có 1.717.600 đồng. Ngoài ra, còn có 4 giờ thuê máy xúc không có trong hợp đồng (!?).
Điều đáng chú ý là trong quá trình thành lập tổ thanh tra, UBND xã đã không chấp nhận 5 người trong tổ giám sát do xóm tín nhiệm đề cử vì cho rằng họ nằm trong danh sách những người đi tố cáo. Thay vào đó, UBND xã tự ý lựa chọn tổ giám sát cho dân. Nhưng trớ trêu thay, những người mà xã lựa chọn đại diện cho dân lại chính là những người đang bị người dân tố cáo.
Rõ ràng, với cách thức tổ chức, điều hành và trả lời kết quả xác minh như trên thì việc người dân xóm 3 bức xúc cho rằng UBND xã Nhân Khang mất dân chủ, không khách quan, có biểu hiện bao che là hoàn toàn có cơ sở.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nhóm P.V
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.