Dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm hóa kênh cống Thôn đoạn từ cống Baza đến cống Thềm Long (TX.Từ Sơn - Bắc Ninh) theo hình thức BOT bị phát hiện nhiều sai sót khi mới triển khai thực hiện. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã không xử lý sai phạm, để dự án cơ bản hoàn thành giai đoạn 1, khiến dư luận nghi ngờ có “lợi ích nhóm”.
>> Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh “phớt lờ” kết luận của Bộ Xây dựng?!
Dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm hóa kênh cống xảy ra nhiều sai sót.
Được biết, kênh cống Thôn đoạn từ cống Baza đến Thềm Long dài 587m, chạy giữa khu dân cư đông đúc thuộc địa bàn xã Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội) và phường Đình Bảng (TX. Từ Sơn - Bắc Ninh); có nhiệm vụ đảm bảo tưới nước cho 80ha đất nông nghiệp và tiêu nước cho 240ha đất tự nhiên.
Việc quản lý khai thác tuyến kênh hàng năm gặp nhiều khó khăn, thường xuyên không đáp ứng được nhiệm vụ nên tỉnh Bắc Ninh có nhu cầu cống hóa tuyến kênh này. Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình ngầm hóa kênh cống Thôn cùng hệ thống ki-ốt trên mặt kênh theo hình thức hợp đồng BOT.
Cụ thể, ngày 6/11/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định phê duyệt dự án; đến ngày 16/1/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án theo hình thức BOT, Công ty TNHH Thượng Hải được phê duyệt là nhà đầu tư và thực hiện dự án.
Ngày 27/1/2014, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh (cơ quan Nhà nước được ủy quyền) và Công ty TNHH Thượng Hải (nhà đầu tư), Công ty TNHH công trình BOT Thềm Long (doanh nghiệp dự án) đã ký hợp đồng số 01/2014/HĐBOT; UBND tỉnh Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 21.1.2.1.000475. Theo đó, Công ty TNHH Thượng Hải, Công ty TNHH công trình BOT Thềm Long có trách nhiệm đảm bảo đủ nguồn vốn để đầu tư dự án. Tổng mức đầu tư là 55,47 tỷ đồng (5,19 tỷ đồng cứng hóa kênh; 50,28 tỷ đồng kinh phí xây dựng ki-ốt), thời gian kinh doanh chuyển giao là 48 năm (3 năm đầu tư xây dựng, 45 năm kinh doanh).
Không lâu sau khi triển khai, dự án đã bị người dân ở xã Ninh Hiệp tố cáo hành vi của một số cá nhân và doanh nghiệp xâm phạm công trình thủy lợi quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và gây ô nhiễm môi trường. Nhiều người dân cho rằng, UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện ngầm hóa kênh cống Thôn chỉ vì mục đích trục lợi. Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra dự án theo đơn tố cáo. Ngày 24/12/2014, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều sai sót như: tính sai chi phí thiết kế do không tính đến hệ số chiết giảm khi thiết kế công trình lặp lại đối với hạng mục ki-ốt; tính thừa một số khối lượng thi công; áp định mức, đơn giá chưa phù hợp như: áp sai cấp đất trong công tác đào đất thủ công móng trụ, móng băng và áp sai cấp đất trong công tác ép cọc bê tông cốt thép. Dẫn đến làm giá trị dự toán sai tăng 1.088.662.000 đồng.
Công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán còn một số sai sót, làm tăng giá dự toán 1.460.789.000 đồng. Công tác tính toán hiệu quả kinh tế và số năm thu hồi vốn trong hợp đồng BOT chưa phù hợp do dự toán chi phí xây dựng công trình tính chưa chính xác và áp sai mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, mức thuế đúng là 20%...
Hạn chế, sai sót tại dự án đã được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh khắc phục. Nhưng sau gần 3 năm, vẫn chưa được thực hiện.
Như vậy, cuối năm 2014, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều sai sót khi dự án mới thi công được một khối lượng công việc rất nhỏ. Sau 7 tháng, ngày 1/7/2015, dự án mới cơ bản hoàn thành tiến độ giai đoạn 1 (ngầm hóa 290m kênh, xây dựng 58 ki-ốt).
Đến ngày 4/7/2017, trong kết luận của Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu chấm dứt việc áp dụng hình thức đầu tư BOT cho chiều dài 287m kênh còn lại (thuộc giai đoạn 2). Lúc này, UBND tỉnh Bắc Ninh mới chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc xử lý.
Vậy, tại sao Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh không chỉ đạo các cơ quan chức năng khắc phục sai sót theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Xây dựng? Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chưa thực hiện hay cố tình không thực hiện để dự án được tiếp tục thi công hoàn thiện giai đoạn 1? Dù là lý do gì thì trách nhiệm vẫn thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Hoàng Văn - Đức Thắng
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.