Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 12 năm 2021 | 15:29

Sản phẩm OCOP gặp khó do dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mặc dù Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội đã và đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, nhưng sản phẩm này vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ.

"Đau đầu" tìm nguồn tiêu thụ
 
Thời gian chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, vào thời điểm này những năm chưa có dịch bệnh xẩy ra, cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường (Đông Anh) phải hối hả làm ngày, đêm để cung cấp sản phẩm giò xào truyền thống ra thị trường. 
 
Nhưng năm nay, do anh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên số lượng khách hàng đặt giò xào tiêu thụ hàng ngày giảm "kinh khủng" chưa nói đến khách hàng đặt giò xào làm quà Tết còn giảm nhiều hơn nữa.
 
dsc_3197.JPG
Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của huyện Đông Anh
 
Anh Nguyễn Mạnh Cường là chủ cơ sở cho biết, cơ sở chúng tôi đang cố gắng kết nối các mối quan hệ là các đơn vị, doanh nghiệp, tìm đầu ra để tiêu thụ sản phẩm giò xào truyền thống đã được công nhận OCOP năm 2020. Mọi năm lượng sản phẩm tiêu thụ lớn, nhưng năm nay do dịch bệnh kéo dài, nguồn tiêu thụ giảm, dẫn đến việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Anh Cường nói: "Cơ sở đang rất đau đầu tìm kiếm thêm khách hàng tiêu thụ giò xào, mọi năm vào dịp này chỉ tính riêng cho tiêu thụ hàng ngày cũng phải hàng tạ giò, nhưng đến năm nay số lượng sản xuấ ra giảm 50%".
 
Cũng cùng chung cảnh ngộ với cơ sở chế biến thực phẩm Mạnh Cường, cơ sở chế biến thực phẩm Nghị Được cũng đang lo "sốt vó" nguồn tiêu thụ sản phẩm giò lụa, một sản phẩm cũng được xếp hạng OCOP năm 2020.
 
Chủ cơ sở là anh Nguyễn Đức Thành cho biết, năm nay, lượng khách hàng tiêu thụ giảm mạnh, nhất là các khách hàng là các trường học trên địa bàn thành phố. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các trường học đều cho học sinh học trực tuyến tại nhà, không đến trường học trực tiếp, các con không ăn bán trú tại trường, nên cơ sở không tiêu thụ được. 
 
Cuối năm rồi nhưng sản xuất của cơ sở cũng rất cầm chừng và dè dặt, bởi lượng khách tiêu thụ năm nay giảm rất nhiều, mọi năm các doanh nghiệp làm ăn khấm khá, đều mua sản phẩm giò lụa làm quà tết cho công nhân, nhưng năm nay khó khăn, thay vì mỗi gói quà Tết là 1 cây giò lụa thì doanh nghiệp lại lựa chọn quà khác để giảm chi phí.
 
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, thành phố Hà Nội là địa phương có số sản phẩm được công nhận nhiều nhất cả nước. Tính đến hết năm 2020 đã có 1.054 sản phẩm được UBND thành phố chứng nhận OCOP. Đến hết năm 2021, thành phố sẽ có thêm ít nhất 400 sản phẩm được đánh giá, công nhận.
 
Vừa qua, thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Kết quả cho thấy, nhiều đơn vị đã phải thu hẹp hoặc sản xuất “cầm chừng” bởi khó tiêu thụ sản phẩm. Những năm trước, thành phố tổ chức nhiều hội nghị quảng bá, giới thiệu, kết nối giao thương cho các sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm tới tháng 10/2021, nhiều hoạt động quảng bá, kết nối trực tiếp tiêu thụ sản phẩm bị đình trệ. Các hình thức quảng bá trực tuyến (online), phát trực tiếp (livestream) mới chỉ phát huy hiệu quả phần nào...
 
Đẩy mạnh kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm

Để khơi thông “đầu ra” cho sản phẩm OCOP và chuẩn bị cho thị trường Tết Nhâm Dần, thành phố đã đẩy mạnh các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô trong các tháng cuối năm. Vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thuộc nhiều nhóm ngành hàng nông sản, thực phẩm tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt-Xô. Hoạt động này nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời những điểm nghẽn trong tiêu thụ để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Trong tháng 12 này, Sở tổ chức 4 tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp tư vấn bán hàng trực tuyến, trực tiếp các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền, với thời gian 5 ngày/tuần hàng, tại các trung tâm thương mại trên địa bàn các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy. Chuỗi sự kiện này hứa hẹn sẽ mang đến những tiện ích mua sắm, trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng Thủ đô, cũng như mở ra thêm cơ hội dành cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn, đưa vào vận hành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Đến nay, đã phát triển được 35 điểm, phấn đấu đến cuối năm, mỗi quận, huyện, thị xã vận hành thêm được tối thiểu 1 điểm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương và thành phố Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, tính đến hết tháng 9/2021, huyện Đông Anh có 72 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao, 33 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao và 1 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao cấp Thành phố. Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, và nhất là khi tham gia xuất khẩu. huyện đang xúc tiến nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP tại các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch, kết nối với các địa phương và các doanh nghiệp để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm này.

"Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, huyện sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa để các cơ sở sản xuất sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP có cơ hội quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ được sản phẩm của mình", ông Linh nói.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ trong thời gian qua, tuy nhiên từ sau có Nghị quyết 128/CP của Chính phủ về thích ứng với dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới, nền kinh tế đã có nhiều sự biến chuyển mau lẹ. Nhưng tình hình vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn đòi hỏi chính quyền phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, giúp cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn mình phát huy được lợi thế, hiệu quả và đặc biệt là tiêu thụ được sản phẩm trong thời gian này.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top