Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 12 năm 2021 | 9:1

Sản xuất gắn với thị trường, đẩy mạnh liên kết và chuyển đổi số: Nhà vườn sẽ luôn thắng!

Thời gian qua, một số sản phẩm trái cây như: xoài, bưởi, quýt, thanh long, vải thiều, nhãn… của nhà vườn thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, khó xuất khẩu. Thực trạng này diễn ra hàng năm khiến nông dân và nhà vườn lao đao.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, việc kết nối quá khó khăn giữa người sản xuất và người tiêu dùng dẫn tới giải cứu nông sản mang tính chu kỳ, đã đến lúc ngành Nông nghiệp phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số nếu không sẽ lỡ nhịp.

 

04-copy.JPG
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT  Lê Minh Hoan cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, minh bạch thông tin dữ liệu để kết nối cung - cầu sẽ giúp nông dân có những mùa bội thu. Ảnh: Văn Giang

 

Nhà vườn Thủ đô cần đột phá bằng tư duy mới

Hà Nội là trung tâm giao thương lớn của cả nước nên không chỉ các loại hoa quả của các tỉnh lân cận được chuyển về tiêu thụ mà còn từ nước ngoài và nhiều tỉnh, thành phố khác. Trong một thị trường mở, nhiều sản phẩm cây ăn quả của Thủ đô như bưởi, cam, nhãn… bị cạnh tranh gay gắt ngay trên “sân nhà”.

Bà Nguyễn Thị Thuận, người trồng bưởi tại xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) cho biết: Trong niên vụ  2020-2021, việc tiêu thụ bưởi của gia đình rất khó khăn, giá bán chỉ 8.000 - 15.000 đồng/quả.

Nhiều hộ trồng bưởi tại xã Đồng Tiến (Ứng Hòa) và các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Không chỉ với bưởi - cây ăn quả chủ lực của Hà Nội, nhiều thời điểm trong năm, việc tiêu thụ cam Canh, chuối, nhãn... tại một số vùng cũng hết sức nan giải. Tình trạng “được mùa, mất giá” và sự cạnh tranh gay gắt khiến nhiều hộ điêu đứng…

Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác, tại một số địa phương, ngày càng có nhiều hộ thu tiền tỷ từ vườn cây ăn quả. Anh Phùng Văn Hà ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) cho biết: Gia đình có 4,5ha với hơn 1.600 gốc bưởi Diễn. Niên vụ 2020-2021, giá bán tại vườn là 25.000 đồng/quả, trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 1,5 tỷ đồng.

Còn gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở xã Kim An (Thanh Oai) chỉ với 5.000m2 vườn đã mang lại nguồn thu hơn 1 tỷ đồng từ trồng bưởi cảnh và bưởi quả nhờ thâm canh... Phát huy lợi thế đồng đất, nhiều hộ dân ở các xã Thuần Mỹ, Chu Minh... (huyện Ba Vì) đầu tư trồng chuối tiêu hồng và nhiều hộ dân ở xã Song Phương (Hoài Đức) phát triển loại nhãn chín muộn xuất khẩu đều cho giá trị kinh tế hơn 1 tỷ đồng/ha.

Vì sao có tình trạng trên? Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa cho rằng, những vườn cây ăn quả đặc sản, thâm canh tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì thương lái đặt mua ngay tại vườn với giá khá cao. Còn các vườn chất lượng quả kém hoặc thiếu sự liên kết, rất khó tiêu thụ… “Hà Nội luôn thiếu các loại quả ngon, đặc sản nhưng lại dư thừa các loại quả chất lượng ở mức trung bình”, bà Hòa cho biết thêm.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Cùng với việc hỗ trợ các loại giống đầu dòng, chất lượng cao cho diện tích trồng mới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh thay thế các giống cây trồng bị thoái hóa. Đồng thời, thành phố tập trung đầu tư vào bảo quản, sơ chế sản phẩm sau thu hoạch như: Bảo quản nhãn, ổi bằng chế phẩm nano bạc; hoàn thiện công nghệ cấy mô, phát triển sản xuất hàng hóa chuối tiêu hồng… Bên cạnh việc tích cực kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho nông dân, Hà Nội cũng triển khai nhiều giải pháp tìm kiếm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu.

Thâm canh, tăng năng suất và nâng cao chất lượng thanh long 

Bình Thuận có 33.750ha thanh long, trong đó 30.886ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 698.029 tấn.10.500ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP, gần 355ha được cấp Giấy chứng nhận GlobalGAP.

Đến nay, tỉnh có 502 tổ hợp tác/nhóm liên kết sản xuất thanh long với 9.797 hộ, 48 HTX thanh long và 2 Liên hiệp HTX. Bình Thuận đã xây dựng và kết nối được 12 chuỗi cung ứng thanh long an toàn với sản lượng 90.775 tấn sản phẩm/năm. Ngoài ra, có 7 HTX đã có nhà sơ chế, đóng gói tham gia vào hoạt động thu mua trái thanh long sản phẩm cho thành viên.

Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận, cho biết, 80% sản lượng thanh long Bình Thuận được xuất khẩu, còn lại tiêu thụ nội địa. Với khoảng 30.000 hộ tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hàng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70 - 80 ngàn lao động.

Việc phát triển thanh long trên địa bàn thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu bền vững. Sản xuất chưa liên kết chặt chẽ với tiêu thụ nên thị trường đầu ra chưa ổn định. Một số nhà vườn chưa áp dụng sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn, công nghệ cao, chưa tuân thủ chặt chẽ về sử dụng thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, phương thức giao dịch giữa nông dân với người cung cấp các yếu tố đầu vào và các nhà thu mua đều thực hiện thỏa thuận bằng miệng, không thông qua hợp đồng nên việc mua bán không bền vững, người sản xuất bị chi phối bởi thương lái trong việc quyết định giá cả và tiêu thụ sản phẩm.  

Về chế biến, dù diện tích rất lớn nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều các cơ sở chế biến sâu về sản phẩm thanh long, ước sản lượng chế biến chỉ chiếm dưới 10%.

Để phát triển thanh long bền vững,  thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Thuận sẽ triển khai giải pháp hướng đến thâm canh, tăng năng suất và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo ông  Tấn, tỉnh sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng trái thanh long theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm và xem đây là yếu tố then chốt để  thanh long phát triển ổn định, bền vững và lâu dài.

Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến thanh long cũng như từng bước phát triển sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP để mở rộng thị trường.

Nghiên cứu, phát triển giống thanh long mới thay thế giống bị thoái hóa để đa dạng sản phẩm và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là mô hình sản xuất công nghệ cao và nhân rộng các mô hình hiệu quả để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm phát triển thanh long bền vững.

Chủ động tiếp cận công nghệ 4.0

Chiếm hơn 40% diện tích xoài toàn tỉnh, với sản lượng khoảng 32.000 tấn, huyện Cao Lãnh  được xem là “thủ phủ” xoài của Đồng Tháp. Xoài được chọn là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện thí điểm trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. Cũng như nhiều loại nông sản khác, thực trạng “được mùa mất giá, được giá thất mùa” khiến việc sản xuất khá bấp bênh. Chính từ thực trạng này, năm 2016, Ban quản trị HTX xoài Mỹ Xương nảy ra ý tưởng sản xuất xoài sạch, đồng thời thí điểm mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Điểm nhấn của mô hình chính là bán xoài qua mạng nhằm tạo đầu ra thông thoáng, hạn chế tình trạng phụ thuộc vào thương lái.

 

02.jpg

Ông Nguyễn Văn Mách đã bán được gần 30 “Cây xoài nhà tôi”.

 

Theo ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, để bán hàng qua mạng, HTX thành lập website xoaicaolanh.com.vn và đưa thông tin về cây xoài cần bán. Với giá mỗi cây được bán khoảng 3 triệu đồng, người mua chỉ cần vào website của HTX để lựa chọn cây ưng ý (với các giống xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu hay xoài tượng), sau đó ký hợp đồng, khách hàng sẽ được sở hữu toàn bộ số trái trên cây.

Từ đây, mọi công tác chăm sóc được nhà vườn thực hiện thuê. 1 năm 2 vụ, số trái thu hoạch dao động 70-150kg/cây. Tất cả trái sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua.

“Nhờ sự minh bạch trong sản xuất, chất lượng xoài của mô hình đảm bảo, được đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua, tạo thu nhập ổn định cho xã viên”, ông Hưng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương) gắn kết với mô hình “Cây xoài nhà tôi” chia sẻ, gia đình bắt đầu trồng xoài từ năm 1995. Trước đây, xoài chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh nên giá trị trái xoài không được phát huy. Sau khi tham gia vào hoạt động của HTX xoài Mỹ Xương, HTX triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi”, được hỗ trợ kỹ thuật canh tác, ông Mách tham gia chuỗi giá trị sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm được quản lý truy xuất nguồn gốc nên chất lượng được đảm bảo. Từ khi tham gia mô hình “Cây xoài nhà tôi” với giá bán ổn định, khách hàng trả tiền trước nên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân giảm gánh nặng chi phí đầu tư sản xuất ban đầu.

Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cao Lãnh, cho biết, mô hình “Cây xoài nhà tôi” được HTX xoài Mỹ Xương triển khai  vào tháng 9/2016. Trong hai năm đầu hoạt động với mô hình kinh doanh mới, nông dân đã tiếp thị, quảng bá và bán trên 290 cây xoài từ mô hình “Cây xoài nhà tôi”, thu về hơn 900 triệu đồng. Hiện, trên địa bàn có gần 30 thành viên tham gia mô hình này.

Không chỉ bán hàng qua mạng, để tránh tình trạng giả mạo nhãn hiệu xoài Mỹ Xương, hiện nay, HTX xoài Mỹ Xương còn ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc blockchain trong sản xuất xoài. Theo đó, từng thông tin trong công đoạn sản xuất xoài được lưu trữ trên blockchain. Khi dùng điện thoại quét QR code trên tem dán trên quả xoài, người tiêu dùng có thể truy xuất được toàn bộ thông tin về quy trình canh tác và phân phối sản phẩm.

Theo HTX xoài Mỹ Xương, việc ứng dụng công nghệ blockchain mở ra cơ hội mới cho HTX khi xuất khẩu xoài cát Chu. Theo đó, người tiêu dùng tại các nước nhập khẩu có thể truy xuất nguồn gốc, giúp họ yên tâm hơn về chất lượng xoài Cao Lãnh.

Bí quyết trồng nhãn muộn luôn thắng

Khu vườn nhãn của anh Thân Văn Quý ở xóm Mịn To, xã Trù Hựu (Lục Ngạn - Bắc Giang) mùa này ai đến cũng mê bởi lúc lỉu quả mà vẫn đều chằn chặn về kích cỡ, đồng nhất màu sắc và có thể ăn thử bất kỳ quả nào mình thích mà gia chủ vẫn xởi lởi, vô tư.

Cứ mỗi mùa, người nông dân này thường thu hoạch 17-20 tấn quả/ha, tùy năm giá nhãn đắt hay rẻ mà tương đương 400- 500 triệu đồng, trong đó phần lãi hơn 1/2…

Lục Ngạn là vựa vải thiều của miền Bắc với diện tích lên tới 15.300ha nhưng khoảng 10 năm gần đây, nhà vườn bắt đầu chuyển đổi sang trồng nhãn để đa dạng hóa sản phẩm cây ăn quả, giảm áp lực tiêu thụ.

Hiện, toàn huyện có khoảng 1.000ha nhãn các loại: nhãn lồng Hưng Yên truyền thống, nhãn Miền Thiết, nhãn muộn Hà Tây và một số giống nhãn địa phương, tập trung trồng tại các xã Trù Hựu, Giáp Sơn, Kiên Thành, Thanh Hải…

Trong các giống nhãn được người dân ưa chuộng, trồng nhiều nhất là nhãn muộn Miền Thiết gốc Hưng Yên. Xã Trù Hựu là nơi mà mọi người đánh giá là năng suất nhất, chất lượng top đầu của huyện, trong đó vườn nhãn của anh Thân Văn Quý là  ví dụ điển hình.

Khác với một số người chỉ giữ bí quyết cho riêng mình, anh Quý lại sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cho người khác. Anh Quý chia sẻ bí quyết, cây nhãn có hai đợt lộc chính là lộc ra sau khi thu hoạch quả và lộc ra vào mùa đông. Quan trọng nhất đối với nhà vườn là phải biết cách điều tiết lộc đông sao cho nó ra hết, ra thành công. Muốn vậy, phải có kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước kết hợp hài hòa với nhau.

Làm vườn bằng cả trái tim

Quảng Ninh có có 14 vùng trồng cây ăn quả với sản lượng hàng năm rất lớn. Tỉnh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Vừa qua, làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan kể về câu chuyện của một ngôi làng từng là địa phương nghèo nhất Nhật Bản, nhưng nhờ trồng xà lách sạch, mỗi gia đình tại làng Kawakami có thể kiếm 25 triệu yên mỗi năm. Theo Bộ trưởng, người nông dân muốn thành công thì không chỉ làm nông nghiệp bằng phân bón, thuốc hay hóa chất, mà phải làm bằng cả trái tim. Người nông dân không bán sản phẩm mà bán niềm tin nơi người tiêu dùng. Vì khi sản phẩm đạt sự tin tưởng, có chỗ đứng với người mua thì khi đó sản phẩm sẽ được trả giá rất cao.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, không cần thiết phải sản xuất nông nghiệp một cách “máy móc” là phải có quy mô lớn, mà cần quan tâm đến mục đích làm nông nghiệp. “Quảng Ninh cần có một slogan rõ ràng về vấn đề “nông nghiệp là gì?”, để từ đó đi vào thực tiễn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Cũng theo Bộ trưởng, những người dân tộc sinh sống ở vùng núi cao có thể kết hợp làm nông nghiệp như trồng rau, trồng hoa… với du lịch nhờ địa thế, địa hình sẵn có. “Đó là nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị, kết hợp giữa tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và sự đổi mới sáng tạo. Những vùng núi của Quảng Ninh đều hội tụ những điều đó”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chuyển đổi số để cùng thắng

“Mù mờ thông tin, thị trường, sản xuất trong nông nghiệp dẫn đến hệ quả phải giải cứu nông sản”. Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tại hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hồi tháng 6/2021.

 

ah.jpg

Người dân thôn Muối, Giáp Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang) phấn khởi trước một mùa vải bội thu.

 

Dẫn chứng về không có hệ thống dữ liệu kết nối, ông Lê Minh Hoan cho rằng: “Thực tế nền nông nghiệp của Việt Nam đang có sự mù mờ về thông tin. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất khiến cung - cầu bị ngắt quãng. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu.

Việc kết nối quá khó khăn giữa người sản xuất và người tiêu dùng dẫn tới giải cứu nông sản mang tính chu kỳ, đã đến lúc ngành Nông nghiệp phải bắt tay ngay vào chuyển đổi số nếu không sẽ lỡ nhịp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được định vị và minh bạch dữ liệu thông tin để vươn xa hơn, minh bạch cũng là thương hiệu của nền nông nghiệp có trách nhiệm với hàng chục triệu hộ nông dân.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ khó khăn khi chúng ta quen với ngôi nhà cũ, chuyển sang ngôi nhà mới sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng bổn phận của chúng ta là phải thay đổi”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không có gì đao to, búa lớn mà chỉ là quá trình học hỏi, thay đổi cách làm nông nghiệp nhờ dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp cách làm phải đơn giản những gì phức tạp để mọi người dễ áp dụng.

Trong kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu phát triển kinh tế số trong nông nghiệp bằng cách thúc đẩy doanh nghiệp, nông dân ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, hình thành hệ sinh thái nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.

Trong đó, Bộ đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Nếu làm tốt những công việc này, nhà vườn sẽ có những mùa, vụ bội thu.

Cần gắn kết người làm vườn với doanh nghiệp

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Xuân Hồng, thị trường thế giới đối với các sản phẩm nghề vườn, đặc biệt là rau quả rất rộng lớn và còn nhiều dư địa để khai thác. Các sản phẩm nghề làm vườn của Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kể cả ở các thị trường rất “khó tính”, nhưng nhiều sản phẩm trong nước vẫn “thất bại” ngay trên “sân nhà”.

Để thoát khỏi tình trạng “được mùa, rớt giá”, có thị trường ổn định và đạt hiệu quả cao trong sản xuất thì cần phải đảm bảo 2 điều kiện quan trọng nhất, đó là: Phải gắn sản xuất với thị trường, có nghĩa là cần liên kết chặt chẽ giữa nhà vườn và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản; và sản xuất phải đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thường cần một số lượng lớn hàng hóa với chất lượng tốt, ổn định, đáp ứng yêu cầu của các nhà nhập khẩu, vì vậy, nhà vườn cần liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để có thể cung cấp một số lượng lớn sản phẩm với độ đồng đều cao. Không những thế, sản phẩm sản xuất ra lại phải đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường như chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Những điều kiện cần thiết để có thị trường xuất khẩu ổn định là sản phẩm phải có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Để làm được điều này, nhà vườn cần phải cùng với doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu, nắm vững yêu cầu của thị trường và áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển…

Để góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ nông sản, những năm gần đây, Hội Làm vườn đã quan tâm đến việc cung cấp các thông tin về yêu cầu của thị trường và hướng dẫn các biện pháp để đáp ứng các yêu cầu đó đối với các thị trường quan trọng nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Đồng thời, Hội cũng đặc biệt quan tâm đến việc làm cầu nối gắn kết người làm vườn với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Các mô hình liên kết đạt hiệu quả cao trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nghề vườn do Hội hỗ trợ xây dựng ngày càng nhiều, điển hình là tại các địa phương như Đồng Tháp, Bắc Giang, Sơn La, Bến Tre, Tiền Giang, Long An… Các mô hình thành công sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top