Quan điểm xuyên suốt của Hà Tĩnh là gắn sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã với việc tổ chức bộ máy tinh gọn để phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Thực hiện quan điểm đó, Hà Tĩnh đã và đang thực hiện việc khảo sát, xây dựng phương án, lộ trình thực hiện tinh gọn bộ máy một cách thận trọng và sắp xếp cơ sở vật chất dư thừa hiệu quả sau sáp nhập.
Bài toán khó
Theo số liệu của Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh, sau khi sáp nhập, Hà Tĩnh sẽ dư thừa 873 cán bộ, công chức, 376 cán bộ không chuyên trách, 92 viên chức trạm y tế…
Một bài toán nữa đặt ra cho các địa phương là việc bố trí số cơ sở vật chất dư thừa sau sáp nhập. Sau khi sắp xếp, Hà Tĩnh sẽ có 34 trụ sở hành chính được sử dụng để làm trụ sở xã mới, dư thừa 46 trụ sở hành chính (thuộc 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đảm bảo yêu cầu hoạt động, 4 trụ sở xuống cấp). Tuy nhiên, tại một số đơn vị hành chính thành lập mới, thiếu cơ sở hạ tầng do trung tâm hành chính xã mới phải điều chỉnh so với trung tâm hành chính xã cũ; một số địa phương khả năng không bố trí được trung tâm hành chính trên trụ sở cũ do khoảng cách đi lại của người dân ở xã mới sắp xếp vào quá xa.
“Sáp nhập xã nói chung và sắp xếp cán bộ nói riêng không phải là bài toán cơ học. Việc bố trí cán bộ phụ thuộc rất nhiều yếu tố, khi nhập 2 hay 3 xã mới lại cùng nhau thì không thể cán bộ xã cũ cùng giữ vai trò chủ chốt ở xã mới mà cần có sự đan xen, trên cơ sở đánh giá năng lực cán bộ. Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất Thạch Hà gặp phải hiện nay”, Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân phân tích.
Cũng theo ông Tân, việc lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức cho xã mới sẽ gặp nhiều khó khăn khi số lượng cấp trưởng, cấp phó của các xã cũ dư thừa. Đặc biệt, đối với huyện có số lượng xã phải sáp nhập lớn, sáp nhập 3 xã với nhau thì đội ngũ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể chính trị xã hội cấp xã khi giữ chức vụ cấp phó sẽ trở thành cán bộ không chuyên trách… Nếu thực hiện không tốt, sẽ tác động lớn đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây bất ổn ở các địa phương.
Từng bước gỡ khó
“Việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức phải đồng bộ, có lộ trình, cách làm phù hợp, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, không chủ quan, nóng vội. Lựa chọn cán bộ từ năng lực thực tiễn thể hiện bằng hiệu quả, “sản phẩm” công việc, uy tín trong Đảng, trong nhân dân nên Hà Tĩnh đã mạnh dạn lấy ý kiến cử tri về công tác cán bộ”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết.
Để kịp thời có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập, ngày 20/8/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2021. Trong đó có nhiều chính sách cụ thể, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Bên cạnh nỗ lực giải quyết công tác cán bộ với tinh thần dân chủ, thận trọng, công bằng và minh bạch, mỗi địa phương của Hà Tĩnh đều có những cách làm hay để “gỡ khó” cho việc sử dụng cơ sở vật chất dư thừa sau sáp nhập.
Theo báo cáo của UBND huyện Can Lộc, tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của 8 xã sáp nhập là 145 cán bộ, công chức và 283 người hoạt động không chuyên trách. Sau sáp nhập, dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư đến năm 2025 là 82 người.
Đối với số cán bộ, công chức dôi dư, Can Lộc đã xây dựng một số phương án xử lý. Theo đó, từ nay đến năm 2021, sẽ có 7 người nghỉ theo chế độ, 10 người tinh giản và 4 người được điều chuyển sang các xã khác còn thiếu cán bộ, công chức. Còn lại 61 cán bộ, công chức, người không chuyên trách hiện nay, Can Lộc đang tiếp tục tính toán, sắp xếp.
“Với phương án tối ưu hóa sử dụng cơ sở vật chất sau sáp nhâp, huyện đã vận dụng số trụ sở dư thừa để phục vụ các mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục, thương mại và dịch vụ. Cơ sở vật chất dư thừa sẽ được làm thủ tục chuyển về thôn, xóm hoặc đấu giá xử lý đúng quy định, tránh lãng phí hoặc để xuống cấp, hư hỏng”, Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng nói.
Theo đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, Thạch Hà sẽ thực hiện sắp xếp 15 xã thành 6 xã mới. Theo đó, tổng số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách của 15 xã hiện có 406 người; số bố trí làm việc ở 6 xã mới 252 người, số dôi dư sau sắp xếp 154 người. Đến trước năm 2020, số cán bộ được bố trí là 105 người, dôi dư 37 người; số công chức được bố trí là 65 người, dôi dư 84 người. Toàn huyện có đến 76 cán bộ, công chức chưa có phương án bố trí.
Thời gian qua, để từng bước giải quyết vấn đề dôi dư cán bộ, công chức sau sáp nhập, Thạch Hà đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: vận động nghỉ hưu trước tuổi, vận động nghỉ hưởng chính sách theo Nghị định 108 của Chính phủ, Nghị quyết 164 của HĐND tỉnh; chỉ đạo các xã thuộc diện sáp nhập không đề nghị bổ sung nhân sự hoặc bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh; luân chuyển cán bộ, công chức về huyện công tác hoặc bố trí sang làm việc ở xã không thuộc diện sáp nhập.
Để tiếp nhận thông tin đa chiều, huyện còn phát phiếu đề xuất nguyện vọng cá nhân đến từng cán bộ, công chức. Riêng cá nhân Bí thư Huyện ủy gửi thư ngỏ đến từng cán bộ chủ chốt ở các địa phương tham khảo ý kiến về đề xuất phương án sắp xếp, bố trí nhân sự các chức danh chủ chốt. Để đảm bảo khách quan, dân chủ, các ý kiến đều được yêu cầu thực hiện theo chế độ MẬT.
Đồng thuận chủ trương, sẵn sàng nghỉ việc, hiện Thạch Hà đã có 7 cán bộ, công chức hoàn tất các thủ tục nghỉ việc theo nghị quyết, nghị định của tỉnh và Trung ương; 23 cán bộ, công chức khác cũng bày tỏ nguyện vọng muốn được nghỉ việc.
Gần 20 năm gắn bó với việc xã hội, trong đó 13 năm là cán bộ xã, thế nhưng khi biết đến chủ trương sáp nhập xã, sắp xếp cán bộ dôi dư, ông Nguyễn Hữu Chinh, Phó chủ tịch HĐND xã Thạch Lưu (Thạch Hà) đã mạnh dạn đề đạt nguyện vọng của mình khiến nhiều người nể phục. Ông Chinh bày tỏ trong đơn đề xuất nguyện vọng: “Nếu có thể, tôi xin được giữ nguyên chức vụ hoặc chuyển công tác về Ban Khuyến nông; còn không sắp xếp được, tôi xin nghỉ hưu sớm, hưởng chính sách theo quy định”.
Kiến nghị
“Hà Tĩnh có số lượng các đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp nhiều, việc giải quyết các vấn đề có liên quan cần một nguồn ngân sách lớn. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách để thực hiện nội dung này. Đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn điều kiện, tiêu chuẩn quy trình lựa chọn, bố trí người đứng đầu của tổ chức bộ máy mới sau sắp xếp, xác định đối với trưởng các đoàn thể khi thôi giữ chức vụ được tính vào tổng số cán bộ, công chức hay trở thành người hoạt động không chuyên trách. Hướng dẫn việc sắp xếp đối với số người hoạt động không chuyên trách cấp xã chưa được bố trí theo Nghị quyết số 37-NQ/TW và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề xuất.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.