Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2019 | 21:1

Sâu keo mùa Thu “ăn trắng” 15.000ha ngô

Hiện, gần 15.000ha ngô trong cả nước đã bị sâu keo mùa Thu gây hại. Diện tích, mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng và còn có thể lây lan sang những vụ mùa tiếp theo.

sau-keo.jpg

Đây là khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa Thu tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vừa qua.

13 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thiệt hại 7.000ha ngô

Tại hội nghị, đại biểu đến từ 13 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có chung một nhận định, sâu keo mùa Thu đang gây hại tràn lan và rất khó phòng trừ. Khu vực này hiện đã có đến gần 7.000ha ngô bị loài sâu này gây hại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho biết với nhiều khó khăn, hạn chế trong phòng trừ mà diện tích ngô bị hại trên địa bàn tỉnh tăng chóng mặt. Tính đến trung tuần tháng 7, toàn tỉnh có đến 5.000 ha trong tổng số 31.000 ha ngô Hè Thu bị sâu keo mùa Thu gây hại với hầu hết các giống ngô đều bị nhiễm sâu.

“Hiệu quả phòng chống sâu keo chưa cao do đây là một đối tượng dịch hại mới, hiểu biết người nông dân về loài sâu này đang còn hạn chế. Công tác phổ biến, tuyên truyền và chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa thực sự sâu rộng, chưa huy động được lực lượng có sẵn tại địa phương để giúp dân thực hiện công tác phòng chống. Bên cạnh đó, việc gieo trồng ngô không đồng loạt, trên cùng một khu vực có rất nhiều trà ngô được gieo trồng ở nhiều thời gian khác nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức phòng trừ chưa được đồng bộ và kiểm soát sự phát sinh di trú,  gây hại của sâu keo”, ông Kpă Thuyên cho biết.

Nông dân Tây Bắc khóc ròng vì “sâu lạ” ăn trắng cánh đồng ngô

Bà Triệu Thị Lê, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên cho biết, đến nay, đã có khoảng 3.380ha ngô trên địa bàn tất cả các huyện của tỉnh Điện Biên bị sâu keo mùa thu gây hại, với mật độ phổ biến từ 1 đến 4 con/m2, mật độ cao từ 10 đến 15 con/m2. Do thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài diện rộng, cộng với sự phát triển nhanh, mạnh và sức tàn phá lớn của sâu, nên thiệt hại càng trở nên nghiêm trọng hơn.

 

sss.jpg

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, loại “sâu keo mùa Thu” hại ngô được phát hiện đầu tiên vào đầu tháng 4/2019 tại huyện Phù Yên. Đến nay, loại sâu này đã lan ra 11/12 huyện, thành phố với trên 3.000 ha ngô nhiễm sâu, gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân. Các địa phương và ngành chức năng đang nỗ lực tìm các giải pháp phòng, trừ, hạn chế sự lây lan và thiệt hại do loại sâu này gây ra.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 100.000 ha trồng ngô. Bên cạnh cây ăn quả, ngô vẫn đang là loại cây trồng phổ biến, nguồn thu nhập chính của người nông dân. Chính vì vậy, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và có biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu gây ra đang được các cấp chính quyền và người nông dân tích cực triển khai thực hiện.

 

Theo ông Nguyễn Quý Dương, Cục Phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận đây là một bệnh dịch hết sức nguy hiểm với ngành trồng trọt. Sâu keo mùa thu có tốc độ lây lan nhanh, sâu bướm trưởng thành có thể bay xa nhiều km mỗi đêm nên dịch hại này có thể nhanh chóng lây lan sang khu vực miền Trung và phía Nam trong vụ hè đang chuẩn bị trồng ngô vào tháng 5 - 6. Dịch hại còn có thể gây hại trên 80 loài cây trồng khác nhau nếu không kiểm soát hiệu quả. Loài sâu này đang gây hại lớn trên cây ngô, ước tính thất thoát về năng suất gây ra dao động từ 30-60%, thậm chí lên tới 100% nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp. 

 

Hàng trăm hecta ngô của tất cả 11 huyện, thành phố tại tỉnh Lạng Sơn đang bị sâu keo mùa Thu gây hại. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn, diện tích ngô bị sâu keo mùa Thu gây hại ở tỉnh này đã lên đến gần 700ha và còn có chiều hướng tăng nhanh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, hiện nay, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện sâu keo (sâu đàn) gây hại trên diện tích ngô, lúa nương và lúa một vụ vùng cao, với diện tích gần 60 ha, mật độ có nơi rất cao từ 200 – 300 con/m2, tập trung chủ yếu ở các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn...

Hiện, tỉnh Lai Châu có trên 17.500 ha ngô trồng tập trung ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ…và số diện tích ngô này đang giai đoạn từ 4 - 7 lá và xoáy nõn. Tuy nhiên, từ giữa tháng 3 trở lại đây, sâu keo mùa thu đã phát sinh và gây hại tại 8 huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu với trên 1.800 ha ngô bị nhiễm, diện tích nhiễm nặng là gần 300 ha. Các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế sự lây lan và giảm thiểu thiệt hại do loại sâu bệnh này gây ra.

Địa phương cần chủ động phòng trừ

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến trung tuần tháng 7, cả nước đã trồng được khoảng 415.000 ha ngô, diện tích bị sâu keo mùa thu gây hại là gần 15.000 ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại nặng là  khoảng 1.300 ha. Trong tháng 7, ngô Hè Thu tiếp  tục xuống giống nên diện tích nhiễm sâu keo sẽ còn gia tăng.

Đáng chú ý, ngô hè thu chủ yếu đang trong giai đoạn ngô non, đây là giai đoạn dễ bị sâu gây hại nhất. Đồng thời với việc vụ mùa nối tiếp nhau, sâu sẽ tiếp tục lây lan vào các vụ mùa tiếp theo.

 

sau-keo-1.jpg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, không chỉ gây hại trên cây ngô, sâu keo mùa thu còn nguy hiểm với nhiều loại cây trồng khác nên cần được quan tâm đặc biệt về công tác phòng trừ.

“Sâu là một sinh vật gây hại nguy hiểm, không chỉ phá hoại ngô mà còn rất nhiều cây trồng khác. Khi người dân canh tác liền vụ, ngô chưa thu hoạch vụ này đã xuống giống mới cho nên quá trình chuyển tiếp rất phức tạp”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ.

Trước những diễn biến khó lường của sâu keo mùa Thu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị chính quyền, ngành chức năng các tỉnh chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp phòng trừ theo hướng dẫn của Bộ; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nông dân thực hiện công tác phòng trừ để hạn chế thiệt hại và lây lan.

Bộ NN&PTNT yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật ban hành các tài liệu, quy trình phòng chống sâu keo mùa thu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu cho cán bộ trong các cơ quan chuyên ngành, khuyến nông và nông dân; hướng dẫn hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật tạm thời sử dụng phòng trừ sâu keo mùa thu. Bộ cũng khuyến cáo doanh nghiệp đăng ký các sản phẩm phòng trừ sâu keo mùa thu như: Thuốc bảo vệ thực vật, bẫy bả, bẫy pheromone... và ưu tiên các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, chăm sóc, bố trí mùa vụ để hạn chế tác hại của sâu keo mùa thu; đặt hàng nghiên cứu giống kháng, chống chịu sâu keo mùa thu để đưa vào sản xuất.

 

Sâu keo mùa Thu đã chính thức xâm nhập Việt Nam và gây hại nghiêm trọng cho cây ngô sau thời gian hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, gây thiệt hại lên tới hàng tỷ USD tại 44 quốc gia khắp khu vực hạ Sahara châu Phi và phát tán ra các nước châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Sri Lanka, Myanmar và Bangladesh...

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top