Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 12 năm 2021 | 14:0

Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao, các tỉnh, thành ở ĐBSCL đẩy nhanh tiêm vaccine

Những ngày gần đây, dịch Covid-19 ở ĐBSCL có diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố có số ca nhiễm mới tăng cao. Trước thực trạng này, các địa phương trong vùng đang đẩy nhanh tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

 Số ca F0 ở trẻ em tại Đồng Tháp tăng cao

Đồng Tháp không chỉ là địa phương có số ca mắc Covid-19 tăng cao trong vùng ĐBSCL mà những ngày gần đây tỷ lệ trẻ em mắc mới cũng tăng rất cao. Chỉ tính trong ngày 14/12, tỉnh này ghi nhận 734 ca mắc, trong đó có 139 trường hợp ở độ tuổi dưới 12. Hiện hơn 20% số ca nhiễm đang điều trị của Đồng Tháp là trẻ em.

Về nguyên nhân số ca mắc ở trẻ em tăng cao, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, sự lơ là của người lớn, người lớn mắc nên trẻ em ở cùng nhà  bị lây nhiễm bệnh. Chính vì vậy, ý thức để phòng, chống dịch rất quan trọng đối với các gia đình. Số trẻ ở Đồng Tháp tăng nhưng đa phần ở thể nhẹ, không triệu chứng.

 Một điểm tiêm vaccine cho trường hợp từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (ảnh Văn Khương).

 

Cũng theo ông Bửu, đối tượng dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine trong thời gian này các em dễ lây nhiễm hơn là những trẻ đã tiêm mũi 1, mũi 2. Do đó, cần phải có cách phòng bệnh bằng cách là phòng hộ cá nhân. Bây giờ chưa trở lại trường, các em hạn chế đi lại, đi chơi, đi mua sắm; tránh đưa trẻ đến nơi đông người, chờ vaccine phủ mũi 1, mũi 2 cho nhóm tuổi từ 3 đến dưới 12 tuổi thì mình sẽ đỡ hơn.

Để hạn chế tăng số ca mắc ở trẻ em, ông Bửu nhấn mạnh, cần đẩy công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, tuân thủ các biện pháp khuyến cáo từ ngành chức năng và thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế để trẻ không bị lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, hạn chế đưa trẻ đến các nơi đông người, khu vui chơi và nâng cao ý thức trong việc giữ trẻ.

Theo thông báo của Bộ Y tế, ngày 16/12, cả nước ghi nhận 15.270 ca nhiễm Covid-19, trong đó có nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đứng trong top đầu về số ca mắc như: Cà Mau 1.339, Đồng Tháp 795, Bến Tre 760, Cần Thơ 728, Vĩnh Long 597, Bạc Liêu 516.

Cà Mau số ca mắc liên tục đứng đầu cả nước

Nếu như ngày 14/12, tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 1.011 ca mắc Covid-19, cao nhất cả nước, thì đến ngày 16/12, tỉnh này tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận tới 1.339 ca mắc. Đáng lưu ý, riêng trong ngày 14/12 có đến 859/1.011 ca được phát hiện trong cộng đồng.

Trước tình dịch ngày càng có chiều hướng phức tạp, ngành chức năng tỉnh Cà Mau vừa kêu gọi các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập tiếp tục góp công, góp sức vào các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là tham gia Trạm Y tế lưu động trên địa bàn; tỉnh Cà Mau cũng vừa đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 8 để phục vụ điều trị F0 có triệu chứng nặng.

Liên quan tới việc thiếu thuốc kháng virus, hỗ trợ điều trị Covid-19, địa phương này đã phát lời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho tỉnh thuốc kháng virus để điều trị bệnh hoặc tạo điều kiện cho tỉnh mua thuốc. Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau có công văn khẩn gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp thuốc kháng virus: Molnupiravir 50.000 liệu trình (ca) điều trị; Favipiravir 20.000 liệu trình (ca) điều trị.

Những ngày vừa qua, Cà Mau phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng (ảnh: VOV).

 

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép khẳng định trường hợp mắc Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên. Cụ thể, ngoài xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR, Cà Mau sẽ khẳng định những người dương tính với SARS-CoV-2 trong các trường hợp: người bị nghi ngờ nhiễm bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính; những người không có triệu chứng, không có yếu tố dịch tễ liên quan người nhiễm bệnh nhưng có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì sẽ xét nghiệm RT-PCR để khẳng định).

Nguyên nhân tỉnh Cà Mau kiến nghị là do hầu hết các trường hợp test nhanh dương tính khi xét nghiệm RT-PCR đều dương tính; thực hiện theo đề xuất của tỉnh Cà Mau sẽ giúp việc cách ly, điều trị F0 kịp thời hơn, giảm nguy cơ lây lan và cũng giúp giảm chi phí.

Cà Mau cũng đề nghị Bộ Y tế cho phép khẳng định khỏi bệnh Covid-19 bằng test nhanh đối với 2 trường hợp: F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh; người điều trị tại các cơ sở tập trung trước đó đã có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc CT từ 30 trở lên khi ra viện chỉ cần test nhanh âm tính.

Số F0 từ các KCN ở Tiền Giang tăng cao

Những ngày gần đây, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thêm 400-500 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, có nhiều F0 là các công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện chủ trương điều trị F0 và cách ly y tế F1 tại nhà nên đã gây áp lực lớn cho công tác phòng chống dịch bệnh đối với các xã, phường, thị trấn khi phát sinh nhiều ca dương tính.

Tại xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, mỗi ngày có 4-5 ca F0 mới là công nhân ở các khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành), khu công nghiệp Long Giang (huyện Tân Phước). Cao điểm có ngày xảy ra đến 20 ca mắc mới.

Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 xã Tân Hội Đông cho biết, hầu hết các ca F0 phát hiện khi các công nhân đến trạm y tế hay UBND xã khai báo. Riêng một số doanh nghiệp khi phát hiện ca dương tính không thông báo đến chính quyền địa phương nên địa phương bị động trong công tác xử lý các ca dương tính và truy vết các trường hợp F1.

 Cán bộ y tế cơ sở tại tỉnh Tiền Giang đến phát thuốc hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

 

Cũng theo bà Hương, hiện tình trạng F0 từ các Khu công nghiệp gây áp lực cho cơ sở y tế rất nhiều. Chúng tôi phải phân công lực lượng đoàn thanh niên, cán bộ, công chức xã tham gia công tác truy vết. Anh em làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, xông xáo nhiệt tình, không sợ dịch bệnh. Khó khăn hiện nay là chế độ bồi dưỡng cho anh em truy vết chưa có, trước mắt anh em tự lo, trách nhiệm vẫn làm. Địa phương vận động xã hội hóa nguồn bên ngoài lo bữa cơm nước cho anh em để tiếp tục cống hiến hơn nữa.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine

Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đang quyết liệt tiêm vaccine cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng, tiến tới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong thời gian sớm nhất.

 Tại Vĩnh Long, tỉnh này đã huy động thêm lực lượng y tế tư nhân, vận động sinh viên ngành y để hỗ trợ trong việc tiêm phòng. Nhờ vậy mà các lô vaccine sau khi nhận về đều được triển khai ngay.

Hiện nay, tỉnh đã cơ bản tiêm xong mũi 2, đồng thời đang triển khai kế hoạch tiêm mũi 3 cho người dân. Cụ thể, Vĩnh Long đã tiêm mũi 1 được hơn 765.000 đối tượng đạt tỷ lệ hơn 99% số người trong độ tuổi tiêm và mũi 2 đạt hơn 731.000 đối tượng chiếm tỷ lệ hơn 95%. Số  lượng người tiêm mũi 2 chưa bằng số người tiêm mũi 1 là do sau khi tiêm mũi 1 người dân đã di chuyển đi làm ở tỉnh khác và tiêm luôn mũi 2 nơi làm việc.

 Ngoài rà soát tiêm đủ liều cho người dân trên 18 tuổi, Trà Vinh còn gấp rút tiêm chủng cho học sinh 2 (ảnh: VOV).
 

Ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết, ngành Y tế đã tập trung nỗ lực để tiêm vaccine cho các đối tượng nằm trong diện tiêm. Với cố gắng đó nên tỷ lệ tiêm vaccine đạt mục tiêu. Những người đã tiêm vaccine và những người đã mắc Covid-19 cũng vẫn có khả năng sẽ lây nhiễm trở lại, chúng ta phải tuân thủ áp dụng các biện pháp 5K. Đây là lá chắn thép trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Đến thời điểm này, hơn 99% dân số Đồng Tháp tiêm mũi 1 và mũi 2 đạt gần 84% dân số. Tổng số vaccine mà tỉnh đã tiêm hơn 2,2 triệu liều và dự kiến đến cuối tháng tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 2 của Đồng Tháp sẽ đạt trên 95%.

Ông Bửu nhấn mạnh, việc điều trị bệnh nhân Covid-19, được Đồng Tháp đặc biệt quan tâm, các địa phương trên địa bàn tỉnh không để thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nếu các địa phương có thiếu thuốc thì báo cáo để được cấp, địa phương nào không cấp túi thuốc kịp thời cho người bệnh thì Chủ tịch UBND địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Tại Trà Vinh, đến nay đã tiêm mũi 1 đạt hơn 93% và mũi 2 đạt hơn 76%. Việc tiêm chủng trên địa bàn đạt tỷ lệ còn thấp, chủ yếu do ý thức người dân và lực lượng y tế thiếu hụt do thời gian gần đây F0 tăng mạnh. Nhằm đảm bảo hoàn thành tiêm 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh yêu cầu các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh rà soát, phân loại kết hợp tuyên truyền đến từng hộ dân; đồng thời yêu cầu ngành y tế chuẩn bị sẵn phương án, lực lượng để tiến hành tiêm cho mọi đối tượng bất cứ lúc nào có thể.

 Trà Vinh tổ chức đội lưu động đến tiêm đối tượng già yếu, tai biến... không di chuyển được..

 

Ông Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, cho biết, phải tuyên truyền vận động người dân phải tiêm, trừ những người nào không thể tiêm được, số đó ít. Phải lập danh sách cụ thể, nhóm già yếu không di chuyển được, nhóm không thể tiêm được, nhóm những người còn e ngại chưa dám tiêm là bao nhiêu. Điều quan trọng là công tác tuyên truyền, phổ biến thuyết phục người dân đi tiêm vaccine.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt số ca nhiễm mới tăng cao hàng ngay, bên cạnh người dân thực hiện nghiêm theo khuyến cáo 5k của Bộ Y tế, việc sự đẩy mạnh tiêm chủng của các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL sẽ góp phần sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh,  bảo sệ sức khoẻ cho người dân, cũng là điều kiện để doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top