Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 11 năm 2017 | 11:49

Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh: Ép nhân viên đến đường cùng

Chỉ còn một ngày nữa là 49 cán bộ nhân viên của Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh có nguy mất việc vì sở này đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Sở GTVT và người lao động của sở này vào ngày 10/11/2017, lãnh đạo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho hay, sở căn cứ vào Công văn số 2843 ngàv 29/7/2014 của Bộ Nội vụ về thực hiện đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó yêu cầu “Không thực hiện việc ký kết hợp đồng để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức đơn vị hành chính” và căn cứ vào Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 “Về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” để đưa ra phương án chấm dứt hợp đồng lao động với 49 nhân viên ký hợp đồng lao động đang làm việc tại Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe của sở. Sở cũng chỉ đạo lãnh đạo phòng làm việc với Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận, ký hợp đồng với số nhân viên mà sở đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, Sở GTVT ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cung ứng lại số lao động trên làm công việc cũ cho sở.

Tại cuộc đối thoại, nhiều người lao động đã tỏ ra bức xúc với cách giải quyết mà sở đưa ra. Theo họ, sở giải quyết không thấu tình hợp lý, không đúng theo luật. Giải pháp chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển số lao động trên sang Trường Cao đẳng GTVT TP. Hồ Chí Minh lẽ ra phải được thay thế bằng giải pháp xét tuyển đặc cách những người lao động hiện có vào biên chế theo quy định tại điểm a, khoản i điều 14 Nghị định số 29/2012/NĐ/CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ. Xét ở góc độ pháp luật lao động, việc áp dụng điều 44 Bộ luật Lao động 2012 để cắt giảm nhân sự khi mà thực chất người sử dụng lao động vẫn còn nhu cầu sử dụng là không phù hợp.

Chị V.T. rưng rưng: “Tôi rất bức xúc vì đã làm việc ở đây được hơn 10 năm rồi mà vẫn bị cắt ngang hợp đồng. Tôi và các anh, chị trong diện này đều bị sốc nặng, mất phương hướng cuộc sống! Mong mỏi các cấp hữu trách có hướng giải quyết hợp lý để chúng tôi tiếp tục được làm việc”.

Đơn khiếu nại của người lao động gửi đến các cấp nhưng đến nay không được xem xét

Còn chị N.M.H. nói: “Không thể cứng nhắc “phang ngang” theo công văn của Bộ Nội vụ. Vì đến nay, việc cấp đổi giấy phép lái xe đã chuyển từ hình thức thẻ giấy sang thẻ PET, Sở GTVT cũng đã rà soát, cải tiến, hợp lý hoá các quy trình làm việc tại Phòng Quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe, nhưng do khối lượng đăng ký dự sát hạch và cấp, đổi giấy phép lái xe của người dân thành phố ngày càng cao, nên Sở GTVT vẫn cần phải duy trì lực lượng lao động hợp đồng để thực hiện các công tác sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe và thu phí, lệ phí tại 8 cơ sở cấp đổi của sở. Không thể “lách” theo kiểu chấm dứt hợp đồng rồi tuyển dụng lại và cung ứng lao động qua một đơn vị khác là Trường Cao đẳng GTVT TP. Hồ Chí Minh. Vả lại việc cho thuê lại lao động phải được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép theo Nghị định số 55/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013. Trước tiên chúng tôi cho rằng cần hiểu chính xác nội dung của mục 6 Công văn số 2843 ngàv 29/7/2014 của Bộ Nội vụ: “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các tổ chức, đơn vị hành chính”. Liệu rằng có phải những ai đang làm việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính bằng hợp đồng lao động đều phải chấm dứt hợp đồng ngay thời điểm đó theo chỉ thị của Bộ Nội vụ nói trên? Nếu đúng như vậy tại sao Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh không chấp hành mà còn ký hợp đồng thêm 12 trường hợp từ năm 2014 đến nay?! Việc chấm dứt dứt hợp đồng và chuyển chúng tôi sang làm việc tại một đơn vị, tổ chức khác khi chưa thỏa thuận và chưa có sự đồng ý của chúng tôi là đơn phương chấm dứt hợp đồng không hợp tình hợp lý.

Theo lãnh đạo Sở GTVT thành phố, Công văn số 2843/BNV-CCVC ngày 29/7/2014 của Bộ Nội vụ về thực hiện đúng quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý công chức có yêu cầu: “Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính”. Vì vậy, sở đã có Công văn số 8997/SGTVT-TC ngày 7/6/2017 gửi Sở Nội vụ xin duy trì lao động hợp đồng đến hết năm 2017 và cơ chế đặt hàng cung ứng nhân sự để phục vụ công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, người lao động không đồng tình với cách giải quyết này vì họ cho rằng đó là quan hệ cho thuê lại lao động; trong đó Trường Cao đẳng GTVT TP. Hồ Chí Minh là đơn vị cho thuê lại lao động, Sở GTVT là bên thuê lại và bên cuối cùng là người lao động. Vì vậy, việc thực hiện cho thuê lại lao động bị cho là trái luật và không thấu tình đạt lý.

Được biết, trong số những người bị Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động lần này có hơn 50% lao động đã phục vụ cho Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh trên 15 năm, một số trường hợp đã phục vụ trên 20 năm. Đây là lực lượng lao động rất cần thiết, không thể thiếu trong quy trình sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, góp phần rất lớn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc đến bạn đọc./.

Nhóm PV điều tra

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top