KTNT - Ngày 5/2/2016, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Trung Tây Nguyên (Công ty Trung Tây Nguyên) trúng đấu giá quyền sở hữu công trình xây dựng khu sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng của Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Diệp Minh (Công ty Diệp Minh). Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành các thủ tục thực thi, chỉ vì một lý do vô lý của Công ty Diệp Minh mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên đã kéo dài thời gian xử lý, khiến doanh nghiệp thiệt hại không nhỏ.
Một góc khu sản xuất chế biến vật liệu xây dựng của Công ty Diệp Minh mà Công ty Trung Tây Nguyên trúng đấu giá.
Quá trình thi hành án
Do không thể thanh toán các khoản vay trong sản xuất kinh doanh, Công ty Diệp Minh bị Chi nhánh VietinBank Phú Yên khởi kiện. Tại Bản án số 31/2013/QĐST-KDTM ngày 20/6/2013, TAND TP.Tuy Hòa buộc Công ty Diệp Minh phải trả cho VietinBank Phú Yên 5.762.497.126 đồng (cả gốc lẫn lãi vay).
Ngày 16/10/2013, Chi cục Thi hành án dân sự TP.Tuy Hòa (CCTHADS-TP.Tuy Hòa) có quyết định THA theo đơn yêu cầu của Chi nhánh VietinBank Phú Yên. Xét thấy, bị đơn có đủ điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện, ngày 30/12/2013, CCTHADS-TP.Tuy Hòa ra Quyết định số 16/QĐ-THA “v/v cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản” của Công ty Diệp Minh. Tài sản Diệp Minh thế chấp vay gồm 2 loại: Thứ nhất là hệ thống dây chuyền sản xuất đá dăm và một số thiết bị xe máy… Thứ hai là nhà làm việc, kho chứa vật liệu, nhà bảo vệ, cổng tường rào, sân cấp phối đá dăm…
Tất cả các loại tài sản này đều nằm trên diện tích 29.990,6m2 do Công ty Diệp Minh thuê đến năm 2028, Giấy chứng nhận QSDĐ được cấp năm 2008. Loại tài sản thứ nhất Diệp Minh chưa thanh toán đủ số tiền thế chấp, Vietinbank đã phát mãi để thu hồi nợ. Loại tài sản thứ hai, CCTHADS-TP.Tuy Hòa đưa ra bán đấu giá rộng rãi, công khai, với nhiều đối tượng tham gia mua, để tiếp tục thu hồi nợ cho VietinBank. Theo đó, kết thúc phiên bán đấu giá ngày 5/2/2016, loại tài sản này có giá khởi điểm 1.505.043.960 đồng, đã được Công ty Trung Tây Nguyên đấu giá mua 2,56 tỷ đồng. Và ngày 19/2/2016, Công ty Trung Tây Nguyên đã chuyển đủ số tiền này vào tài khoản của CCTHADS-TP.Tuy Hòa.
Đáp lại sự rõ ràng, sòng phẳng của Công ty Trung Tây Nguyên (theo hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký cùng ngày 5/2/2016), ngày 22/3/2016, CCTHADS-TP.Tuy Hòa ra Thông báo số 142/TB-THA “V/v giao tài sản” cho Công ty Trung Tây Nguyên. Biên bản giao, nhận tài sản THA được lập tại hiện trường khu sản xuất chế biến vật liệu xây dựng ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn (Tuy An - Phú Yên) ngày 25/3/2016, được ông Nguyễn Văn Sấm, Giám đốc Công ty Trung Tây Nguyên tiếp nhận đầy đủ. Đối với QSDĐ là tài sản của nhà nước nên được giải quyết theo quy định pháp luật về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cố tình mập mờ, dây dưa?
Những tưởng sau phiên đấu giá, Công ty Trung Tây Nguyên sẽ có cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng sự việc chưa dừng lại. Công ty Diệp Minh không đồng ý giao đất với lý do: “Tài sản trên đất thì phải THA, còn phần đất chúng tôi thuê là của Nhà nước, Công ty Trung Tây Nguyên phải tự tháo dỡ, chúng tôi không thống nhất trả lại đất, vì trước đây đơn vị đã bỏ tiền để san ủi mặt bằng”.
Rất nhiều cuộc họp đã được tổ chức với sự tham dự đầy đủ của các bên liên quan. Theo đó, CCTHADS TP.Tuy Hòa cho rằng, để đảm bảo cho người mua tài sản trúng đấu giá, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên lập thủ tục thu hồi đất cho Công ty Trung Tây Nguyên tiếp tục thuê đất.
Đại diện của Sở Tài chính Phú Yên cũng nhận định, mục tiêu của người mua không phải tháo dỡ đi, mua tài sản để tiếp tục thuê đất sử dụng vào mục đích theo quy định. Do đó, Công ty Diệp Minh không tự nguyện trả lại đất thì Nhà nước thanh lý hợp đồng thuê đất, thu hồi đất hoặc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
Còn đại diện Cục Thuế tỉnh Phú Yên đưa ra ý kiến, trường hợp Công ty Diệp Minh không tự nguyện trả lại đất, phải có văn bản thể hiện đơn vị tiếp tục sử dụng vào mục đích gì, nếu không sử dụng thì Nhà nước thu hồi theo quy định.
Đại diện Sở Tư pháp cũng nêu quan điểm, nếu Công ty Diệp Minh không tự nguyện trả lại đất, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ sở pháp luật nào có bước xử lý tiếp theo đối với vụ việc…
Những ý kiến trên đều tuân thủ quy định của pháp luật và thống nhất quan điểm: Trước đây, Công ty Diệp Minh thuê đất là để sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng. Nay dự án đã bị phá sản, là đối tượng bị cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản, không còn khả năng tiếp tục thực hiện QSDĐ nữa, nên việc buộc phải thực hiện các quy định theo Luật Đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường có lẽ hiểu hơn ai hết, Giấy chứng nhận QSDĐ của Công ty Diệp Minh có hiệu lực đến năm 2028, nhưng khi đơn vị không còn khả năng thực hiện thì Nhà nước phải thu hồi hoặc ra quyết định cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho đối tượng mới.
Qua nhiều cuộc họp, các sở ngành tỉnh Phú Yên luôn giữ vững lập trường quan điểm nói trên. Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên lúc xuôi, lúc ngược. Tại Báo cáo số 351/BC-STNMT ngày 8/7/2016 “v/v đề xuất hướng giải quyết trường hợp DN Trung Tây Nguyên xin thuê đất thông qua hình thức trúng đấu giá tài sản kê biên của DN Diệp Minh”, Sở Tài nguyên và Môi trường lại trích dẫn Khoản 4, Điều 81, Luật đất đai 2013: “Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính… đang sử dụng đất phi nông nghiệp, được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, khi nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại”. Và cho rằng, việc này, THA chưa tính đến chi phí đầu tư vào đất còn lại của Công ty Diệp Minh nên không đủ điều kiện để giải quyết trường hợp xin thuê đất của Công ty Trung Tây Nguyên.
Có thể thấy, việc áp dụng Khoản 4, Điều 81, Luật Đất đai năm 2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên là khập khiễng, bởi lẽ, việc áp dụng ấy chỉ đúng với những đối tượng có dự án làm ăn suôn sẻ, đúng thời gian hợp đồng thuê đất và tiền bồi thường ấy được khấu trừ hàng năm vào tiền thuê đất; hoặc Nhà nước có nhu cầu lấy lại trước thời hạn thì phải bồi thường tiền thuê cho doanh nghiệp. Còn trường hợp của Công ty Diệp Minh là không còn khả năng thực hiện QSDĐ, Nhà nước lại phải đền bù chi phí vào đất lúc đầu thì mới thu hồi được? Trên thực tế, việc san ủi mặt bằng của DN Diệp Minh để tạo khu sản xuất chế biến đá dăm rất đơn giản, gắn kết cùng với việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà làm việc, nhà vệ sinh… Việc tạo mặt bằng chế biến đá cũng vậy, nó đều nằm trong kế hoạch chi phí đầu tư lắp đặt thiết bị máy móc. Cho nên, đòi hỏi của DN Diệp Minh bồi thường chi phí vào đất được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên ủng hộ là rất vô lý.
Ông Nguyễn Văn Sấm, Giám đốc Công ty Trung Tây Nguyên phát biểu trước diễn đàn CLB doanh nghiệp và doanh nhân Phú Yên.
Thay lời kết
Bức xúc trước Báo cáo số 351/BC-STNMT ngày 8/7/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 6/8/2016, trên diễn đàn CLB doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu Phú Yên, ông Nguyễn Văn Sấm, Giám đốc Công ty Trung Tây Nguyên, đã phát đi thông điệp kêu cứu đến các cấp lãnh đạo và các sở ban ngành tỉnh Phú Yên. Ông nói: “Chúng tôi đã mua thiết bị máy móc, chuẩn bị đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề và sẵn sàng đi vào hoạt động. Giờ đây, thiết bị bỏ kho, người lao động thất nghiệp, doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính… Nhưng thiệt hại này thấm vào đâu khi chỉ số tin cậy vào những dự án đầu tư ở Phú Yên được đánh giá trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 là đứng ở vị trí thứ 56/63 tỉnh, thành trong cả nước?!”.
Vấn đề tưởng chừng đơn giản, thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh Phú Yên, nhưng trước diễn đàn CLB doanh nghiệp và doanh nhân tiêu biểu Phú Yên, ông Ngô Quang Phú, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, lại nói phải chờ ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường (?!)
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.
Phi Công
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected]. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.