Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa ra kết luận thanh tra việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác tại tỉnh Phú Yên.
Đường vào Tiểu khu 310. Ảnh: Báo Tuổi trẻ
Theo đó, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn xảy ra tại nhiều nơi ở Phú Yên. Công tác quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng thiếu đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương...
Phú Yên có diện tích tự nhiên là 502.342,43 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 297.909 ha (đất có rừng là 191.958 ha, đất chưa có rừng 105.951 ha), chiếm 59% diện tích tự nhiên thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố.
Tại tỉnh Phú Yên giai đoạn từ 2012 đến 31/3/2017, có 41 dự án đã thực hiện hoặc có nhu cầu phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án, với tổng diện tích đất cần thu hồi là 1.341,55 ha, trong đó đất có rừng 807,57 ha.
Theo kết luận thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp, việc lập, điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng và sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh là chưa phù hợp. Cụ thể, quá trình triển khai thực hiện 39/41 dự án với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng 423,96 ha rừng không phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 và trái quy định tại Điều 29 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006.
Cùng với đó, việc chấp hành quy định của pháp luật đất đai về chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang thực hiện các dự án cũng chưa được bảo đảm.
Cụ thể, tại thời điểm thanh tra, có 2 dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang thực hiện dự án, gồm: Dự án hầm đường bộ Đèo Cả chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng trên thực tế nhà đầu tư đã chuyển 37,35 ha rừng đặc dụng; Dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô đã được UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 593/QĐ-UBND ngày 15/4/2014 về chuyển mục đích sử dụng 42,35 ha rừng trồng.
Về chấp hành quy định trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, đối với 37 dự án đã thực hiện mới chỉ có 9 dự án có phương án trồng rừng thay thế hoặc thực hiện nộp tiền trồng rừng thay thế. Trong 37 dự án đã thực hiện này cũng chỉ có 20 dự án có đánh giá tác động môi trường do chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích là 518,55 ha.
Riêng đối với dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Công ty cổ phần Chăn nuôi Thảo Nguyên Phú Yên, UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đã có những tồn tại, hạn chế: Địa điểm thực hiện dự án nằm trọn trong Tiểu khu 310 và 311 là khu vực tiếp giáp và trải dài hơn 20 km chạy dọc theo đập chính hồ thủy điện Sông Hinh, “ôm trọn” vành đai bán ngập bảo vệ lòng hồ thủy điện Sông Hinh, do đó việc thực hiện dự án sẽ có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến bảo đảm an toàn, an ninh hồ thủy điện Sông Hinh.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra một số kiến nghị các cơ quan, tổ chức nhiều nội dung để khắc phục các bất cập trên.
Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cần đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế và thu hồi tiền trồng rừng thay thế theo quy định. Sở cần xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Lâm nghiệp cũng ra kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, đề nghị UBND tỉnh Phú Yên tổ chức rà soát toàn diện các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Phú Yên bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đối với diện tích rừng tại Tiểu khu 310 và 311 bổ sung ngay vào quy hoạch rừng phòng hộ.
Tổng cục cũng đề nghị dừng triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại Tiểu khu 310 và 311.
Theo Đỗ Hương/Chinhphu.vn
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.