Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 11 năm 2017 | 9:20

Sơn Động (Bắc Giang): Nóng chuyện phá rừng, chuyển nhượng đất trái phép

Hơn 10ha rừng tự nhiên nghèo kiệt bị phá trái phép; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) bị tẩy xóa, sửa chữa... Chuyện tưởng như đùa này lại xảy ra tại thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu (Sơn Động - Bắc Giang). Nhưng đến nay, sự việc này vẫn chưa bị xử lý. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của chính quyền địa phương?!

>> Vụ rừng Sơn Động bị “xẻ thịt”: ​Bắc Giang chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư !

Trong GCNQSDĐ cấp cho ông Nam, bà Thành có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa từ 10ha thành 18ha nhưng đến nay chưa bị xử lý về việc tẩy xóa, sửa chữa văn bản Nhà nước.

Tẩy xóa, sửa chữa GCNQSDĐ

Theo Báo cáo số 142 ngày 21/7/2017 của UBND huyện Sơn Động gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang về nội dung kiến nghị của 19 hộ dân ở thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu: Năm 1997, tại khu vực Lòng Đá, Khe Lê thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu, gia đình ông Triệu Dư Nam, vợ là Nguyễn Thị Thành, được Nhà nước giao 10ha rừng tự nhiên nghèo kiệt tại lô B, khoảnh 6, được quy hoạch là rừng sản xuất để quản lý, bảo vệ.

Ngày 30/1/1999, gia đình ông Nam được huyện Sơn Động cấp GCNQSDĐ với diện tích 10ha. Nhưng hiện nay, diện tích trong GCNQSDĐ bỗng dưng tăng lên 18ha và có dấu hiệu tẩy xóa. Từ đây, có nội dung tố cáo gia đình bà Thành tẩy xóa, sửa chữa diện tích ghi trong GCNQSDĐ.

Báo cáo số 748 ngày 28/9/2017 của Công an huyện Sơn Động cho biết, qua xác minh, đối chiếu xác định diện tích lô B, khoảnh 6 của gia đình bà Thành đều ghi diện tích là 10ha, không phải 18ha được ghi trong GCNQSDĐ.

Công an huyện Sơn Động xác định, việc chênh lệch diện tích nói trên của gia đình bà Thành có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa, song qua xác minh, chưa xác định được hành vi nêu trên là do tổ chức hay cá nhân thực hiện.

Không dừng lại ở việc tẩy xóa, sửa chữa từ 10ha thành 18ha, ngày 22/8/2015, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm xuống đo diện tích thực tế thì diện tích rừng nhà bà Thành tăng lên 26,1 ha (vượt 16,1 ha).

Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi tẩy xóa, sửa chữa diện tích trong GCNQSD đất cấp cho gia đình ông Nam, bà Thành. Thu hồi GCNQSDĐ bị tẩy xóa, điều chỉnh lại theo đúng diện tích được giao.

Hàng chục hecta rừng bị phá

Liên quan tới nội dung tố cáo ông Triệu Dư Nam, bà Nguyễn Thị Thành phá rừng tự nhiên tại lô B, khoảnh 6 để trồng rừng kinh tế, Hạt Kiểm lâm và cơ quan công an xác minh thời điểm thứ nhất vào tháng 4/2015, thời điểm thứ 2 vào tháng 7/2015, thời điểm thứ 3 là tháng 12/2015, bà Thành đã phá trái phép 0,621ha rừng trạng thái Ic. Bà Thành đã bị xử phạt hành chính 3 lần với tổng số tiền 22,5 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong 1 năm, bà Thành 3 lần phá rừng.

Theo biên bản xác minh ngày 22/8/2015 của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động thì tại khoảnh 6 (chưa chia lô rõ ràng) đã xảy ra tình trạng phá rừng sản xuất, trạng thái rừng nghèo gồm: cây bụi, cây tái sinh, tre nứa đã bị chặt hạ với diện tích 4,298ha, đối tượng là 13 công dân ở thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu. Ngày 11/9/2015, Hạt Kiểm lâm đã chuyển hồ sơ sang Công an huyện Sơn Động đề nghị điều tra, xử lý vụ phá rừng trái phép.

Không dừng lại ở việc tẩy xóa, sửa chữa từ 10 ha thành 18 ha, ngày 22/8/2015, tổ công tác của Hạt Kiểm lâm xuống đo diện tích thực tế thì diện tích nhà bà Thành tăng lên 26,1 ha (vượt 16,1 ha).

Ngày 20/4/2017, trong biên bản xác minh về việc phá rừng tự nhiên tại lô B, khoảnh 6 của gia đình bà Thành, theo phản ánh của 17 hộ dân thôn Thanh Chung (Tuấn Mậu), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang cho biết: Điểm thứ nhất diện tích bị phát là 0,85ha; điểm thứ hai phát 1,84ha; điểm thứ 3 phát 4ha. Tổng diện tích bị phát là 6,69ha; hiện trạng rừng bị phát là nứa, cây bụi, có cây gỗ mọc rải rác, toàn bộ cây bụi, nứa, một số cây gỗ đã bị cắt hạ để lại hiện trường, có mở đường mới, thời điểm phát là vào cuối tháng 3 đầu tháng 4/2017.

Theo huyện Sơn Động, trong tổng diện tích bị phát 6,69ha có 0,85ha trùng vào diện tích do 13 đối tượng phá vào năm 2015. Diện tích còn lại là 5,84ha. Cụ thể, ông Triệu Sinh Thông ở thôn Thanh Chung phát 1,5ha. Trong đó, có cây tái sinh mọc rải rác trạng thái rừng Ic là 0,145ha, UBND xã Tuấn Mậu đã xử phạt hành chính 2.650.000 đồng. Còn 1,355ha có cây bụi, nứa tép tái sinh mọc rải rác không thành rừng nên không lập hồ sơ xử lý.

Hàng chục heca rừng bị phá trái phép do Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương buông lỏng quản lý.

Khu rừng gia đình bà Nguyễn Thị Nụ (xã An Châu) quản lý thuộc khoảnh 6, xã Tuấn Mậu, diện tích phát 3,34ha (bà Nụ nhận chuyển nhượng từ bà Nguyễn Thị Thành). Đối tượng phát là ông Nguyễn Văn Ủy (chồng bà Nụ), diện tích phát trái pháp luật, rừng ở trạng thái Ic là 0,950ha, bị Hạt Kiểm lâm xử phạt 14.500.000 đồng. Diện tích 3,39ha còn lại có cây bụi, nứa tép tái sinh mọc rải rác không thành rừng nên không lập hồ sơ xử lý.

Phải khẳng định, 6,461ha rừng tại lô B, khoảnh 6, giao cho gia đình ông Nam, bà Thành đều là rừng tự nhiên nghèo kiệt. Việc ông Nam, bà Thành, ông Thông, ông Ủy tự ý phát, phá, cải tạo tổng 6,461ha rừng tự nhiên nghèo kiệt khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt là trái với Thông tư 23/2013/TT-BNNPTNT ngày 4/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất.

Biên bản xác minh 13 hộ dân thôn Thanh Chung phá 4,298 ha, trạng thái rừng nghèo, toàn bộ cây bụi và cây tái sinh, tre nứa đã bị chặt hạ.

Đặc biệt, trạng thái 4,298ha rừng bị 13 hộ dân phá năm 2015 và trạng thái 5,84ha rừng do ông Thông và ông Ủy phá đầu năm 2017 là giống nhau. Nhưng 13 hộ dân phá rừng thì Hạt Kiểm lâm chuyển hồ sơ cho công an xử lý; còn  ông Thông và ông Ủy phá tới 5,84ha rừng vẫn bình an vô sự?!

Như vậy, tại khoảnh 6, khu vực Lòng Đá, Khe Lê, thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu, từ năm 2015 đến tháng 4/2017, hơn 10ha rừng bị tàn phá. Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Công an huyện Sơn Động làm rõ xử lý hành vi 13 hộ dân phá 4,298 ha rừng từ năm 2015 và các vụ việc nêu trên.

Không lâu sau 13 hộ dân phá rừng Hạt Kiểm lâm có văn bản đề nghị Công  an huyện điều tra xử lý vụ phá rừng trái phép.

Chuyển nhượng đất rừng trái phép

Theo Báo cáo ngày 28/9/2017 của Công an huyện Sơn Động, bà Thành có hành vi chuyển nhượng đất rừng trái phép, trái với quy định của pháp luật tại khu Lòng Đá, Khe Lê, thôn Thanh Chung, xã Tuấn Mậu là có thật.

Cụ thể, vào tháng 4/2015, bà Thành chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Điện, ở thôn Chợ, thị trấn Thanh Sơn, diện tích 4,8ha nhưng thực tế đo được là 5,325ha; trong đó có 0,44ha nằm trong sổ đất lâm nghiệp gia đình bà Thành được giao, còn 4,885ha không thuộc đất rừng bà Thành được giao quản lý.

Đầu năm 2017, ông Thông và ông Ủy phá tới 5,84 ha rừng, trạng thái rừng bị phá giống với 13 hộ dân phá năm 2015 nhưng hai ông này không bị chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.

Ngày 18/1/2017, bà Thành tiếp tục chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Nụ ở xã An Châu 4ha nhưng đo thực tế là 12,584ha. Trong đó, chỉ có 2,59ha nằm trong sổ đất lâm nghiệp của bà Thành, còn 9,994ha không thuộc đất rừng bà Thành được giao quản lý.

Như vậy, bà Thành chuyển nhượng đất rừng cho ông Điện, bà Nụ diện tích 17,909ha nhưng chỉ có 3,030ha được Nhà nước giao, đã được cấp GCNQSDĐ, còn lại 14,879 ha không thuộc bà Thành quản lý nhưng đã tự ý chuyển nhượng trái phép.

Bà Thành chuyển nhượng đất rừng cho ông Điện, bà Nụ  17,909 ha nhưng có tới 14,879 ha chuyển nhượng trái phép nhưng chưa bị xử lý.

Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo huyện Sơn Động xử lý hành vi chuyển nhượng đất rừng trái phép đối với ông Nam, bà Thành; Thu hồi 16,1ha đất rừng nằm ngoài GCNQSD đất của gia đình ông Nam (trong đó, có 14,879 ha đất rừng chuyển nhượng trái phép) giao cho người dân địa phương theo quy định.

Có hình thức xử lý đối với lãnh đạo xã Tuấn Mậu khi xác nhận cho bà Thành chuyển nhượng đất rừng trái phép; làm rõ trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm buông lỏng quản lý dẫn tới nhiều hecta rừng bị phá; làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Sơn Động khi để rừng bị phá, chuyển nhượng trái phép đất rừng mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

  Hoàng Văn - Phạm Thủy

 

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top