Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 7 năm 2015 | 6:37

Sông Hồng bị “cắt khúc” bán khoán... cát!?

KTNT - Theo người dân địa phương, hàng ngày, một nhóm người thường lượn lờ dọc sông Hồng đoạn từ cầu Yên Lệnh (Hưng Yên) đến cầu Tân Đệ (Thái Bình) để ép tất cả tàu thuyền có nhu cầu hút cát đóng “phí tài nguyên”...

Chỉ cần nộp đủ tiền thì tàu nào cũng có thể lấy cát đầy tàu và chở đi đâu thì tùy, và dĩ nhiên việc mua bán này được “bảo kê”. Việc làm này đồng nghĩa với nguồn tài nguyên cát trên sông Hồng bị “cắt khúc” bán khoán trắng trợn mà không hề nộp thuế cho nhà nước.

Chỉ cát được lấy đi, rác, sỏi đá thì trả lại lòng sông.

“Bảo kê kiểu mới"

Để làm rõ hơn vấn đề trên, sau nhiều lần liên hệ, nhóm phóng viên cũng nhận được lời đồng ý giúp sức từ một chủ tàu cát tư nhân. Người này vốn phải chịu quá nhiều o bế nên từ lâu có tâm nguyện muốn lột mặt toán người “bảo kê kiểu mới”.

Một chiếc tàu tải trọng 180 tấn, chưa từng xuất hiện trên khúc sông này được điều từ Hà Nội vào ban đêm, đến tờ mờ sáng thì lặng lẽ tới địa điểm tập kết. Chúng tôi nhập vai những thuyền viên phụ việc.

Nhằm cho mọi việc thuận lợi, thuyền trưởng quyết định tách đám đông tàu cát đang neo đậu, xuôi thêm vài kilômét nữa xuống khu vực hạ lưu (thuộc địa bàn xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nơi không có mỏ cát nào được cấp phép rồi quyết định dừng lại.

Không nằm ngoài dự đoán, mặc dù nằm trên khúc sông vắng với chất lượng cát rất thấp, nhưng chỉ sau chừng 30 phút tiến hành neo đậu và thả vòi xuống nước, “những bóng trắng khiếp đảm” xuất hiện.

Những "bóng trắng khiếp đảm" đang áp vào mạn  chiếc tàu để ép phải mua "phí tài nguyên"

Trong bộ trang phục thường thấy, 4 người đàn ông trên chiếc các-lốt (ca-nô) trắng tấp mạnh vào bên mạn phải tàu của chúng tôi như muốn ngầm thể hiện thái độ kẻ cả.

Sau phút ngó nghiêng để nắm bắt cớ sự, họ nói người có trách nhiệm vào khoang lái rồi đặt thẳng vấn đề… nộp phí.

Trước những khoản phí vô lí và vặn hỏi của nhóm phóng viên, người đàn ông chừng 30 tuổi, tự nhận là Cường, khẳng định việc thu phí tài nguyên của nhóm là đúng pháp luật. Mức phí được đòi là 700.000 đồng/ lần hút, nhưng do là lần đầu nên “khuyến mại” còn 300.000 đồng.

“Chúng tôi ở Công ty Phúc Lợi Hà Nội, Công ty Phú Hiệp Phát là công ty con thực hiện thi công dự án nạo vét qua đoạn sông này”, người tên Cường nói.

Sau khi thực hiện "nghĩa vụ", chúng tôi được nhận Phiếu chung chuyển, liên 2, đóng dấu tươi của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phú Hiệp Phát. Đáng chú ý, nội dung không thể hiện khoản tiền nói trên.

Người đàn ông tên Cường ghi phiếu thu với số tiền "khuyến mại" là 300.000 đồng

Sau khi rời tàu, người tên Cường nói tiếp: “Các anh cứ nhớ cái con các-lốt trắng này nhé. Chúng tôi ở bên nạo vét của Bộ Giao thông Vận tải – Cục Đường thủy, còn cái con các-lốt đỏ kia chỉ là bảo kê cát tặc vớ vẩn thôi, nên bây giờ chúng tôi ra rồi không bảo kê được các anh đâu. Tôi nói nhanh vì các anh mới đến…”

Nhóm người này khoe khoang về các mối quan hệ rồi cung cấp thêm số điện thoại của những người liên quan, đồng thời dặn dò, có sự cố xảy ra thì cứ gọi và sẽ được giải quyết êm thấm…

Nhiều tàu thuyền được treo tấm biển có tên dự án nạo vét này khi tiến hành hút cát trên sông Hồng.

Sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý

Trao đổi về sự việc trên, lãnh đạo UBND xã Chân Lý (Lý Nhân) cho biết, chính quyền xã và nhân dân không đồng tình với việc làm của doanh nghiệp bởi môi trường bị ảnh hưởng, nguy cơ sạt lở kè sông Hồng và người dân phải sống chung với những tiếng ồn đinh tai nhức óc phát ra từ quá trình khai thác. Xã đã có văn bản kiến nghị lên cấp trên giải quyết việc này nhưng đến nay chưa có kết quả.

Lãnh đạo xóm 3 (xã Chân Lý) thì thẳng thắn khi nói về dự án nạo vét này: Các tàu cát khai thác tự do không xin phép một ai nên người dân rất bức xúc không biết vụ việc này như thế nào. Họ khai thác cả ngày lẫn đêm với những tàu cát hàng nghìn khối khiến cho dân tình không ngủ được. Chúng tôi kiến nghị xã nhưng lực lượng an ninh cứ đuổi thì họ lại chạy nên đến nay thực trạng này vẫn chưa được giải quyết.

Trước thông tin về việc chính quyền và người dân xã Chân Lý bức xúc và cho rằng doanh nghiệp Phúc Lợi hút cát trái phép, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Theo vị lãnh đạo tỉnh Hà Nam, doanh nghiệp này đã được tỉnh cấp phép hoạt động nạo vét luồng tuyến. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp lợi dụng để hút cát không đúng giấy phép như thông tin phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh sẽ xác minh lại.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc này.

Nhóm PVĐT

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top