Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 10 năm 2015 | 8:25

Sông Lô bị "phá nát", UBND tỉnh Tuyên Quang đổ lỗi cho doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc tỉnh cấp phép cho Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang là đúng quy định, chỉ có người thực hiện là sai, tỉnh cho khai thác sâu 3,5m nhưng doanh nghiệp khai thác tới 7m.

>>> UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép doanh nghiệp "phá nát" sông Lô?

Báo Kinh tế nông thôn có bài phản ánh việc UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang khai thác cát ở độ sâu 3,5m nhưng lại cho dùng tàu cuốc, vô hình chung "tiếp tay" cho doanh nghiệp công khai “phá nát” sông Lô, vì tàu cuốc có thể khai thác ở độ sâu từ 15 - 20m, thậm chí là 30m.

Theo ông Thực, UBND tỉnh Tuyên Quang cho Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang sử dụng tàu cuốc để khai thác cát là hoàn toàn đúng quy định?!

Trả lời câu hỏi: UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang dùng tàu cuốc để khai thác cát ở độ sâu 3,5m, vô hình chung "tiếp tay" cho doanh nghiệp này công khai "phá nát" sông Lô, ông Trần Ngọc Thực, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết: "Việc cấp phép không có vấn đề gì, còn việc tổ chức thực hiện có vấn đề thì thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường phải trả lời, UBND tỉnh không bao giờ cấp phép sai".

Ông Thực giải thích, thứ nhất, đây là loại khoáng sản thông thường, không thuộc Nhà nước cấm. Thứ hai, UBND tỉnh cho phép khai thác ở độ sâu 3,5m là thẩm quyền của UBND tỉnh. "Cấp bao nhiêu mét là thẩm quyền của chúng tôi nhưng để đảm bảo chế độ dòng chảy, không làm sạt lở bờ sông, chúng tôi chỉ cho phép khai thác sâu 3,5m bằng tàu cuốc. Việc làm tàu cuốc 15 - 20m, thậm chí 30m là sai sót của đơn vị tổ chức thực hiện và các cơ quan chức năng được UBND tỉnh giao giám sát, kiểm tra. Còn nói việc UBND tỉnh cấp phép có vấn đề là không đúng. Tôi khẳng định như vậy", ông Thực nói.

Cũng theo ông Thực, Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang thực hiện khai thác không đúng giấy phép. UBND tỉnh cho phép khai thác sâu 3,5m nhưng khi kiểm tra công ty khai thác sâu tới 7m.

Trả lời câu hỏi: "UBND tỉnh Tuyên Quang cho Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang khai thác ở độ sâu 3,5m, cho sử dụng tàu cuốc nhưng không nói độ sâu của gầu tàu cuốc là bao nhiêu? Đây có phải là nguyên nhân doanh nghiệp lợi dụng khai thác sai phép?", ông Thực cho biết: "Tôi cho phép anh khai thác 3,5m chứ không có trách nhiệm chỉ cho anh phải làm gầu xúc 3,5m. Người được cấp phép phải làm theo đúng quy định của Nhà nước".

Phóng viên hỏi tiếp: "Nhưng việc UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang khai thác cát bằng tàu cuốc dễ dẫn đến việc doanh nghiệp này lợi dụng để khai thác sâu hơn so với giấy phép được cấp?", ông Thực nói: "Anh nhầm, tôi cho anh dùng tàu hút 3,5m, nếu làm đúng thì anh dùng tàu hút 100 m3/giờ, nhưng anh làm ăn gian dối, dùng tàu hút công suất 1.000m3/giờ. Nghĩa là cái gì người ta cũng có thể lợi dụng được, vấn đề là mình phải kiểm tra".

Theo ông Thực, chính quyền địa phương, đặc biệt là thanh tra môi trường phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ cần lơ là, doanh nghiệp làm bậy ngay.

Về ý kiến cho rằng, phải thu hồi giấy phép không cho dùng tàu cuốc khai thác hoặc phải quy định cụ thể tàu cuốc có chiều sâu bao nhiêu, ông Thực cho biết: "Anh quy định khai thác 3,5m nhưng đi kiểm tra nó chơi cho anh 7m luôn. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất là cấm luôn tàu cuốc. Việc thu hồi giấy phép, nay tôi không phụ trách nên tôi không nói thay được. Hai là việc này nằm trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chắc là phải báo cáo lên cấp ủy".

Người dân cho rằng, Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang dùng tàu cuốc khai thác cát, sỏi ảnh hưởng tới môi trường, gây sạt lở bờ kè là do UBND tỉnh cho phép sử dụng tàu cuốc để khai thác cát.

Nói như ông Thực thì UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang khai thác cát ở độ sâu 3,5m nhưng lại cho dùng tàu cuốc là hoàn toàn đúng quy định (?!). Sai là do doanh nghiệp thực hiện khai thác không đúng giấy phép. Vậy Công ty CP Vận tải và Xây dựng Tuyên Quang sẽ bị xử lý như thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan quản lý tới đâu? UBND tỉnh có thu hồi giấy phép đã cấp cho công ty này hay không?, Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Hoàng Văn

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].
KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top