Những năm gần đây, hàng chục hộ dân bên bờ sông Nhùng đoạn qua thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng (Hải Lăng - Quảng Trị) luôn nơm nớp lo sợ khi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Nhà dân bị nứt nẻ do ảnh hưởng của việc sạt lở.
Thôn Thượng Xá có gần 130 hộ dân sống dọc theo sông Nhùng, trong đó có khoảng 20 hộ có nhà ở sát bờ sông bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất bởi nạn sạt lở.
Sạt lở trên sông Nhùng đoạn qua thôn Thượng Xá dài khoảng 3km, trong đó nguy hiểm nhất là đoạn qua những nhà dân ở sát bờ sông dài khoảng 1km. Sạt lở không chỉ gây lo lắng cho các hộ dân, cuốn mất nhiều diện tích đất sản xuất mà còn khiến một số nhà dân bị nứt nẻ.
Ông Lê Hữu Được (48 tuổi) ở xóm 1, thôn Thượng Xá có nhà nằm sát bờ sông Nhùng tỏ ra rất lo âu khi tiếp xúc với chúng tôi. “Gia đình tôi sống ở đây đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy tình trạng sạt lở lại diễn ra nghiêm trọng như vậy. Gia đình tích góp mãi mới xây dựng được ngôi nhà kiên cố để làm ăn sinh sống, nhưng nay do ảnh hưởng của sạt lở nên nhà bị hư hại nặng nề, không thể sửa chữa được”. Chưa kể từ khi xảy ra sạt lở, hơn 10m đất trong vườn nhà ông Được cũng bị cuốn trôi.
Trong số 20 hộ dân sống sát bờ sông thì gia đình ông Được và gia đình ông Lê Thanh Vinh đối mặt với hiểm nguy hơn cả. Nguyên nhân là giữa ranh giới đất của hai hộ này có một con mương dẫn nước từ sông Nhùng vào cánh đồng ruộng Phần của thôn. Con mương này giờ chỉ còn cách mỗi hộ chừng từ 4-5m.
“Cái mương này hồi mới làm rộng chỉ chừng 2m, sâu khoảng hơn 1m. Mục đích là để tiêu thoát nước cho đồng ruộng. Tuy nhiên, quá trình sạt lở diễn ra qua nhiều năm biến con mương này trở thành khe nước lớn và sâu, rộng từ 3-4m, sâu từ 5-6m. Đợt mưa lũ vừa qua nước dâng lên đến mặt đất nhà tôi đang ở, nước chảy rất xiết, nếu chẳng may tuột chân rơi xuống thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cứ mỗi đợt có mưa lũ lớn là mương lại rộng ra, sâu thêm. Gia đình tôi cảm thấy rất bất an khi sống ở đây”, ông Được lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Nguyệt, 51 tuổi, thôn Thượng Xá, có nhà ở sát bờ sông Nhùng cũng rơi vào tình cảnh lo âu khi phải sống chung với sạt lở nhiều năm qua. Ông cho biết, sạt lở không chỉ trực tiếp uy hiếp nhà ở của ông mà còn cuốn trôi hàng trăm mét đất vườn của gia đình.
Ông Nguyệt và nhiều hộ dân khác cho hay: “Cách đây nhiều năm, con đường chính rộng khoảng 8m của thôn nằm gần bờ sông cũng bị sạt lở ăn mòn, nay chỉ còn 2m. Vì thế, thôn đã chuyển đường chính lùi vào xa trong khu dân cư để đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông qua lại. Có nhiều hộ dân sinh sống ven sông đã di dời đến nơi khác, nhưng hiện tại gia đình tôi vẫn còn khó khăn nên chưa thể chuyển đi được”.
Ông Lê Quang Phong, Trưởng thôn Thượng Xá, cho hay: “Người dân đã kêu cứu đến các ban ngành chức năng từ nhiều năm qua nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có giải pháp gì. Hàng năm thôn đều vận động người dân bỏ công sức và góp kinh phí để trồng cây dọc bờ sông, đắp bao cát, đóng cọc tre để chống sạt lở trước mỗi mùa mưa bão nhưng cũng không ăn thua. Hiện nay sạt lở ngày càng mạnh, người dân cảm thấy rất lo lắng…”.
Với tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng thì việc người dân gia cố theo kiểu “thủ công” như những năm qua chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, ông Lê Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, kiến nghị: “Thời gian qua, xã đã nhiều lần báo cáo với huyện, tỉnh. Cũng có một số đoàn đến địa phương để khảo sát tình trạng sạt lở nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm. Chúng tôi kiến nghị, các ban ngành cấp trên cần quan tâm khảo sát, kiểm tra tình trạng sạt lở để sớm xem xét bố trí kinh phí giúp địa phương làm kè chống sạt lở hiệu quả hoặc có giải pháp hỗ trợ phù hợp giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất”.
Hoàng Thông
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.