Chuyện “sốt đất” tại các địa phương công bố có dự án, quy hoạch đã làm cho thị trường bất động sản (BĐS) thay đổi từng ngày.
Thậm chí, có nơi giao dịch “cả đêm”, đất cứ hở ra bán là có người đến mua. Những cơn “sốt đất” như thế này gây ra nhiều hệ lụy cho công tác quản lý đất đai, nguy cơ vỡ “bong bóng” đất hiện hữu.
“Sốt đất” khắp nơi
Bên lề hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội lần thứ 3, Bí thư Thành ủy Hà Nội (nay là Chủ tịch Quốc hội) Vương Đình Huệ cho biết về chủ trương thành phố triển khai xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỉ lệ 1/5000, dự kiến phê duyệt trong tháng 6/2021.
Ngay lập tức, các quận, huyện như Đông Anh, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng..., nơi chịu sự tác động của quy hoạch, giá đất tăng đột biến. Có nơi giá đất tăng gấp 2-3 lần, thậm chí còn hơn thế nữa. Người dân ở các xã như Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Đông Hội… trên địa bàn huyện Đông Anh cho biết, cứ nhà nào có ý định bán đất là lập tức có người đến xem đất và mua ngay.
Một trung tâm môi giới BĐS ở huyện Đông Anh cho biết, mảnh đất đẹp, đường rộng 4m, giao thông thuận tiện, giá không dưới 40 triệu đồng/m2; cũng mảnh đất đó khoảng năm 2018 chỉ có giá trên dưới 10 triệu đồng/m2 nhưng đến nay cũng không có để mà mua.
Mặc dù mới chỉ có thông tin UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát để làm cơ sở cho Chính phủ và các bộ, ngành giao lại sân bay quân sự Téc Ních để xây dựng sân bay, ngay lập tức, tình trạng sốt đất tại đây diễn ra rầm rộ tại huyện Hớn Quảng.
Hay tại khu vực dự kiến triển khai thực hiện dự án xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị ở huyện Gio Linh, tình trạng “sốt đất” cũng đang diễn ra.
Một số diễn đàn còn cập nhật giá đất tại những điểm nóng như Đan Phượng, Hoà Lạc (Hà Nội), Thủy Nguyên (Hải Phòng), Gia Viễn (Ninh Bình), Từ Sơn (Bắc Ninh), Hớn Quảng (Bình Phước)... Các lô đất được giới thiệu chào bán liên tục, người xem tương tác sôi nổi.
Nhiều “cò” đất còn phao tin “có đại gia từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang tìm mua, gom đất vùng ven; hay đất Đà Nẵng, Cần Thơ… đang ấm trở lại từ sau Tết, giá đất sẽ tăng cao,…”. Sau khi trao đổi thông tin qua mạng xã hội, những cuộc thăm dò thực tế các lô đất đã diễn ra.
Ngay sau Tết Nguyên đán 2021, tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh, giá đất liên tục tạo mốc mới, cao hơn mốc trước 5 - 15% mỗi đợt “sang tay”. Cơn “sốt” đất nền ở Hà Tĩnh vẫn đang tạo ra những đợt “sóng ngầm” đáng báo động.
Tại TP Hà Tĩnh, thời điểm từ ra Tết đến nay, thị trường bất động sản cũng khá nóng. Cùng với đất khu vực thị tứ Thạch Châu tăng “phi mã”, thì tại các địa phương khác ở Lộc Hà như: thị trấn Lộc Hà, dọc đường ven biển Thịnh Lộc, Tân Lộc, Hồng Lộc, Bình An…, đất đai cũng đang được giao dịch sôi động.
“Giá đất nền tại TP. Hà Tĩnh bắt đầu tăng từ cuối năm 2020, đặc biệt từ ra Tết đến nay tăng bình quân 100 - 150 triệu đồng/lô, có lô tăng 200 triệu đồng. Có 3 vùng tăng mạnh nhất là: Đông Tân Học (Thạch Hạ), Đông đường Nguyễn Huy Tự (phường Nguyễn Du) và Thạch Trung”, “cò đất” ở TP. Hà Tĩnh thông tin.
Có thể nói, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số địa phương triển khai quyết liệt các dự án để phát triển kinh tế, sau một thời gian bị “chìm lắng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các dự án này tác động rất lớn đến đời sống của nhân dân, chính vì vậy, BĐS ở những địa phương này lại được một “phen nhảy múa”. Câu chuyện “sốt đất” không chỉ có một địa phương, mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ở đâu có dự án triển khai, ở đâu có quy hoạch là giá đất tăng chóng mặt.
Cảnh báo
Đứng trước tình hình giá đất của các tỉnh, thành trong cả nước có chiều hướng tăng đột biến, tạo các cơn “sốt đất ảo” diễn ra trên thị trường BĐS, Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành đều có những chỉ đạo để kiềm chế việc tăng giá đất bất thường này.
Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận có hiện tượng giới đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị..., gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính. Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát thị trường BĐS, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng lợi dụng thông tin (quy hoạch, nâng cấp đơn vị hành chính, chủ trương đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn, đặc biệt là về hệ thống đường giao thông,…) để làm giá, đẩy giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính.
Liên quan Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Thành uỷ Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ về chủ trương chỉ đạo đối với Đồ án. Trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm, trục lợi chính sách về đất đai, đầu cơ đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Mới đây, UBND TP. Hạ Long (Quảng Ninh) có văn bản gửi các cơ quan chức năng và các xã, phường về việc cảnh giác tình trạng sốt đất ảo trên địa bàn trong đó yêu cầu các xã phường và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, thực hiện việc chứng thực các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất theo đúng trình tự quy định.
Bên cạnh đó, tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin liên quan đến tình trạng cò mồi, đầu cơ, thao túng thị trường…
Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Tĩnh, cho biết, từ ra Tết đến nay, các địa phương chưa triển khai đấu giá nhưng giá đất trên thị trường đã tăng bình quân 15 - 35%, các giao dịch BĐS cũng diễn ra sôi nổi. Thời điểm sau Tết, giá BĐS tại Hà Tĩnh cũng “ăn theo” thị trường chung cả nước theo chiều hướng tăng. “Tuy nhiên, tăng nhưng chưa phải tăng theo giá trị đầu tư thật mà chủ yếu do những nhà đầu cơ, lướt sóng và trong đó có chiêu trò “thổi giá” của nhà đầu tư phối hợp “cò đất””, ông Quỳnh cho hay.
Hệ lụy từ những cơn “sốt đất”
Các chuyên gia BĐS phân tích, xu hướng đất tăng giá khi thực hiện đô thị hóa là đúng quy luật. Tuy nhiên, việc thị trường BĐS tăng nóng trong thời gian ngắn có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá đất được đẩy lên sau khi nhiều địa phương bắt đầu phê duyệt quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, giá đất tăng từng ngày khi huyện ngoại thành này “sắp lên quận”, hay một loạt tỉnh đề xuất xây sân bay... Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng cũng được đẩy mạnh. Tất cả các yếu tố này khiến người ta “nhìn thấy” khi hình thành quy hoạch, dự án, giá đất sẽ lên rất cao. “Tuy nhiên bong bóng đến một lúc nào đó sẽ phải vỡ”.
Sốt đất sẽ gây nhiều hệ lụy xấu cho thị trường BĐS và nền kinh tế. Sốt đất hút nguồn lực của các nhà đầu tư lao vào vòng xoáy tăng giá đất đai. Sốt đất làm giảm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất ở nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Đất tăng giá cũng sẽ cản trở mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào địa phương vì giá đất tăng kéo các chi phí khác tăng theo. Hơn nữa, việc tăng giá đất có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở và sẽ càng khó hơn cho việc thực thi các chính sách phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
Bài học từng xảy ra nhiều hệ lụy từ cơn sốt đất những năm 2018 - 2019 tại Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh); trước đó là Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), sân bay Long Thành (Đồng Nai)...
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS, cho rằng, các địa phương phải vào cuộc, kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch. Ông lấy ví dụ, các địa phương cần quản lý đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán; cung cấp đầy đủ thông tin chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phát hiện, xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, nhất là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
Về phía Nhà nước, đại diện hội này cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hoá quy hoạch. Điều này nhằm giúp cho người dân thuận tiện tra cứu thông tin sản phẩm bất động sản. Đồng thời, cần quản lý sàn giao dịch và môi giới bất động sản chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Để ổn định giá bất động sản, rất mong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương mạnh tay xử lý những hiện tượng thổi giá, tạo ra những cơn sốt đất ảo như thế này.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Giá đất tại nhiều địa phương, nhiều khu vực đều tăng. Nhưng hiện tượng sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực thời gian qua tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế hoặc tiềm ẩn rủi ro nếu đầu tư tín dụng". |
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.