Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2019 | 13:19

Sự kiện 24/7: Cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai như thế nào?

Ngày 24/9, Bộ GTVT đã phát đi thông tin về việc hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.

cao-toc-b-n.jpg

Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020.

Liên quan đến công tác triển khai dự án này, theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết: “Về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư”.

Đề cập đến công tác sơ tuyển nhà đầu tư, ông Huy cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc Nam.

“Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển cho các nhà đầu tư vào đầu tháng 10/2019 và sẽ hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 1/2020”, ông Huy nói và cho biết, dự kiến từ tháng 2/2020, Bộ GTVT bắt đầu tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

 

cao-toc-b-n-1.jpg

Các đoạn tuyến dự kiến mời thầu của cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: KT

 

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển hiện nay, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét lại tiêu chí về năng lực kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, từ đó làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả các dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, về năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông Huy cũng khẳng định, Bộ GTVT sẽ vẫn giữ nguyên các tiêu chí theo đúng quy định của Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ. Cụ thể, nhà đầu tư tham gia dự án phải đảm bảo yêu cầu vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án và nhà đầu tư phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.

Theo ông Huy, có hai vấn đề mấu chốt quyết định sự thành công của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Thứ nhất, phải chọn được nhà đầu tư mạnh, có đủ tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm. Thứ hai là phải tháo gỡ được các vướng mắc về nguôn vốn tín dụng cho các dự án PPP giao thông.

“Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay và có cách thức huy động vốn cho vay đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam”, ông Huy nói và biết thêm, để dự án cao tốc Bắc - Nam triển khai thành công rất cần sự tham gia vào cuộc của các tập đoàn lớn trong nước có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm đầu tư.

Là đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ triển khai hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt, đại diện Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) cho biết, dự kiến đầu tháng 10/2019, đơn vị sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư của 2 dự án cao tốc nói trên.

“Theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển tối thiểu là 30 ngày. Đối với hình thức đấu thầu trong nước lựa chọn nhà đầu tư, thời gian chuẩn bị của các nhà đầu tư là 60 ngày, rút ngắn 30 ngày so với đấu thầu quốc tế (90 ngày)”, đại diện Ban QLDA 6 thông tin.

“Khi chuyển đổi hình thức lựa chọn nhà đầu tư từ đấu thầu quốc tế sang đấu thầu trong nước sẽ tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia, làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch của các dự án cao tốc Bắc - Nam”, đại diện Ban QLDA6 nói và cho biết thêm, trong trường hợp đấu thầu thành công, dự kiến tháng 5/2020, hai dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt sẽ ký được hợp đồng với nhà đầu tư và triển khai thi công từ tháng 6/2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về vụ 9 người ở lại Hàn Quốc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài trong thời gian tới đây, sau vụ việc 9 người tham gia đoàn công tác tại Hàn Quốc không trở về Việt Nam.

 

hang-khong.jpg

Đây là nội dung trong thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến vụ việc 9 người Việt Nam đã không có mặt tại sân bay lúc máy bay cất cánh về nước sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  kết thúc chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 12/2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ đạo Cục Đầu tư nước ngoài – đơn vị đầu mối tổ chức đoàn tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài tới đây.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, hiện 2 người đã về nước, 7 người vẫn đang trốn ở lại Hàn Quốc.

Trong 30 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong các chuyến thăm, làm việc ở nước ngoài, để tổ chức các cuộc tiếp xúc, các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy các hoạt động thương mại và đầu tư, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Việc chọn lọc, thẩm định, lập danh sách đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng các chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, sau đó gửi các cơ quan hữu quan thẩm tra, cho ý kiến. Việc quản lý đoàn đi cũng được thực hiện chặt chẽ bằng nhiều cách thức khác nhau.

Tuy nhiên, trong chuyến công tác tháng 12/2018, một số người đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp, bỏ hộ chiếu lại. Toàn bộ số hộ chiếu này, sau đó đã được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bàn giao cho các cơ quan chức năng.

Đây là sự việc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận rằng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm khi lần đầu tiên xảy ra một sự cố như vậy. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp chặt chẽ, tích cực với các cơ quan chức năng để thông tin và phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan truy tìm các đối tượng hiện đang bỏ trốn để triệu hồi về nước và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện nội bộ có sai phạm liên quan, Bộ sẽ nghiêm khắc xử lý cán bộ theo mức độ và quy định của pháp luật. 

Diện tích rừng bị cháy gấp 7,6 lần cùng kỳ năm trước

Diện tích rừng bị thiệt hại quý III/2019 là 2.374,3 ha, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2.239,7 ha, gấp 7,6 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 134,6 ha, giảm 4,2%.

Báo cáo kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2019 của Tổng Cục thống kê cho biết, sản xuất lâm nghiệp 9 tháng năm 2019 nhìn chung phát triển ổn định. 

 

chay-rung.jpg



Hiện nay, các tỉnh phía Bắc đang tập trung trồng rừng cuối vụ, các tỉnh phía Nam bước vào giai đoạn trồng rừng chính vụ. Bên cạnh đó, người dân tập trung cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và đẩy nhanh tiến độ khai thác gỗ từ diện tích rừng đến kỳ khai thác.

Cụ thể, trong quý III/2019, diện tích rừng trồng tập trung của cả nước ước tính đạt 66,5 nghìn ha, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 26,3 triệu cây, giảm 2,2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 4.393 nghìn m3, tăng 4,8%...

Tính chung 9 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 176,5 nghìn ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 60,7 triệu cây, giảm 2,8%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.413 nghìn m3, tăng 4,5% do nhu cầu gỗ nguyên liệu tiêu thụ trong nước ngày càng tăng, giá thu mua gỗ ổn định.

Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ngãi đạt 1.047 nghìn m3, tăng 11,1%; Quảng Nam đạt 1.039 nghìn m3, tăng 11,2%; Nghệ An đạt 814,7 nghìn m3, tăng 14,5%; Bình Định đạt 695 nghìn m3, tăng 10,9%; Bắc Giang đạt 469,1 nghìn m3, tăng 7,5%.

Diện tích rừng bị thiệt hại quý III/2019 là 2.374,3 ha, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2.239,7 ha, gấp 7,6 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 134,6 ha, giảm 4,2%.

Tính chung 9 tháng năm nay, diện tích rừng bị thiệt hại là 3.059,7 ha, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2.641,7 ha, gấp gần 5 lần; diện tích rừng bị chặt, phá là 418 ha, giảm 2,5%.

Dân lo lắng vì hơn 140 ha rừng dương chắn cát ở Bình Định bị tàn phá

 

rung.jpg

Rừng bị đốt trụi.

 

Gần đây, người dân thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định rất bức xúc trước việc rừng bị tàn phá. Cả khu rừng dương khoảng 250 ha thuộc địa bàn xã này và xã Cát Chánh, huyện Phù Cát vừa bị đốt phá hơn một nửa diện tích. Bao đời nay, cánh rừng dương này là lá chắn, có chức năng phòng hộ, che chắn bão cát cho hơn 500 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu. Nay rằng bị tàn phá người dân lo lắng.

Diện tích rừng bị phá nằm ở khu vực được UBND tỉnh Bình Định giao cho Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai triển khai Dự án phong điện Phương Mai 1. Ông Nguyễn Văn Năm, 60 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Huỳnh Giản Bắc cho rằng, khu rừng bạt ngàn xanh tươi trước kia giờ bị đốt hết, rất xót xa.

“Rừng dương bị san bằng hết trở thành bãi trống, không còn để phủ xanh đồi trọc như trước đây nữa. Thực tế là đốt cháy đen, bà con ở đây cũng rất bức xúc. Chúng tôi đang kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét khôi phục lại để đảm bảo dân sinh ở địa phương”- ông Năm nói.

Khu rừng dương này được hình thành từ rất lâu. Sau này, thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (chương trình trồng rừng BAM-327 của Chính phủ), người dân trồng bổ sung, nâng diện tích lên 250ha. Năm 2009, UBND tỉnh Bình Định giao diện tích này cho Công ty Cổ phần Phong điện Phương Mai triển khai dự án điện gió Phương Mai 1. Diện tích rừng nằm trong khu vực dự án đã bị tàn phá.

“Hồi xưa rừng rất dày, bây giờ hết rồi. Là người dân ở đây, tôi yêu cầu các cơ quan chức năng phải bồi thường lại rừng y hiện trạng cũ. Rừng này trồng lâu lắm, chúng tôi vất vả bao nhiêu người dân trồng giữ gìn tới bây giờ. Bây giờ phong điện phá, xây dựng khu đô thị cũng phá hết rừng”- một người dân có nhà sát rừng lên tiếng phản đối.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định, đơn vị quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội, diện tích rừng này đã đưa ra khỏi rừng phòng hộ. Khi rừng bị phá, doanh nghiệp thì đổ cho người dân phá rừng, còn người dân thì tố cáo doanh nghiệp phá. Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương rất bất bình khi rừng bị tàn phá như hiện nay. UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Công an tỉnh vào cuộc điều tra làm rõ ai tàn phá rừng khu vực này và sẽ xử lý nghiêm.

“Một số diện tích rừng thông bị cháy ở Dự án phong điện Phương Mai 1, tỉnh đã giao Cơ quan công an tiến hành điều tra làm rõ. Thực tế diện tích này nằm trong Khu Kinh tế đã được chuyển đổi. Chúng tôi đã giao mặt bằng này cho nhà đầu tư để thực hiện dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm quản lý. Nếu nhà đầu tư cố tình thì chúng tôi xử lý, nếu như để cho người dân hoặc kẻ xấu vào đốt thì chúng tôi cũng phải xử lý, làm cho rõ”- ông Hồ Quốc Dũng cho biết.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top